Ngạt thở là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ngạt thở và đa số chúng đều “rình rập” ở khắp mọi nơi quanh chúng ta. Trẻ em còn quá nhỏ để có thể tránh được các mối nguy này. Vì vậy, đừng để ngạt thở cướp đi sinh mạng của con bạn, hãy phòng ngừa ngay những nguyên nhân có nguy cơ cao có thể khiến trẻ em bị ngạt thở.
Trong bài viết này, Chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn những phương pháp có thể thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị ngạt thở.
1. Trẻ em bị ngạt thở do đuối nước
Đuối nước là một trong những nguyên nhân có thể gây ngạt thở ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều bậc cha mẹ vẫn còn chủ quan và nghĩ rằng đuối nước chỉ có thể xảy ra ở hồ bơi, sông suối, ao hồ hoặc biển. Tuy nhiên, nguy cơ đuối nước có thể “rình rập” trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Vì vậy, bố mẹ hãy làm theo những việc sau đây để phòng tránh trường hợp trẻ em bị ngạt thở:
- Không để trẻ tắm một mình: Bố mẹ chủ quan vì mực nước trong chậu/bồn tắm thường khá cạn nhưng chính từ sự chủ quan này đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của trẻ em. Đôi khi, chỉ cần một thau hoặc một xô nước cũng có thể cướp đi sinh mạng của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
- Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, bạn nên luôn để mắt đến bé trong khi tắm. Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ bạn cần trước khi vào phòng tắm. Việc loay hoay tìm kiếm đồ đạc có thể làm bạn mất tập trung và trong lúc này bé hoàn toàn có nguy cơ té ngã hoặc gặp nguy hiểm. Khi trẻ đã có thể tự tắm một mình, hãy dạy bé cách tắm cũng như những điều cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho bé.
- Xả/đổ nước khỏi chậu nước, bồn tắm hoặc hồ phao tại nhà ngay khi vừa tắm xong.
- Nguy cơ ngạt nước cũng có thể đến từ việc trẻ trượt chân ngã vào những vật chứa nước như thau hay bồn tắm. Vì vậy, bạn cũng nên thực hiện một số biện pháp để tránh việc trẻ bị trượt chân như trải thêm một hoặc hai tấm lót chân chống trượt trong nhà tắm.
- Đóng cửa nhà tắm khi không sử dụng. Trẻ em rất thích nghịch nước nên đôi khi sẽ vào phòng tắm để mở nước nhân lúc bố mẹ không chú ý.
2. Trẻ em bị ngạt thở do ngạt khí
Ngoài ngạt do đuối nước, trẻ em cũng có thể bị ngạt do hít phải các loại khí độc, loại khí thường gây ngạt cho trẻ là khí CO và khí gas. Vì cơ thể trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển nên chỉ cần hít một lượng khí nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Bạn nên lưu ý một số điểm sau đây:
- Đối với các gia đình sử dụng bếp gas, bạn phải luôn nhớ khóa van bình gas và khóa bếp sau khi đã sử dụng xong. Tình trạng rò rỉ khí gas có thể khiến trẻ bị ngạt, cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn.
- Nếu bạn ở các vùng lạnh cần sử dụng lò sưởi, hãy luôn nhớ trang bị hệ thống thoát khí đầy đủ. Lò sưởi thường thải ra khí CO, một loại khí độc nếu tích tụ nhiều có thể gây ngạt thở, trong các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Hãy đảm bảo mức độ thông gió của căn phòng mà bạn lắp đặt các thiết bị sưởi ấm để đảm bảo khí oxy từ bên ngoài có thể vào phòng và khí CO từ trong phòng có thể bay bớt ra ngoài.
- Không đặt lò than trong phòng ngủ của con, đặc biệt là những căn phòng quá kín và việc lưu thông gió không tốt. Khi cháy, than thải ra rất nhiều khí CO, có thể gây nguy hiểm cho bé.
- Tắt hết các thiết bị sưởi ấm, bếp gas và dập lửa bếp lò ngay sau khi sử dụng xong. Lưu ý không để trẻ đến quá gần những vật dụng này vì nguy cơ trẻ bị bỏng sẽ rất cao.
- Đối với các gia đình có xe ô tô, bạn tuyệt đối không được cho trẻ ngủ trong xe một mình. Xe ô tô thải ra một lượng khí CO rất lớn nên dù có mở cửa hoặc bật điều hòa thì con vẫn có nguy cơ cao bị thiếu dưỡng khí và ngạt thở.
3. Trẻ em bị ngạt thở do hóc dị vật
Trẻ nuốt phải dị vật có thể gây hóc và ngạt thở. Ngày nay càng có nhiều trường hợp ngạt thở do dị vật, từ đó dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở trẻ em. Để bảo vệ an toàn cho trẻ, bạn nên làm theo một số lưu ý sau:
- Hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn những thực phẩm có thể gây nghẹn như kẹo, thịt, trái cây hoặc các loại hạt. Trong những trường hợp đó, bạn nên cắt hoặc nghiền nhỏ các loại thực phẩm này thành các phần vừa ăn để tránh trường hợp trẻ bị hóc.
- Không đưa cho trẻ những đồ vật có kích thước nhỏ vì trẻ em thường có xu hướng cho các vật này vào miệng ngậm. Trong một số trường hợp không kiểm soát được, trẻ có thể nuốt chúng và mắc nghẹn. Hãy để những vật nhỏ tránh xa tầm mắt của trẻ, đối với những vật này, bạn nên đựng chúng vào các hộp có nắp để bảo quản. Bạn không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có các chi tiết quá nhỏ vì chúng có thể rơi ra và trẻ sẽ cho vào miệng.
- Dặn trẻ không được được đùa giỡn hay cười lớn khi đang ăn, vì thức ăn có thể đi vào cổ họng khi trẻ cười, nếu thức ăn quá lớn hoặc quá nhiều thì có thể gây ngạt thở. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ vẫn còn bú sữa, bố mẹ tuyệt đối không cho con bú/uống sữa khi chúng đang ngủ vì có thể gây sặc dẫn đến tắc đường thở.
- Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên cho trẻ bú từ từ chậm rãi. Không nên ép trẻ bú quá nhanh, vì trong giai đoạn này, phản xạ của trẻ vẫn chưa hình thành đầy đủ và vẫn chưa có cách nào để báo cho mẹ khi mình bị nghẹn.
- Một vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu nuốt phải đó chính là pin nút (pin dạng nhỏ). Không chỉ gây ngạt thở cho trẻ mà việc nuốt phải chúng vào bụng có thể đe dọa tính mạng của trẻ trong vòng chưa đầy 2 tiếng (vì các chất có trong pin rất nguy hiểm). Vì vậy, bạn cần chú ý một số điều sau đây nếu có sử dụng pin nút trong gia đình:
- Xác định rõ những đồ dùng nào có sử dụng pin nút.
- An toàn: Hãy giữ chặt hoặc dán chặt các vật có chứa pin để chúng không bị rơi ra.
- Dự phòng: Cất những cục pin không sử dụng ở tủ cao và tránh xa tầm tay trẻ em.
- Loại bỏ: Sau khi đã sử dụng xong, hãy xử lý pin cũng như bao bì của chúng một cách an toàn nhất. Pin là một vật cần phải xử lý cẩn thận. Bạn không nên vứt chúng vào thùng rác thông thường mà phải mang đến những nơi tái chế pin để xử lý.
- Xử lý: Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải pin nút, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để xử lý ngay, đừng chờ đến khi bé có các triệu chứng nguy hiểm.
Bạn nên học cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật để xử lý kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp. Bạn có thể tham khảo cách sơ cứu cho trẻ tại bài viết Tìm hiểu phương pháp sơ cứu khi trẻ bị mắc nghẹn ở cổ.
4. Trẻ em bị ngạt thở do vật dụng chẹn ở mũi
Trong một số trường hợp, trẻ em có thể bị nghẹt thở ngay lúc ngủ vì bị các đồ vật chẹn vào mũi. Điều này thường ít xảy ra ở trẻ lớn mà thường gặp ở trẻ sơ sinh vì phản xạ của các bé còn chưa ổn định.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn nên để trẻ nằm ngửa khi ngủ, không để trẻ nằm úp mặt xuống nệm, khăn hay gối. Bạn không nên mua các đồ dùng quá dày cho bé như chăn đệm, drap giường dày… Không đặt quá nhiều gối hoặc đồ chơi trên giường của con vì chúng có thể là một trong những nguyên nhân gây ngạt thở khi trẻ đang ngủ.
- Hãy chắc chắn rằng kích thước của đệm vừa khít với kích thước giường hoặc cũi của bé. Khoảng trống giữa nệm và giường có thể làm đầu bé bị kẹt, dẫn đến thiếu khí.
- Hãy đảm bảo rằng drap trải giường được giữ chắc chắn để không bị lỏng ra và siết vào cổ hoặc đầu của bé.
- Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ thường hay dùng khăn để che mặt cho trẻ khi ra đường. Hãy lưu ý chọn những loại khăn mỏng và thoáng khí để tránh tình trạng bí và khó thở cho trẻ.
- Bạn không nên để trẻ (đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi) ngủ cùng bố mẹ hoặc với anh chị em khác vì có thể gia tăng khả năng ngạt thở, siết cổ hoặc đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nguyên nhân là trong khi ngủ, mọi người có thể sơ ý vung tay chặn lên mũi hoặc bụng của bé làm bé khó thở. Bạn nên để trẻ ngủ trên nôi hoặc cũi riêng nhưng cùng phòng với bố mẹ.
- Nếu buộc phải cho bé ngủ cùng giường với bố mẹ thì bạn không nên để trẻ nằm giữa bố và mẹ mà hãy để bé nằm một bên. Lưu ý sắp xếp vị trí ngủ sao cho bố mẹ không chèn ép bé.
5. Trẻ em bị ngạt thở do chẹn cổ
Có thể bạn không ngờ đến nhưng nhiều trường hợp ngạt thở do vướng dây vào cổ vẫn xảy ra và gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Các tình huống ngạt thở do vướng phải dây thường xảy ra rất nhanh và khiến bạn trở tay không kịp, vì vậy hãy ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho trẻ nhé.
- Kiểm tra tất cả các phòng trong nhà để chắc chắn rằng không có dây rèm cửa hay bất kỳ loại dây nào có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Bạn nên lưu ý cả dây điện và các loại dây trên sàn vì nó vẫn có thể gây nguy cơ siết cổ bé rất cao. Thay vì sử dụng dây rèm hoặc dây treo dài, hãy thay bằng những dây ngắn hơn hoặc các dây xoắn để tránh trường hợp dây vướng vào cổ của bé.
- Không đặt nôi, ghế hoặc cũi của trẻ ở những nơi có dây nhợ chằng chịt. Bạn nên để phòng của trẻ trống trải, tránh bất kì các loại dây nào quanh bé.
- Không đặt ghế sô pha, ghế cao, bàn, kệ sách gần cửa sổ có rèm cửa vì trẻ nhỏ thường thích trèo lên đồ đạc để nhìn ra cửa sổ, chúng có thể bị trượt chân và bị dây vướng vào cổ.
- Nhiều người có thói quen cho trẻ đeo dây chuyền bạc để “tránh gió độc” hoặc các loại dây chuyền trang sức mà quên mất rằng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bé ngạt thở. Nếu cho bé đeo dây chuyền, bạn hãy đảm bảo rằng dây đủ rộng so với cổ của bé. Không nên làm quá chặt vì có thể khiến bé khó chịu, cũng không nên làm quá rộng vì dây có thể vướng vào vật khác gây siết cổ bé.
Ngạt thở được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy bố mẹ cần phải luôn trông chừng trẻ mọi lúc. Thực hiện một số biện pháp mà Chúng tôi đã gợi ý trong bài viết cũng có thể giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ trẻ em bị ngạt thở. Bạn cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sơ cứu khi trẻ em bị ngạt thở.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI