Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa bằng hình ảnh giúp theo dõi thai nhi khá phổ biến hiện nay. Tuy chưa có ghi nhận nào về tác hại của siêu âm đối với thai nhi song mẹ bầu không nên lạm dụng quá nhiều.
Không thể phủ nhận tác dụng của siêu âm thai đối với mẹ bầu trong việc giúp bạn thấy được hình ảnh của thiên thần nhỏ ngay từ khi bé còn ở trong bụng cũng như quan sát quá trình con dần phát triển. Thế nhưng, bạn cũng nên tìm hiểu về biện pháp kĩ thuật này để tránh những ảnh hưởng không mong muốn.
1. Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của con yêu cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu. Phương pháp này cho phép các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.
Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của con sẽ phản xạ lại loại sóng này. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo thành hình ảnh video cho thấy hình dạng, vị trí và các cử động của em bé.
Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cầm tay có sóng siêu âm khi khám thai để nghe nhịp tim của thai nhi. Mẹ bầu có thể phải siêu âm thường xuyên hơn nếu bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hoặc gặp các biến chứng khác về sức khỏe.
Hiện nay, mẹ bầu có thể lựa chọn thực hiện siêu âm thai 2D, 3D, 4D hay siêu âm Doppler màu.
2. Quy trình siêu âm thai
Siêu âm cơ bản thường mất khoảng từ 15 – 20 phút. Đối với những lần kiểm tra chi tiết, đo độ dài của các bộ phận, tầm soát dị tật…, bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị phức tạp hơn và mất khoảng 30 phút hoặc hơn để hoàn thành việc siêu âm.
Nhìn chung, quy trình siêu âm thai sẽ bao gồm các bước sau:
- Mẹ bầu sẽ nằm trên giường mềm và kéo áo lên để lộ bụng.
- Bác sĩ sẽ thoa lên vùng bụng một loại gel mỏng. Đây là chất dẫn truyền sóng siêu âm giúp loại bỏ các bọt khí giữa đầu dò của máy siêu âm và cơ thể, để sóng siêu âm được truyền tốt hơn nhằm đưa ra kết quả chính xác nhất.
- Máy tính sẽ dịch kết quả âm thanh thành hình ảnh trên màn hình và bạn sẽ được nhìn thấy con yêu. Mô hoặc xương sẽ xuất hiện dưới dạng các vùng sáng hoặc màu xám và dịch màng ối sẽ xuất hiện ở những vùng tối.
3. Khi nào mẹ bầu nên siêu âm thai?
Theo Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ, số lần thực hiện siêu âm thai của từng mẹ bầu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thai kỳ và chỉ định của bác sĩ.
Thông thường, bạn có thể thực hiện siêu âm thai vào những tuần thai sau:
- Thai kỳ tuần thứ 4 – 8: Bạn nên đi siêu âm để kiểm tra chắc chắn xem phôi thai đã vào tử cung an toàn, làm ổ cũng như có tim thai hay không.
- Thai kỳ tuần thứ 12 – 14: Vào thời điểm này, bác sĩ sẽ tính tuổi thai của thai nhi cũng như đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể. Ngoài ra, bạn sẽ biết được mình mang thai đơn hay đa thai vào giai đoạn này.
- Thai kỳ tuần thứ 21 – 24: Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn siêu âm vào tuần 22 của thai kỳ. Lúc này, các cơ quan nội tạng của thai nhi đều được bác sĩ siêu âm kiểm tra để xem bé có phát triển bình thường hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình dạng bên ngoài như hở hàm ếch hoặc dị dạng ở các cơ quan bên trong. Việc chẩn đoán các di tật nghiêm trọng trong thời gian này đặc biệt quan trọng vì việc đình chỉ thai kỳ chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
- Thai kỳ tuần thứ 30 – 32: Vào khoảng thời gian này, phương pháp siêu âm giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim… Ngoài ra, dây rốn cũng được kiểm tra để xem còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối như thế nào.
4. Những lợi ích của siêu âm thai
Siêu âm thai mang đến cho mẹ bầu nhiều lợi ích, tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ:
Trong tam cá nguyệt thứ nhất
- Xác nhận bạn đã có thai
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi: Bác sĩ hoặc chuyên viên kỹ thuật sẽ sử dụng máy Doppler cầm tay để nghe nhịp tim của thai nhi nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.
- Biết được ngày dự sinh: Một số nghiên cứu đã kết luận rằng siêu âm giúp chẩn đoán ngày dự sinh chính xác cũng như giảm nguy cơ sinh muộn hơn.
- Kiểm tra nhau thai, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.
- Chuẩn đoán thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung sẽ có các triệu chứng riêng như đau bụng, chảy máu và xuất hiện từ tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ nhưng siêu âm sẽ giúp mẹ bầu loại bỏ được các biến chứng hay xác nhận rằng đang gặp phải tình trạng này.
- Xác định những bất thường ở thai nhi.
Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
- Biết giới tính của thai nhi: Một lợi ích rõ ràng của việc siêu âm là biết được giới tính của thai nhi. Từ đó giúp hạn chế các bệnh di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính.
- Theo dõi quá trình phát triển thể chất và vị trí của thai nhi.
- Xác định đa thai: Một số phụ nữ mang thai đôi không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy, siêu âm là một cách để xác định rõ ràng tình trạng đa thai.
- Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
- Phát hiện khả năng thai nhi gặp phải hội chứng Down.
- Kiểm tra tình trạng nước ối: Các hình ảnh siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nước ối của mẹ bầu, liệu mẹ bầu có bị đa ối hay thiếu ối không, và qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi.
- Đo chiều dài cổ tử cung để xác định mẹ bầu có gặp phải tình trạng cổ tử cung ngắn hay không.
5. Siêu âm thai có hại cho thai nhi không?
Theo BabyCentre, siêu âm thai sẽ không gây hại đến thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong 35 năm qua cũng đưa ra kết luận tương tự khi không tìm ra bằng chứng cho thấy siêu âm gây hại cho thai nhi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ bầu có thể siêu âm tùy hứng vì siêu âm là một dạng năng lượng đặc biệt và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Điều này có thể đặc biệt đúng trong ba tháng đầu, khi con yêu dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do vậy, hãy siêu âm khi thật sự cần thiết hoặc theo lịch trình mà bác sĩ chỉ định bạn nhé.
6. Các loại siêu âm thai
Tùy vào mong muốn của bản thân hoặc chỉ định của bác sĩ, bạn có thể chọn loại siêu âm thai mà mình muốn thực hiện:
Siêu âm 2D, 3D và 4D
Về nguyên lý hoạt động, các loại siêu âm này đều sử dụng sóng âm thanh nên tất cả đều an toàn. Điểm khác biệt là siêu âm thai 3D và siêu âm thai 4D tổng hợp các tín hiệu lại để dựng lên hình ảnh 3 chiều, 4 chiều, thay vì chỉ có hình ảnh 2 chiều như 2D.
Siêu âm qua ngả âm đạo
Đây là kỹ thuật siêu âm đưa trực tiếp đầu dò vào âm đạo để lấy hình ảnh của thai nhi trong tử cung. Ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, thai nhi còn rất nhỏ nên các bác sĩ thường tiến hành siêu âm qua ngả âm đạo. Vì siêu âm qua thành bụng có thể chưa thấy được gì, nhất là với những thai phụ thừa cân.
Siêu âm qua ngả âm đạo không gây hại cho bạn lẫn thai nhi nhưng có thể khiến bạn khó chịu và mắc cỡ đôi chút.
Siêu âm Doppler màu
Siêu âm Doppler màu dựa trên hiệu ứng Doppler để xác định hướng chuyển động của vật thể so với đầu dò siêu âm và thường được sử dụng để khảo sát mạch máu. Vì thế, phương pháp này có thể kiểm tra được tình trạng chức năng của nhau thai.
7. Những lưu ý khi siêu âm thai
Mặc dù siêu âm là một xét nghiệm đơn giản, an toàn và dễ thực hiện, hầu hết mẹ bầu vẫn cảm thấy an tâm hơn nếu được một bác sĩ/kỹ thuật viên chuyên khoa thực hiện. Họ sẽ giúp đảm bảo kết quả nhận được là chính xác cũng như không khiến bạn cảm thấy lo lắng.
Ngoài ra,bạn cũng nên lưu ý một vài nguyên tắc sau khi thực hiện siêu âm thai:
- Siêu âm Doppler qua đầu dò âm đạo không được thực hiện trong những tuần đầu, khi thai nhi chỉ đang ở giai đoạn phôi.
- Mức độ sinh nhiệt ở các mô tăng dần từ khí, lỏng, rắn, nên xương sẽ tăng nhiệt độ nhanh nhất khi siêu âm. Bộ xương của thai nhi phát triển từ tuần thứ 12 và sẽ càng ngày càng cứng. Vì thế, khi siêu âm nên chú ý nhất là vị trí hộp sọ của bé.
- Đầu dò không nên được giữ quá lâu ở cùng một chỗ.
- Nếu mẹ bầu bị sốt, siêu âm nên được tiến hành nhanh chóng do thân nhiệt mẹ bầu đã cao sẵn rồi.
- Nếu siêu âm thai trong tam cá nguyệt thứ nhất, bạn có thể được yêu cầu uống nước trước đó để làm đầy bàng quang nhằm giúp bác sĩ dễ nhìn thấy em bé hơn. Bàng quang đầy sẽ đẩy tử cung lên cao hơn.
- Sau tam cá nguyệt thứ nhất, trước khi siêu âm, bạn cần đi tiểu để làm trống bàng quang.
Hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp siêu âm thai và cảm thấy yên tâm hơn khi thực hiện kỹ thuật này trong thai kỳ. Chúng tôi chúc bạn sẽ mẹ tròn con vuông nhé!