Tăng huyết áp ác tính là một loại bệnh lý nghiêm trọng có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng do cao huyết áp gây nên là tăng huyết áp ác tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ sự nguy hiểm của tình trạng sức khỏe này. Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về nó nhé.
Tăng huyết áp ác tính là gì?
Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, là một trong những loại bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, cứ ba người trưởng thành sẽ có một người bị cao huyết áp.
Bạn sẽ được chẩn đoán bị cao huyết áp nếu một hoặc cả hai trường hợp sau xảy ra:
- Chỉ số đo huyết áp tâm thu lớn hơn 130.
- Chỉ số đo huyết áp tâm trương luôn ở mức trên 80.
Thực tế, bạn vẫn sẽ kiểm soát tốt huyết áp nếu tuân theo những lời khuyên từ bác sĩ.
Mặc dù trường hợp sau không thường xuất hiện, chỉ số đo của một số người bị cao huyết áp có thể tăng nhanh đến trên 180/120mmHg trong khoảng thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, trường hợp này được gọi là khủng hoảng cao huyết áp.
Khi một người có chỉ số huyết áp từ 180/120mmHg trở lên, người đó cũng sẽ gặp các triệu chứng mới – đặc biệt là những người đang mắc các bệnh lý liên quan đến mắt, não, tim hoặc thận – dẫn đến tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp. Hiện nay, tăng huyết áp khẩn cấp còn được nhiều người biết đến qua tên gọi tăng huyết áp ác tính.
Một ca tăng huyết áp ác tính cần phải được chữa trị ngay lập tức vì các triệu chứng đều biểu hiện bằng việc cơ quan nội tạng đang bị tổn thương trầm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bạn có khả năng phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe, ví dụ như:
- Suy tim
- Đột quỵ
- Mù lòa
- Suy thận
Bên cạnh đó, tăng huyết áp ác tính còn có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng.
Các triệu chứng thường gặp của tăng huyết áp ác tính
Nhiều người hay đùa vui rằng cao huyết áp là tên sát nhân thầm lặng, bởi vì nó không hề có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào rõ ràng. Tuy nhiên, khác với các loại cao huyết áp thông thường, tăng huyết áp ác tính có những triệu chứng rõ ràng, bao gồm:
- Tầm nhìn bị thay đổi, đồng thời mắt nhiều lúc bị mờ
- Tức ngực
- Hay quên
- Buồn nôn và nôn mửa
- Tê cứng cơ mặt và tứ chi
- Khó thở
- Đau đầu
- Đi tiểu khó khăn và tiểu ít
Tăng huyết áp ác tính cũng có thể là hệ quả của một ca bệnh não do cao huyết áp. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ của bạn, bao gồm các triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội
- Tầm nhìn bị mờ
- Hay quên trước quên sau
- Tinh thần sa sút
- Thờ ơ với mọi thứ
- Co giật
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp ác tính
Trường hợp tăng huyết áp ác tính chỉ xảy ra chủ yếu ở những người có tiền sử bị cao huyết áp. Ngoài ra, nó cũng phổ biến với những người Mỹ gốc Phi, nam giới và những người hút thuốc. Mặt khác, những người có chỉ số huyết áp trên 140/90mmHg có nguy cơ rất cao phải đối mặt với bệnh lý này. Theo một đánh giá lâm sàng năm 2012, khoảng 1 – 2% trường hợp người bị cao huyết áp phát triển thành tăng huyết áp ác tính.
Bên cạnh đó, một số tình trạng sức khỏe cụ thể cũng có khả năng gây nên tăng huyết áp ác tính, chẳng hạn như:
- Rối loạn chức năng thận hoặc suy thận
- Sử dụng các loại thuốc như cocaine, amphetamine, thuốc tránh thai hoặc thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOIs)
- Tiền sản giật thường gặp sau mẹ bầu có 20 tuần tuổi thai, nhưng đôi khi có thể xảy ra sớm hơn trong thai kỳ hoặc thậm chí sau khi sinh
- Chấn thương tủy sống
- Hẹp động mạch thận
- Hẹp động mạch chủ
- Không dùng thuốc điều trị cao huyết áp
Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp ác tính
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về bệnh sử cá nhân, bao gồm bất kỳ phương pháp điều trị nào mà bạn đang thực hiện nhằm điều trị cao huyết áp. Họ cũng sẽ đo lại huyết áp của bạn và thảo luận về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn hiện đang gặp phải, chẳng hạn như thay đổi thị lực, đau ngực hoặc khó thở. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định liệu bạn có đang bị tăng huyết áp ác tính hay không.
Xác định cơ quan nội tạng bị tổn thương
Bác sĩ sẽ tiến hành một vài xét nghiệm bổ sung để xem liệu tăng huyết áp ác tính đã gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng hay chưa. Chẳng hạn như, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu bằng phương pháp đo nồng độ urê trong máu (BUN) và mức độ creatinine.
Xét nghiệm BUN đo lượng chất thải từ sự phân hủy protein trong cơ thể. Creatinine là một hoạt chất được tạo ra từ sự phân hủy của cơ bắp. Thận sẽ nhận nhiệm vụ lọc sạch nó từ máu của bạn. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của các xét nghiệm này để nhận định chức năng của thận có hoạt động ổn định hay không.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tim
- Siêu âm tim đồ để xem xét chức năng tim
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng thận
- Đo điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
- Siêu âm thận để tìm kiếm thêm các vấn đề về thận
- Khám mắt để xác định xem có tổn thương mắt không
- Chụp CT hoặc MRI não để kiểm tra xuất huyết nội hoặc đột quỵ
- Chụp X-quang lồng ngực để quan sát tim và phổi
Tiến hành điều trị tăng huyết áp ác tính
Tăng huyết áp ác tính có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Bạn cần được điều trị ngay lập tức để giảm huyết áp xuống mức lý tưởng một cách an toàn và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị thường là sử dụng thuốc cao huyết áp hoặc thuốc hạ huyết áp bằng cách tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Điều này giúp thuốc phát huy tác dụng ngay lập tức. Quá trình điều trị sẽ diễn ra trong phòng cấp cứu, sau đó bạn sẽ được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt.
Khi huyết áp của bạn ổn định, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống chống cao huyết áp. Loại thuốc này sẽ hỗ trợ bạn kiểm soát mức độ huyết áp tại nhà.
Nếu nhận được chẩn đoán tăng huyết áp ác tính, bạn cần phải tuân theo tất cả khuyến nghị từ bác sĩ, bao gồm thường xuyên tái khám để theo dõi huyết áp và sử dụng thuốc kiểm soát đúng liều lượng.
Phòng ngừa tăng huyết áp ác tính
Một số trường hợp tăng huyết áp ác tính có thể phòng ngừa được. Nếu bị cao huyết áp, bạn nhất định phải kiểm tra huyết áp của bản thân thường xuyên. Bạn cũng cần sử dụng thuốc kiểm soát liên tục và đúng liều lượng. Ngoài ra, hãy cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh và tuân theo lời khuyên của bác sĩ.
Hãy đảm bảo bạn điều trị tận gốc mọi tình trạng sức khỏe có nguy cơ gây nên tăng huyết áp ác tính. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện, hãy liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời. Thêm vào đó, bạn cũng cần tiếp nhận chăm sóc khẩn cấp để tránh trường hợp cơ quan nội tạng bị tổn thương.
Một vài mẹo nhỏ giúp hạ huyết áp
Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để hạ huyết áp:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy thử phương pháp DASH, bao gồm ăn trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa ít béo, thực phẩm giàu kali và ngũ cốc.
- Giới hạn lượng muối mà cơ thể hấp thụ ở mức 1.500mg mỗi ngày nếu bạn trên 50 tuổi hoặc bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh thận mãn tính (CKD). Hãy nhớ rằng thức ăn chế biến sẵn có thể chứa nhiều natri.
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày
- Giảm cân
- Kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như hít thở sâu hoặc thiền
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp