Sởi là căn bệnh do virus đường hô hấp gây ra. Bệnh hầu như không gây nguy hiểm, nhưng vẫn có trường hợp người bệnh sởi bị biến chứng và tử vong. Trong thời điểm sắp vào mùa dịch sởi, bạn cần biết về thông tin bệnh sởi lây qua đường nào và cách tốt nhất để ngăn ngừa chúng.
Bệnh sởi không phải là căn bệnh quá phổ biến, nhưng trong những năm gần đây, sởi bắt đầu phát triển mạnh. Nguyên nhân phần lớn là do sự thờ ơ, chủ quan của mọi người về căn bệnh này cũng như những thông tin sai lệch về tiêm phòng.
Bệnh sởi là gì?
Sởi do virus đường hô hấp rubeola gây ra. Khi bị nhiễm sởi, virus sẽ khu trú trong chất nhầy mũi và cổ họng của người bệnh. Khi ho hoặc hắt hơi, bệnh nhân có thể truyền virus này sang cho người khác.
Phát ban trên da là triệu chứng nổi tiếng nhất của sởi. Các vết phát ban sẽ bắt đầu ở trên đầu và mặt, sau đó dần lan rộng ra các phần khác trên cơ thể.
Triệu chứng khác của bệnh sởi bao gồm:
- Sốt cao
- Sổ mũi
- Ho khan
- Chảy nước mắt
- Nổi đốm trắng trong miệng
Bệnh sởi lây qua đường nào?
Khi một người nhiễm bệnh sởi ho hay hắt hơi, họ đẩy virus đi vào trong không khí. Những người ở gần hay xung quanh nếu hít phải sẽ bị lây nhiễm.
Virus gây bệnh sởi có thể tồn tại tới 2 giờ ở ngoài môi trường. Chính vì vậy, các bề mặt đồ vật cũng rất nguy hiểm. Nếu trong nhà bạn có người bị bệnh sởi thì bạn và những người xung quanh là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, cứ một người bệnh sởi sẽ có khả năng lây nhiễm cho 9-10 người xung quanh.
Những triệu chứng của bệnh sởi dễ bị bỏ qua
Trên thực tế, rất nhiều người bị sởi lây bệnh cho người khác do nhầm lẫn các triệu chứng của sởi và bỏ qua nó.
Triệu chứng của sởi rất giống cúm: sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mắt. Đó là lý do nhiều bệnh nhân sởi vô tình lây nhiễm bệnh cho người khác mà không hề biết.
Biến chứng của bệnh sởi
Biến chứng của bệnh sởi thường xảy ra với trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch của bé yếu và chưa đủ tuổi để tiêm phòng sởi.
Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm:
- Tiêu chảy
- Nhiễm trùng tai
- Viêm phổi
- Co giật
- Viêm não
Theo Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 1.000 người bị biến chứng sởi thì sẽ có 2 trường hợp tử vong.
Phụ nữ mang thai khi bị sởi cũng sẽ có nguy cơ cao bị sinh non, bé sinh ra thiếu cân và thậm chí là sẩy thai.
Ngoài ra, bệnh sởi cũng gây biến chứng viêm màng não bán cấp (SSPE). Biến chứng này thường xuất hiện sau 7-10 năm kể từ khi nhiễm sởi. Viêm màng não bán cấp sẽ gây ra các triệu chứng như mất thị lực, mất trí nhớ, co giật, tổn thương não, hôn mê và tử vong.
Cách tự bảo vệ bản thân trước bệnh sởi
Sởi không có cách chữa đặc hiệu, việc duy nhất bạn có thể làm là ngăn ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng sởi.
Hiện nay, có hai loại vaccine sởi là:
- Vaccine sởi đơn
- Vaccine sởi kết hợp với quai bị và rubella (vaccine MMR)
Tuy nhiên, không phải bất cứ đối tượng nào cũng có thể tiêm phòng vaccine, chẳng hạn như trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi và những người mắc bệnh ung thư hay AIDS.
Lịch tiêm chủng vaccine sởi
Đối với vaccine sởi đơn: Trẻ em sẽ được tiêm lần đầu vào 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lần hai vào lúc 18 tháng tuổi.
Đối với vaccine MMR: Liều tiêm đầu tiên thực hiện lúc bé đủ 12-15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lần hai khi trẻ từ 4-6 tuổi.
Vaccine sởi cũng sẽ được tiêm 2 liều cho người lớn, mỗi liều cách nhau 1 tháng.
Các cách khác phòng chống bệnh sởi
- Không tiếp xúc với người bệnh sởi, hạn chế đến những nơi đông người khi dịch sởi đang diễn ra
- Giữ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân thường xuyên
- Không sử dụng chung đồ đạc với người bệnh sởi
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A
- Nếu có các dấu hiệu của bệnh sởi như sốt, ho, phát ban phải lập tức đến các cơ sở y tế.