6 tuổi là giai đoạn mà trẻ em bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh. Đây cũng chính là giai đoạn giúp hình thành tính cách của trẻ. Nếu không được quan tâm đúng mực, trẻ em có thể hình thành một số vấn đề trong cách cư xử và khó kiểm soát về sau.
Đến 6 tuổi, hầu hết trẻ em đều đã đi học và dần làm quen với môi trường mới. Đây được xem như một giai đoạn chuyển tiếp trong cách nhìn nhận của trẻ. Mặc dù vẫn chưa đủ lớn để tự lập hoàn toàn nhưng chúng bắt đầu không thích bị người khác đối xử như một đứa trẻ.
Ở độ tuổi này, con bạn đã có thể tự làm một số việc. Tuy nhiên, người lớn có xu hướng bỏ qua hoặc tha thứ cho những hành động không chừng mực của trẻ. Từ đây, một số bé bắt đầu vượt quá chừng mực và hình thành các vấn đề trong cách cư xử. Giai đoạn này, trẻ có thể cãi lại hoặc có những thái độ không hợp tác với bố mẹ chỉ để giành được những điều chúng muốn. Đôi khi, trong quá trình khẳng định sự tự lập của mình, một số trẻ còn trêu chọc hoặc bắt nạt các bạn để chứng minh giá trị hay sức mạnh của bản thân.
Sự quan tâm kịp thời của bố mẹ có thể giúp con cái mở lòng và tâm sự với cha mẹ về những vấn đề của chúng. Cũng từ đây, bố mẹ có thể tìm ra được nhiều cách để xử lý các vấn đề này, bởi vì nếu không xử lý kịp thời, các vấn đề trong cách cư xử và thái độ ở trẻ 6 tuổi có thể hình thành thói quen và biến trẻ trở nên hư hỏng.
Những vấn đề trong cách cư xử thường gặp ở trẻ 6 tuổi
Một loạt các vấn đề trong cách cư xử có thể dễ dàng quan sát được ở hầu hết trẻ em trong độ tuổi này.
1. Trả treo hoặc cãi lại
Khi bố mẹ la mắng hoặc kỷ luật các con, bình thường trẻ sẽ sợ sệt và tỏ ra hối lỗi. Tuy nhiên ở độ tuổi này, trẻ có xu hướng đáp trả lại bạn, đôi lúc nói sau lưng hoặc lấy những sai lầm mà bạn mắc phải ra làm lý do để đổ lỗi.
2. Từ chối những gì mà trẻ không thích
Ở độ tuổi này, con bạn bắt đầu biết cách từ chối những gì mà chúng không muốn. Lúc này, chúng hay từ chối hết cả những gì bạn yêu cầu chúng làm.
3. Nói dối
Trong độ tuổi này, đa số trẻ hay có xu hướng khoe khoang với bạn bè về những thứ mình có. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi không có gì để khoe với các bạn, trẻ bắt đầu dựng nên những câu chuyện và những lời nói dối hào nhoáng để giúp mình nổi bật hơn. Sau này, trẻ lại phải tiếp tục nghĩ ra những lời nói dối để che đậy những lời nói dối cũ, từ đây dễ hình thành thói quen nói dối của trẻ.
Bên cạnh đó, các bé ở tuổi này cũng thường cảm thấy sợ bố mẹ hoặc người lớn la rầy khi mắc lỗi. Thế nên, trẻ cũng có xu hướng nghĩ ra những lời nói dối để che đậy lỗi sai của mình.
4. Lơ là
Trẻ có thể mất hàng giờ để làm những việc mà bình thường chỉ tốn vài phút để hoàn thành. Trẻ hay không tập trung và mải chơi khi được giao một nhiệm vụ nào đó.
Điều này ảnh hưởng không tốt vì nó tập cho trẻ thói quen không bao giờ chú ý vào một việc gì quá lâu, làm giảm hiệu suất khi làm việc sau này.
Quá tự lập có phải là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trong cách cư xử thái độ ở trẻ 6 tuổi?
Bạn có nhớ lúc còn nhỏ, chúng ta thường ao ước được trở thành người lớn thật nhanh để không bị la mắng hoặc gò bó trong các quy định. Để hiện thực hóa ao ước này, chúng ta thường cố thể hiện với người lớn và bạn bè rằng mình đã có thể tự lập.
Tự lập có thể mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt giúp trẻ có khả năng tự đưa ra những quyết định quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, quá tự lập cũng có thể dẫn đến tình trạng nổi loạn.
Dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng trong cách cư xử và thái độ của trẻ 6 tuổi
Một số vấn đề về cách cư xử thông thường có thể được xử lý bằng phương pháp giáo dục hoặc biện pháp kỷ luật. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra đòi hỏi bố mẹ phải xử lý một cách nghiêm túc, nhiều trường hợp cần sự can thiệp của các chuyên gia.
1. Vấn đề về giới tính
Trẻ em thường tò mò về bạn khác giới từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu sự tò mò này đi quá giới hạn, chúng có thể vô tình biến thành các hình thức quấy rối tình dục lúc nào không hay. Nếu nhận thấy con có các vấn đề này, bạn cần can thiệp ngay lập tức vì nếu không có thể dẫn đến các tình huống nghiêm trọng hơn.
2. Khuynh hướng tự sát
Hiện nay, các loại tranh ảnh và video có nội dung không lành mạnh được lan truyền tràn lan trên mạng. Trẻ con có thể bị ảnh hưởng và bắt đầu nghĩ đến chuyện làm hại bản thân hoặc tự sát mà không hiểu rõ về hậu quả của nó.
Trong trường hợp này, bạn cần nói chuyện với con về những vấn đề này và hậu quả mà nó có thể mang lại. Thêm vào đó, bạn nên kiểm soát các loại hình văn hóa phẩm mà trẻ xem vì chúng có thể chứa các nội dung không phù hợp với bé.
3. Tranh cãi với bạn liên tục
Việc tranh cãi giữa trẻ em là chuyện rất hay gặp, đặc biệt là ở trường và những nơi công cộng như khu vui chơi. Tuy nhiên, nếu con bạn cãi nhau đến mức không có bạn bè thì đây hẳn là một trường hợp hết sức nghiêm trọng và đòi hỏi bạn phải xử lý ngay.
4. Hành vi xấu ở trường
Từ 6 tuổi trở đi, trẻ dành khá nhiều thời gian ở trường. Trường học là nơi dạy cho trẻ những điều tốt, nhưng đôi khi cũng từ môi trường này, trẻ có thể tiếp cận với những hành vi không tốt khác như gây gổ, đánh nhau hay gian lận. Một số trẻ có xu hướng lặp lại những hành vi xấu này ở trường khi không bị ai phát giác, điều này có thể dẫn đến việc hình thành thói gian lận ở trẻ.
5. Không sợ bị la rầy hoặc bị phạt
Khi bị bố mẹ la rầy hoặc trách phạt, trẻ con thường có xu hướng sợ sệt và tìm cách khắc phục những chuyện đó để không bị phạt nữa. Tuy nhiên, nếu con bạn không có bất kỳ phản ứng gì với những hình phạt này hoặc thậm chí còn hành động theo hướng tồi tệ hơn, điều đó có nghĩa là bạn cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để xử lý tình trạng này.
6. Kiểm soát cảm xúc kém
Vấn đề này có thể được biểu hiện bằng việc trẻ khó có thể kiểm soát được cảm xúc và thường bộc lộ chúng một cách thái quá, ví dụ như khóc vì cãi nhau với ai đó hoặc la hét với bất cứ ai làm trái ý muốn của mình.
7. Các vấn đề về cảm xúc
Các vấn đề về cảm xúc được chia làm hai dạng: trẻ phản ứng thái quá về một việc hoặc không có cảm xúc gì về việc đó. Ở dạng 1, trẻ rất dễ bị xúc động vì những việc bên ngoài, từ đó dẫn đến giận dữ hoặc buồn bã mà không có lý do. Ở dạng 2, dù chịu bất kỳ tác động nào, trẻ cũng không thể hiện bất kỳ cảm xúc gì, từ đó dễ dẫn đến hiện tượng lãnh cảm và cô lập bản thân khỏi thế giới xung quanh.
Những cách phạt trẻ 6 tuổi khéo léo và khoa học
Nhiều bố mẹ đau đầu vì không biết làm cách nào để phạt con nhưng vẫn không làm cho chúng ghét bỏ mình. Việc phạt con cũng là một việc đòi hỏi sự khéo léo và khoa học, nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là một nghệ thuật trong việc nuôi dạy con.
1. Sử dụng các phiếu khen ngợi cũng như chê trách
Tùy vào những hành vi và thái độ của con, bạn có thể cho trẻ những phiếu đánh giá khác nhau. Khi trẻ làm sai, hãy cho trẻ phiếu chê trách, ngược lại khi trẻ làm đúng, hãy cho phiếu khen ngợi. Bạn cũng có thể cho con cả 2 loại phiếu nếu bé làm sai nhưng sau đó đã nhận ra được lỗi lầm của mình.
Bạn nên đặt ra những hình phạt nếu trẻ nhận được quá nhiều phiếu chê trách. Đồng thời, hãy treo thêm những giải thưởng như: đồ chơi, một buổi đi xem phim hoặc bánh kẹo nếu trẻ nhận được nhiều phiếu khen ngợi. Điều này sẽ kích thích trẻ làm nhiều việc tốt cũng như hạn chế làm những việc sai trái.
2. Hãy để trẻ gánh chịu hậu quả cho những hành vi của mình
Nhiều bố mẹ có xu hướng vội vàng bao che cho con khi trẻ làm sai hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù đôi khi việc che chở cho con là hành động mà bố mẹ cần làm, đặc biệt là trong những trường hợp cực đoan, song trẻ em cần học hỏi từ những sai lầm của mình và hiểu được các tác hại mà chúng gây ra đối với cuộc sống của trẻ. Ví dụ như việc vất đồ chơi lung tung có thể làm trẻ bị đau hoặc té ngã, từ đó sẽ làm trẻ nhớ đến lời bạn dạy lâu hơn.
3. Đưa ra hình phạt một cách hợp lý
Các hình phạt mà bạn đưa ra phải dựa trên hành vi của trẻ. Đừng cấm con ăn món yêu thích vì trẻ chơi game quá nhiều, điều này thường làm trẻ cảm thấy không thỏa đáng. Thay vào đó, hãy giới hạn thời gian chơi game của trẻ trong 1 tuần và yêu cầu trẻ thực hiện điều này một cách nghiêm ngặt. Nếu trẻ sử dụng quỹ thời gian này trước cuối tuần thì con không thể chơi game trong những ngày còn lại.
4. Sử dụng lời nói thể hiện hành động
Cách bạn nói cho các con biết về hành vi sai trái của chúng có thể tác động rất nhiều vào cách mà chúng phản ứng lại. Thay vì nói rằng: “Con không thể đi chơi nếu như chưa làm xong bài tập”, bạn hãy bảo con rằng: “Con nên làm xong bài tập trước để có thể được chơi bóng với các bạn”. Điều này sẽ giúp con không nảy sinh các phản ứng ngược.
5. Tạm dừng mọi hoạt động của trẻ trong một thời gian
Nếu con bạn nổi loạn mà không có lý do, hãy dừng tất cả mọi hoạt động của con lại trong một thời gian nhất định. Việc này sẽ giúp cho bé hiểu được thông điệp mà bạn muốn và không hành xử như vậy nữa.
6. Khuyến khích các hành vi tốt
Bạn nên nhận ra những điều tốt mà con đã làm và khen ngợi chúng thường xuyên. Những lời khen này sẽ khuyến khích các con nỗ lực để hoàn thành mọi việc một cách tốt hơn và cư xử đúng mực hơn. Điều này cũng tạo cho trẻ động lực để tiếp tục làm mọi người vui và giúp cuộc sống của trẻ trở nên tốt hơn.
Việc giải quyết những vấn đề trong cách cư xử ở trẻ 6 tuổi không phải là một việc dễ dàng. Làm thế nào để cân bằng giữa tình yêu thương và việc trách phạt con cái khi chúng phạm lỗi là một việc luôn khiến bố mẹ đau đầu. Hãy luôn yêu thương và dành thời gian quan tâm đến các con để nhận ra những vấn đề trong cách cư xử và hành vi của trẻ. Bên cạnh đó, bạn hãy trách phạt một cách hợp lý để trẻ có thể nhận ra những lỗi sai cũng như cách khắc phục chúng.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI