Sán chó là bệnh do ký sinh trùng gây ra do người bệnh tiếp xúc với chó, mèo chưa được tẩy giun hoặc ăn phải thức ăn có ấu trùng giun, sán nhưng không được nấu chín hoặc rửa kỹ.
Một nguồn lây bệnh sán chó phổ biến khác là do bạn tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước có ấu trùng giun, sán. Điều này thường xảy ra khi chó, mèo hoặc các vật nuôi khác bị nhiễm giun đi đại tiện, phân của chúng sẽ làm vùng đất hoặc nguồn nước đó bị ô nhiễm.
Khi bạn tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước bị ô nhiễm, ký sinh trùng sẽ cư trú ở móng tay hoặc da tay của bạn. Sau đó, bạn dùng tay cầm, nắm thức ăn đưa vào miệng, ký sinh trùng sẽ theo thức ăn đi vào ruột và sinh sôi ở đó. Tiếp theo, chúng sẽ đi theo hệ tuần hoàn hoặc các hạch bạch huyết di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể như mắt, não bộ, tay, chân, phổi…
Bệnh sán chó thường xảy ra nhiều ở trẻ em vì đây là đối tượng hay ngậm tay hoặc dùng tay để bốc thức ăn, đồ vật đưa vào miệng.
Nguyên nhân bệnh sán chó
Nguyên nhân bệnh sán chó thường gặp nhất là do tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước bị nhiễm ấu trùng giun từ phân chó, mèo.
Yếu tố nguy cơ phổ biến khác khiến bạn mắc bệnh sán chó là không tẩy giun định kỳ cho thú cưng (chó, mèo). Vật nuôi bị nhiễm giun sẽ làm tăng nguy cơ khiến bạn và người thân mắc phải bệnh sán chó khi thường xuyên tiếp xúc với chúng.
Trong việc ăn uống thường ngày, nếu các nguyên liệu chế biến thức ăn như rau xanh, thịt động vật không được rửa kỹ hoặc nấu chín thì người ăn phải những thực phẩm này cũng có khả năng bị nhiễm giun, sán.
Các triệu chứng thường gặp khi bạn mắc bệnh sán chó
Trong thời gian đầu, bệnh sán chó không gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng và cũng không có dấu hiệu đặc trưng. Hơn nữa, khi ấu trùng giun ký sinh ở các bộ phận cơ thể khác nhau sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau. Vì thế, bệnh nhân thường rất khó nhận biết mình đã bị nhiễm ấu trùng giun, sán ký sinh và chỉ nghĩ mình đang gặp những vấn đề sức khỏe khác.
Tùy thuộc vào nơi ký sinh trùng lưu trú và mức độ nhiễm trùng do ấu trùng gây ra mà các triệu chứng có thể là đau bụng, ho, nhức đầu, khó thở, sốt theo cấp độ từ nhẹ đến nặng.
Nếu bị bệnh sán chó ở mắt, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như viêm màng bồ đào, tầm nhìn bị hạn chế, sai lệch, thậm chí là bị mù gián đoạn ở một bên mắt. Trường hợp nặng và không được can thiệp kịp thời sẽ khiến bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh sán chó có lây không?
Bệnh không lây lan qua đường tiếp xúc, đụng chạm trực tiếp giữa người với người. Tuy nhiên, nếu không có thói quen vệ sinh tốt, bệnh vẫn có thể lây nhiễm qua các đường trung gian.
Trong gia đình có người mắc bệnh sán chó, khi người đó đi đại tiện xong không rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn thì rất có thể ấu trùng sán chó sẽ “lang thang” đâu đó dưới nền nhà hoặc các vật dụng trong nhà vệ sinh. Khi người khác sử dụng nhà vệ sinh hoặc cầm nắm vào những vật dụng đó thì ấu trùng sẽ có thêm chỗ ký sinh trên cơ thể người.
Có phải ai nuôi chó, mèo cũng sẽ mắc bệnh sán chó?
Dù nguyên nhân bệnh sán chó xuất phát từ các loại vật nuôi thông thường như chó, mèo nhưng không phải tất cả ca mắc bệnh sán chó đều do chúng gây ra.
Nếu chó, mèo được tẩy giun định kỳ, đúng cách và được người nuôi kiểm soát tốt vấn đề giun, sán ở chúng thì bạn không cần phải lo ngại đến căn bệnh này khi gần gũi với thú cưng.
Hơn nữa, bệnh sán chó không phải là một bệnh phổ biến do ký sinh trùng gây ra vì ngày nay, tập quán sinh hoạt, thói quen vệ sinh và cách thức nuôi chó, mèo cũng đã tiến bộ rất nhiều. Ấu trùng chỉ có nhiều cơ hội ký sinh trên cơ thể chó, mèo khi chúng không được tắm rửa và thường xuyên tiếp xúc với nguồn đất bẩn.
Để không gặp phải nguyên nhân bệnh sán chó do nuôi thú cưng, điều quan trọng bạn cần làm hãy tẩy giun định kỳ cho chúng và xây dựng thói quen về sinh tốt trong cuộc sống thường ngày.
Bệnh sán chó có gây biến chứng không?
Khi trứng sán chó theo đường miệng đi vào trong ruột sẽ nở thành ấu trùng. Sau đó, ấu trùng sẽ đi theo máu hoặc hệ thống hạch bạch huyết di trú đến những cơ quan nội tạng hoặc bộ phận cơ thể khác.
Bệnh sán chó hoàn toàn có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng vì khi đó, ấu trùng sẽ gây ảnh hưởng hoặc phá hủy tế bào ở những cơ quan đó.
Ban đầu, những biến chứng đó có thể chỉ là ngứa, nổi mề đay hoặc sưng da khiến bạn dễ nhầm tưởng mình đang mắc các bệnh da liễu. Biến chứng nặng hơn có thể khiến bạn bị đau bụng, đau đầu, sốt hoặc nôn ói dai dẳng.
Biến chứng bệnh sán chó nguy hiểm nhất là mù lòa khi ấu trùng ký sinh ở võng mạc hoặc động kinh, viêm não, viêm màng não khi ấu trùng sinh sống ở hệ thần kinh.
Điều trị bệnh sán chó
Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sán chó ít có khả năng gây ra biến chứng và bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Có 2 phương pháp điều trị sán chó phổ biến là điều trị hàng loạt và điều trị chọn lọc.
Điều trị hàng loạt
Đây là cách điều trị có chu kỳ áp dụng cho tập thể dân cư sống cùng khu vực. Công tác này thường được cơ quan chức năng ở địa phương phụ trách. Trong cách phòng ngừa và điều trị bệnh giun sán trong cộng đồng thì đây được xem là biện pháp mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là khá tốn kém vì cần chi phí áp dụng trên diện rộng. Mục đích không phải là tẩy hết số lượng ấu trùng giun sán ra khỏi cơ thể người mà chỉ làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh.
Các loại thuốc thường dùng trong phương pháp điều trị sán cho hàng loạt là thuốc trung tính, có thể áp dụng ở nhiều đối tượng và rất hiếm có khả năng gây biến chứng. Có 2 loại thuốc thường được sử dụng là albendazole, mebendazole. Để hạn chế nguy cơ tái nhiễm bệnh, những người dân sống trong cùng khu vực cần được dùng thuốc tẩy giun hàng loạt theo định kỳ 6 tháng/lần.
Điều trị chọn lọc
Phương pháp này chỉ sử dụng cho một nhóm người trong khu vực nhất định. Đối tượng phổ biến nhất là trẻ học mẫu giáo hoặc học sinh cấp 1 trong một lớp.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bệnh sán chó cao nhất vì ý thức vệ sinh ở các bé còn kém. Khi khống chế được bệnh giun sán ở đối tượng này thì tỷ lệ mầm bệnh thải ra môi trường cũng được giảm đi đáng kể. Kết quả đạt được cũng tương đương với phương pháp điều trị hàng loạt nhưng mức độ đầu tư kinh phí lại thấp hơn nên thường được các cơ quan chức năng ở địa phương ưu tiên sử dụng.
Ngoài bệnh sán chó thì phương pháp điều trị chọn lọc cũng được áp dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh khác do ký sinh trùng gây ra.
Ở mỗi cá nhân, trong quá trình điều trị bệnh sán chó, bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu diệt ký sinh trùng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc ngăn ngừa biến chứng xảy ra ở các cơ quan nội tạng.
Các loại thuốc thường được chỉ định là piperal, anterpar, piperazin citrate, fugacar, soltric hoặc notezin, pratez, bilcitrid, cesol…
Tùy theo mức độ nhiễm bệnh và tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng thích hợp để điều trị bệnh. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc những chỉ định đó, không được tự ý tăng liều, giảm liều hoặc dùng thêm thuốc bên ngoài trong suốt quá trình chữa bệnh sán chó.