Tìm hiểu chung
Tạo hình mi mắt là gì?
Tạo hình mi mắt là loại phẫu thuật thay đổi hình dạng của mi trên, mi dưới hoặc cả hai. Khi bạn già đi, mi mắt dãn ra và các cơ nâng mi bị yếu đi. Hậu quả là mô mỡ tích tụ quá nhiều ở trên và dưới mi mắt làm cho lông mày sa xuống, mi trên bị sụp và tạo bọng mắt.
Quá trình lão hóa trên không những làm cho bạn trông già đi, túi da xệ nhiều quanh mắt mà còn có thể làm giảm thị lực ở phần rìa mắt (phần tầm nhìn bên ngoài), đặc biệt là phần trên ngoài của tầm nhìn. Phẫu thuật tạo hình mi mắt có thể làm giảm hoặc hạn chế những vấn đề về thị lực này và làm cho mắt bạn trông trẻ và lanh lẹ hơn.
Khi nào bạn nên thực hiện tạo hình mi mắt?
Bạn có thể cân nhắc tạo hình mi mắt nếu mi bị sa xuống làm bạn không mở mắt được hoàn toàn hoặc kéo mi dưới của bạn xuống. Nếu mô thừa ở mi trên, mi dưới hoặc cả hai được loại bỏ thì thị lực của bạn sẽ được cải thiện và làm cho mắt bạn nhìn trẻ và lanh lẹ hơn.
Bạn nên thực hiện phẫu thuật này nếu bạn có:
- Mi trên bị sụp hoặc có bọng;
- Phần da thừa ở mi trên cản trở tầm nhìn ngoại biên của bạn;
- Mi dưới sa xuống, làm lộ ra phần tròng trắng bên dưới con ngươi;
- Có phần da thừa ở mi dưới;
- Xuất hiện bọng dưới mắt.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện tạo hình mi mắt?
Phẫu thuật mi là một tiểu phẫu thuộc về phẫu thuật thẩm mỹ. Các biến chứng nặng hay biến chứng mãn tính rất ít khi xảy ra, nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể có biến chứng. Bởi vì phẫu thuật này được thực hiện ở vùng xung quanh mắt nên có nguy cơ gây ra biến chứng cao hơn một số loại phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo khác.
Phẫu thuật mi trên thường được tiến hành riêng với phẫu thuật mi dưới. Bạn nên chuẩn bị cho hai lần phẫu thuật riêng.
Bạn nên lưu ý là tạo hình mi mắt không thể loại bỏ được quầng thâm dưới mắt, nâng cung mày hay loại bỏ vết chân chim.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Tất cả phẫu thuật đều có những nguy cơ nhất định. Một vài biến chứng có thể gặp của phẫu thuật tạo hình mi mắt bao gồm:
- Biến chứng do thuốc gây mê như là dị ứng và có thể dẫn đến tử vong (hiếm);
- Biến chứng do phẫu thuật chẳng hạn như chảy máu hay nhiễm trùng;
- Xuất hiện cục máu đông có thể dẫn đến những biến chứng tim mạch gây tử vong như nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc đột quỵ;
- Tê vùng da thoáng qua hoặc vĩnh viễn;
- Nhìn mờ hoặc giảm thị lực thoáng qua;
- Khô hoặc chảy nước mắt;
- Khó nhắm mắt – ví dụ, mi trên của bạn có thể vẫn mở khi bạn ngủ, điều này có thể làm bề mặt mắt bị khô và tạo sẹo;
- Dấu lid lag, nghĩa là mi dưới bị kéo xuống, thường là thoáng qua;
- Lộn mi, nghĩa là mi dưới bị chùng và lật ra ngoài;
- Bệnh lý mi mắt liên quan đến vị trí bất thường của mi trên (sụp mi) hoặc chùng da mi – những tình trạng này có thể cùng hiện diện với sụp cấu trúc cung mày và phần trán;
- Tạo khối phồng bên trong mi dưới, có thể gây kích ứng bề mặt mắt;
- Mắt trũng hoặc nhìn không tự nhiên nếu bị lấy đi quá nhiều mô mỡ;
- Sẹo viêm, ngứa;
- Chảy máu sau nhãn cầu;
- Mất thị lực, kể cả mù hoàn toàn;
- Cần thêm phẫu thuật để giải quyết biến chứng.
Đây không phải là tất cả biến chứng. Tùy thuộc vào quá trình bị bệnh hoặc lối sống của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc những biến chứng khác chưa được liệt kê trên đây. Bạn cần phải báo với phẫu thuật viên mọi vấn đề về sức khỏe bạn đang có để có thêm thông tin.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện tạo hình mi mắt?
Tạo hình mi mắt thường được thực hiện bằng phương pháp gây tê, thuốc tê sẽ được tiêm vào mi mắt của bạn.
Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu không ăn uống, thường trong vòng sáu giờ trước khi phẫu thuật. Quan trọng là phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên. Bạn không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi được gây tê hay dùng thuốc an thần.
Quy trình thực hiện tạo hình mi mắt như thế nào?
Phẫu thuật cụ thể sẽ khác nhau tùy theo chi tiết nào ở mắt cần phải phẫu thuật nhưng nhìn chung phẫu thuật viên sẽ:
- Rạch đường mổ ở nếp da trên mi mắt để điều trị sụp mi trên;
- Rạch đường mổ ở ngay dưới lông mi hoặc bên trong mi dưới (đường mổ xuyên kết mạc) để điều trị cho mi dưới;
- Đối với kỹ thuật cắt phần da thừa. Phần mỡ thừa được sắp xếp lại hoặc cắt bỏ đi;
- Cột chặt phần mô bên dưới (ví dụ như cơ) bằng chỉ khâu nếu cần thiết;
- Cố gắng giấu tất cả đường mổ bên trong các nếp gấp và rãnh da tự nhiên;
- Đóng vết mổ bằng chỉ khâu, băng keo phẫu thuật hoặc keo dán mô.
Keo dán mô, hay fibrint sealant, có thể được dùng để giữ các lớp cơ lại với nhau trong lúc phẫu thuật và để giảm bầm tím về sau. Nó được làm từ các chất lấy từ huyết tương của người cho trước khi sử dụng. Huyết tương này đã được kiểm tra xem có viêm gan, giang mai và HIV hay không. Các thành phần của máu cũng đã được xử lý nhiệt để ngăn ngừa lây truyền virus.
Keo dán mô được sử dụng an toàn trong nhiều năm qua trong phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật tổng quát.
Hồi phục sức khoẻ
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện tạo hình mi mắt?
Bạn có thể được về nhà sau vài tiếng theo dõi tại bệnh viẹn.
Bạn không nên làm công việc nặng, những công việc đòi hòi gắng sức hoặc cúi gập người trong tuần đầu tiên. Bạn cũng cần phải kê thêm gối khi ngủ để nâng cao đầu.
Bạn không nên trang điểm ở vùng mắt hoặc uống rượu trong vòng vài tuần, và cố gắng che nắng kỹ cho khuôn mặt.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.