Tổng quan chung
Phát ban da là một tác dụng phụ thường thấy của một số phương pháp điều trị ung thư, bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, điều trị đích và cấy ghép tế bào gốc.
Phát ban da ở bệnh nhân hóa trị.
(https://www.medicalnewstoday.com/articles/323485#moderately-common-side-effects)
Phát ban có thể xuất hiện tại phần da đầu, mặt, cổ, ngực, lưng trên và đôi khi ở các bộ phận khác của cơ thể. Phát ban có thể gây ngứa, nóng rát, xót hoặc đau. Ban đỏ thường xuất hiện trong vòng vài tuần kể từ khi điều trị nhưng cũng có thể có ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, phát ban da, vốn được coi là tác dụng phụ của quá trình điều trị, thường không được xếp vào bệnh dị ứng hoặc phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, cũng giống như với bất kỳ loại thuốc nào, mọi người vẫn có thể bị dị ứng với hóa trị liệu, liệu pháp miễn dịch và thuốc điều trị đích.
Việc ban đỏ trên da đột ngột xuất hiện trong quá trình sử dụng thuốc điều trị ung thư có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị dị ứng với loại thuốc đó.
Một số loại phát ban thường gặp ở người bệnh ung thư
- Nổi mụn mủ: Đây là dạng phát ban có thể gây ngứa và đau và thường xuất hiện trên ngực, mặt hoặc phần trên của lưng. Dạng này phổ biến ở những người bệnh đang sử dụng một số loại thuốc điều trị.
- Viêm da do bức xạ: Đây là dạng phát ban gặp ở người bệnh đang xạ trị, thường xảy ra ở vùng da được xạ. Mức độ nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào vị trí của bức xạ, diện tích vùng da bị ảnh hưởng, tổng liều bức xạ và thời gian thực hiện chiếu xạ.
- Tái viêm da tại vùng xạ trị: Đây là phát ban xuất hiện tại vùng của cơ thể đã được xạ trị trước đó. Đôi khi cũng xảy ra khi tiến hành hóa trị liệu hoặc sử dụng thuốc điều trị đích sau khi đã tiến hành xạ trị.
- Hội chứng bàn tay – chân: Một số người bệnh có thể xuất hiện tình trạng đỏ, sưng, đau và đôi khi ngứa ran ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ điều trị về phương pháp điều trị ung thư đang được thực hiện và nguy cơ bị phát ban da và báo cho bác sĩ biết nếu thấy bất kỳ loại phát ban nào trên cơ thể dù lớn hay nhỏ.
Người bệnh nên làm gì?
- Trao đổi với bác sỹ điều trị ung thư về vấn đề phát ban và làm theo những lời khuyên của họ để giúp phát ban thuyên giảm. Họ có thể đề xuất sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ, kem dưỡng da và dưỡng ẩm. Với một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm phát ban.
- Nhẹ nhàng làm sạch da bằng nước ấm, xà phòng dịu nhẹ và khăn mềm
- Rửa sạch vùng phát ban cẩn thận và thấm khô
- Giữ ẩm cho da
- Bảo vệ vùng da phát ban khỏi nhiệt và lạnh
- Mặc quần áo rộng rãi, mềm mại.
- Bôi các thuốc được kê đơn để điều trị các phản ứng
- Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời. Ví dụ, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc áo dài tay khi ra ngoài.
Người thân chăm sóc có thể làm gì?
- Chú ý theo dõi, ghi lại bất kỳ loại thuốc mới, xà phòng, chất tẩy rửa hoặc thực phẩm nào có thể là nguyên nhân gây phát ban
- Giúp người bệnh bôi thuốc và kem vào những vùng họ không tự bôi được
Liên hệ với bác sỹ điều trị nếu người bệnh có các triệu chứng sau
- Phát ban nặng hơn sau khi sử dụng kem hoặc thuốc mỡ
- Triệu chứng ngứa không hết sau 2 ngày trở lên
- Gãi đến mức rách da hoặc chảy máu.
- Phát ban gây khó chịu và khiến người bệnh không ngủ được ban đêm.
- Có mụn nước, da tấy đỏ hoặc đóng vảy.
- Xuất hiện dịch tiết có mùi hôi hoặc mủ từ da
- Vàng da hoặc nước tiểu có màu trà
Tài liệu tham khảo
Skin Rash