Bố mẹ thường trì hoãn tiêm chủng cho trẻ vì những lo lắng không rõ ràng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tiêm phòng trễ có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho trẻ.
Thực tế, tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa một loạt các bệnh truyền nhiễm khác nhau và các bệnh có khả năng gây tử vong. Chủng ngừa đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì trẻ thường dễ mắc nhiều loại bệnh hơn so với người lớn.
Bố mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch của Bộ Y tế vì mỗi loại vacxin chỉ có thể hoạt động tối ưu khi chúng được tiêm ở một độ tuổi nhất định. Bên cạnh đó, việc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ có thể dẫn đến một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Tại sao bạn không nên trì hoãn tiêm chủng cho trẻ?
Trong những năm gần đây, xuất hiện một số lời đồn rằng vacxin có thể gây tự kỷ và các tổn thương não khác cho trẻ. Mặc dù thiếu bằng chứng, những lời đồn này cũng nhận được sự chú ý của nhiều người do sự hỗ trợ của truyền thông, mạng xã hội. Do đó, nhiều bố mẹ trở nên bối rối với các thông tin trái chiều có trên Internet và lo lắng về sự an toàn của vacxin và lịch tiêm phòng cho trẻ. Một trong những lời đồn đáng chú ý nhất là có quá nhiều lượng vacxin được tiêm cho trẻ nhỏ, có thể gây ra tình trạng quá tải hóa học. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã bác bỏ lý thuyết và cam đoan rằng tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất hiện nay để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Mặc dù các lời đồn “chống” sử dụng vacxin có vẻ hợp lý, nhưng chúng thường thiếu bằng chứng khoa học. Điều quan trọng bạn cần lưu ý rằng lịch tiêm chủng được cập nhật hàng năm, không cố định. Do đó, nếu các chuyên gia thực sự phát hiện những rủi ro do tiêm chủng gây ra, họ sẽ đề nghị thay đổi lịch tiêm phòng cho trẻ. Nếu bạn chọn trì hoãn tiêm chủng cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Khi tiêm phòng chậm, trẻ sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh mà trẻ chưa được chủng ngùa. Hơn nữa, theo một nghiên cứu, việc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị co giật do sốt (cơn co giật gây ra do sốt) sau khi tiêm vacxin MMR. Điều này nghĩa là trẻ có nguy cơ cao mắc các tác dụng phụ sau khi chủng ngừa nếu trẻ được tiêm vacxin muộn hơn so với lịch trình đề xuất. Ngoài ra, việc trì hoãn chủng ngừa cũng có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh, hay phải đi bệnh viện hoặc phòng khám, điều này có nghĩa trẻ sẽ có nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh tại đây. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy trẻ trì hoãn tiêm phòng tăng trưởng tốt hơn so với những trẻ tiêm phòng đúng thời hạn.
Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đi chích ngừa theo đúng lịch tiêm phòng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh khác nhau, mà còn giảm rủi ro của các tác dụng phụ có thể có liên quan đến tiêm chủng.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Mai Hồng / HELLO BACSI