Thoát vị đĩa đệm

(3.77) - 94 đánh giá

Các xương đốt sống hình thành nên cột sống được đệm bằng những cấu trúc dạng đĩa nhỏ gọi là đĩa đệm. Các đĩa đệm này có hình tròn và phẳng, với một lớp bên ngoài dai bền gọi là vòng sợi (annulus) bao quanh một chất dạng gel gọi là nhân đệm (nucleus). Nằm giữa mỗi đốt sống, đĩa đệm có tác dụng làm giảm xóc và làm cho cột sống cử động uyển chuyển. Các dây chằng dày gắn liền các đốt sống với nhau và giữ đĩa đệm không di lệch.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một mảnh của nhân đĩa đệm được thoát ra khỏi vòng sợi, vào trong ống sống thông qua vị trí đứt rách vòng sợi. Đĩa đệm trở nên bị thoát vị thường là trong giai đoạn đầu của sự thoái hóa. Ống sống có không gian hạn chế, không đủ cho các dây thần kinh và mảnh thoát vị đĩa đệm. Do sự di chuyển này, các đĩa đệm ép vào dây thần kinh, thường gây đau và có thể là nghiêm trọng.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống. Thoát vị đĩa đệm phổ biến hơn ở cột sống thắt lưng, nhưng cũng xảy ra ở cột sống cổ. Vùng mà bạn bị đau phụ thuộc vào đoạn cột sống bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Căng giãn quá quá mức hoặc chấn thương cột sống có thể gây ra thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, đĩa đệm thoái hóa tự nhiên theo tuổi, và các dây chằng giữ nó cũng bắt đầu suy yếu. Khi thoái hóa tiến triển, giãn nhẹ hoặc chuyển động tương đối nhẹ cũng có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.

Một số cá nhân có thể có các đĩa đệm dễ bị tổn thương, kết quả là, có thể bị thoát vị đĩa đệm nhiều nơi dọc theo cột sống. Nghiên cứu cho thấy có khuynh hướng cho thoát vị đĩa đệm có thể tồn tại trong nhiều gia đình, với một số thành viên bị thoát vị đĩa đệm.

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Các triệu chứng khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào vị trí của đĩa đệm thoát vị và kích thước của thoát vị. Nếu thoát vị đĩa đệm không đè lên dây thần kinh, bạn có thể đau lưng thấp hoặc không đau gì cả. Nếu nó chèn ép lên một dây thần kinh, có thể gây đau, tê hoặc yếu tại khu vực mà các dây thần kinh chi phối.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng. Sự chèn ép lên một hoặc một số rễ thần kinh tạo thành dây thần kinh toạ có thể gây đau, tê và dị cảm lan từ mông xuống chân và đôi khi xuống bàn chân. Thường chỉ một bên (trái hoặc phải) bị ảnh hưởng. Cơn đau này thường được mô tả giống như dao đâm và điện giật. Nó có thể nặng hơn khi đứng, đi bộ hoặc ngồi. Cùng với đau chân, bạn có thể kèm theo bị đau lưng.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Các triệu chứng có thể bao gồm đau âm ỉ hay giống như dao đâm ở cổ hoặc giữa xương bả vai, đau lan xuống cánh tay đến bàn tay hoặc ngón tay, hoặc bị tê hoặc ngứa ran ở vai hoặc cánh tay. Cơn đau có thể tăng lên theo tư thế hoặc chuyển động của cổ nhất định.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán được thực hiện bởi một nhà phẫu thuật thần kinh dựa trên bệnh sử, triệu chứng, khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bao gồm:

  • Chụp X quang: Là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ứng dụng tia X để tạo ra phim hoặc hình ảnh của một phần cơ thể, có thể hiển thị cấu trúc của các đốt sống và các khớp. Chụp X -quang cột sống có thể cho thấy nguyên nhân tiềm ẩn khác của đau ví dụ: khối u, nhiễm trùng, gãy xương, vv…
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT hay CAT scan): Là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt có sử dụng tia X, có thể hiển thị hình dạng và kích thước của ống sống, thành phần và các cấu trúc xung quanh ống sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể tạo thành hình ba chiều (3-D) của cấu trúc cơ thể nhờ sử dụng từ trường mạnh và công nghệ máy tính, có thể hiển thị tủy sống, dây thần kinh và các vùng xung quanh, và rộng hơn là có thể hiển thị hình ảnh thoái hóa và các khối u.
  • Chụp tủy đồ (Myleogram): Là kỹ thuật chụp X -quang của ống tủy sống sau khi tiêm thuốc cản quang vào khoang dịch não tủy, có thể thấy hình ảnh chèn ép lên tuỷ sống, các rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm, gai xương hoặc khối u.
  • Điện cơ và khảo sát dẫn truyền dây thần kinh (EMG / NCS): Các khảo sát này đo xung điện dọc theo rễ thần kinh, thần kinh ngoại biên và mô cơ. Điều này sẽ chỉ ra tổn thương thần kinh đang diễn ra, dây thần kinh đang hồi phục từ một chấn thương cũ hoặc có chèn ép dây thần kinh.
Xem thêm bài Chụp cộng hưởng từ (MRI scan) và bài Chụp X quang

Hình chụp MRI cột sống thắt lưng của một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có mảnh rời tại tầng L5/S1 bên phải.

Điều trị thoát vị đĩa đệm

May mắn thay, phần lớn các thoát vị đĩa đệm không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ những người có thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, có thể có triệu chứng hoặc đau lưng nặng, ảnh hưởng đáng kể cuộc sống hàng ngày.

Điều trị ban đầu đối với thoát vị đĩa đệm thường là bảo tồn và không phẫu thuật. Bác sĩ có thể kê toa nghỉ ngơi tại giường hoặc khuyên bạn nên duy trì một mức độ hoạt động không gây đau trong vài ngày đến vài tuần. Điều này làm giảm quá trình viêm dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm thường được điều trị bằng thuốc kháng viêm Nonsteroid nếu mức độ đau nhẹ đến trung bình. Tiêm Steroid ngoài màng cứng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng kim tiêm vào cột sống dưới hướng dẫn X-quang để thuốc đến vị trí chính xác của thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ có thể đề nghị tập vật lý trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ kết hợp với chẩn đoán của bác sĩ, sẽ đánh giá và chỉ ra một quy trình điều trị được thiết kế đặc biệt cho những bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm. Vật lý trị liệu có thể bao gồm kéo xương chậu, mát xa nhẹ nhàng, chườm nước đá và điều trị nhiệt, siêu âm, kích thích điện cơ, và các bài tập thể dục kéo dãn (stretching exercise). Thuốc giảm đau và giãn cơ cũng có thể mang lại lợi ích kết hợp với vật lý trị liệu.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn, chẳng hạn như vật lý trị liệu và thuốc, không làm giảm hoặc không hết đau hoàn toàn. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về các loại phẫu thuật cột sống hiện có, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn, bác sĩ sẽ xác định những loại phẫu thuật điều trị thích hợp cho bạn. Với bất kỳ loại phẫu thuật nào, tuổi của bệnh nhân, sức khỏe tổng thể và các vấn đề khác đều được xem xét khi có chỉ định phẫu thuật.

Những lợi ích của phẫu thuật luôn luôn cần được cân nhắc cẩn thận trước những rủi ro của nó. Mặc dù một tỷ lệ lớn bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có giảm đau đáng kể sau phẫu thuật, không có đảm bảo rằng phẫu thuật đều sẽ giúp ích mỗi bệnh nhân.

Bạn có thể được coi là một ứng cử viên cho phẫu thuật cột sống nếu:

  • Đau lưng và đau chân giới hạn hoạt động bình thường hoặc làm suy yếu chất lượng cuộc sống.
  • Suy giảm chức năng thần kinh tiến triển, chẳng hạn như yếu và/ hoặc bị tê chân.
  • Mất chức năng bình thường của ruột và bàng quang.
  • Đứng hoặc đi bộ khó khăn.
  • Thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả.
  • Bạn có sức khỏe khá tốt.

Các loại phẫu thuật

  • Thoát vị đĩa đệm cổ: phương pháp mổ hiện nay là lấy nhân đệm lối trước có ghép xương hoặc đĩa đệm nhân tạo qua vi phẫu (anterior cervical discectomy and fusion), đĩa đệm nhân tạo có thể dùng xương mào chậu của chính bệnh nhân, mảnh ghép bằng titan (cespace) hoặc bằng vật liệu polyetherketone (peek).

Hình X quang cột sống cổ sau phẫu thuật lấy nhân đệm tầng C5/C6 có ghép xương và có sử dụng các dụng cụ kim loại ( plate and screws) làm cứng khớp đốt sống (các mũi tên đỏ) .

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống lưng: Hiện nay với những tiến bộ về phẫu thuật cột sống và kính hiển vi phẫu thuật, với những lợi ích như: đường rạch da nhỏ, giảm tổn thương cơ và phần mềm, cầm máu kỹ, thao tác dễ dàng và chính xác dưới sự phóng đại lớn của kính vi phẫu, tránh tổn thương thần kinh nên hầu hết các nhà phẫu thuật thần kinh và chỉnh hình trên thế giới đều sử dụng vi phẫu thuật để mổ thoát vị đĩa đệm lưng. Ngoài ra một số trường hợp cũng sử dụng nội soi để phẫu thuật thoát vị đĩa đệm lưng, tuy nhiên nội soi sẽ đắt tiền hơn và cần phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm hơn.

Sau phẫu thuật

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn cụ thể sau mổ và thường kê toa thuốc giảm đau. Bác sĩ sẽ giúp xác định khi nào bạn có thể tiếp tục hoạt động bình thường như trở lại làm việc, lái xe và tập thể dục. Một số bệnh nhân có thể phục hồi tốt chức năng và vật lý trị liệu sau phẫu thuật. Dự kiến ​​có khó chịu khi bạn dần dần trở lại hoạt động bình thường, nhưng đau là một tín hiệu cảnh báo rằng bạn có thể cần phải chậm lại.

Cách phòng chống thoát vị đĩa đệm

Khi bạn đã hồi phục sau phẫu thuật và đã tái khám với bác sĩ của bạn, bạn có thể tiếp tục tập thể dục vừa phải. Những lời khuyên sau đây có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa đau lưng và thoát vị đĩa đệm.

  • Tập thể dục và các bài tập tăng cường cơ bụng – khác để giúp cột sống vững hơn. Bơi lội, đi xe đạp, đi bộ nhanh là những bài tập biến dưỡng hữu khí tốt (aerobic exercises), nói chung không đặt ngoại lực lên lưng của bạn.
  • Sử dụng kỹ thuật nâng và di chuyển chính xác, chẳng hạn như ngồi xổm để nâng một vật nặng. Không uốn cong lưng và nâng. Được giúp đỡ nếu vật quá lớn hoặc quá khó.
  • Duy trì tư thế đúng khi bạn đang ngồi và đứng.
  • Nếu bạn hút thuốc, nên bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch, có thể gây ra đau lưng và các rối loạn thoái hóa đĩa đệm.
  • Tránh tình huống có thể gây ra căng cơ quá mức.
  • Duy trì một cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân, đặc biệt là vùng bụng to, có thể gây căng cột sống thắt lưng của bạn.

Tài liệu tham khảo

  • http://www.aans.org/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/Herniated%20Disc.aspx
  • http://vtv.vn/Suc-khoe/Dau-hieu-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-thoat-vi-dia-dem/74370.vtv
  • http://www.svqy.org/theductrilieu.html
  • http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00540
  • http://www.methodistorthopedics.com/treatment-guidelines-for-low-back-pain
  • http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=44
  • http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=43
  • http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=42
  • Biên dịch - Hiệu đính

    BS. Lâm Xuân Nhã
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ em

    (72)
    Nhóm Nhi khoa Y học cộng đồng Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ em là gì? Hình vẽ minh hoạ cho thấy hộp sọ bé bình thường ở hai tư thế (1) A1 nhìn ... [xem thêm]

    Hẹp ống sống thắt lưng

    (64)
    Hẹp ống sống thắt lưng là gì? Cột sống thắt lưng bao gồm năm đốt sống ở đoạn thấp của cột sống, giữa các xương sườn và xương chậu. Chứng hẹp ... [xem thêm]

    Giải phẫu cột sống và hệ thần kinh ngoại biên

    (40)
    Giải phẫu cột sống Tủy sống Tủy sống là phần nối dài của hệ thần kinh trung ương (TKTW).Thần kinh trung ương bao gồm não bộ và tủy sống. Tủy sống bắt ... [xem thêm]

    U nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (Glioblastoma Multiforme)

    (25)
    Tổng quan Bộ não được kiến tạo từ hai loại tế bào: tế bào nơron hay tế bào thần kinh chính thức (neuron) và các tế bào thần kinh đệm (Glial cells, Neuroglia ... [xem thêm]

    Hội chứng tuỷ sống bám thấp

    (25)
    Hội chứng tủy sống bám thấp là gì? Hội chứng tủy sống bám thấp là một rối loạn thần kinh gây ra bởi tủy sống bị dính với vùng da xung quanh, điều này ... [xem thêm]

    Thoát vị đĩa đệm

    (94)
    Các xương đốt sống hình thành nên cột sống được đệm bằng những cấu trúc dạng đĩa nhỏ gọi là đĩa đệm. Các đĩa đệm này có hình tròn và phẳng, ... [xem thêm]

    Tật nứt đốt sống (Spina Bifida)

    (70)
    ​ Tật nứt đốt sống là khuyết tật bẩm sinh vĩnh viễn phổ biến nhất. Nó ảnh hưởng đến khoảng 1/1.400 đến 1/1.500 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ. Hiệp hội ... [xem thêm]

    Túi phình mạch não

    (57)
    Túi phình mạch não là gì? Túi phình mạch não là chỗ phồng hay phình ra của mạch máu não, nhìn giống như quả dâu treo trên cuống. Túi phình có thể dò hay ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN