Nhiều bệnh nhân mắc phải sai lầm trong điều trị cơ xương khớp như không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự làm theo cách của mình. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bệnh cơ xương khớp là những bệnh có khả năng ảnh hưởng lớn đến chức năng hoạt động của các cơ, xương và khớp. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi và không loại trừ ai. Tuy nhiên, trong điều trị bệnh cơ xương khớp, nhiều người mắc một số sai lầm phổ biến. Vậy những sai lầm là gì? Mời bạn cùng Chúng tôi tìm hiểu.
1. Sai lầm trong điều trị cơ xương khớp đầu tiên là xem nhẹ bệnh
Bệnh cơ xương khớp bắt đầu hình thành và có biểu hiện ra bên ngoài từ năm 30 tuổi. Thế nhưng, đây lại là lúc nhiều người thờ ơ và không quan tâm đến căn bệnh này.
2. Chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh diễn biến nặng
Bệnh nhân cơ xương khớp còn mắc thêm sai lầm tiếp theo là chần chừ đi gặp bác sĩ và chỉ đến phòng khám, bệnh viện khi không thể chịu đựng cơn đau được nữa. Dĩ nhiên, nếu đợi đến lúc này thì bệnh đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn nặng hơn hoặc dẫn đến các biến chứng ở các bộ phận khác như da, mắt, tim, phổi… Khi đó, bệnh nhân cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để điều trị nhưng chưa chắc sẽ dứt điểm cơn đau.
3. Chỉ dùng một toa thuốc duy nhất
Bệnh cơ xương khớp có khả năng tiến triển phức tạp hơn. Do vậy, bệnh nhân cần đi tái khám thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc phù hợp với mình.
Việc mua và sử dụng lại toa thuốc của lần khám đầu tiên sẽ không thể giúp bạn điều trị dứt điểm căn bệnh này. Ban đầu, bệnh có thể giảm được phần nào nhưng sau một thời gian, thuốc không còn tác dụng nữa. Bệnh nhân tiếp tục phải chịu đựng sự hành hạ của các cơn đau. Điều này khiến sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng nặng nề kèm theo nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng khác xuất hiện dẫn đến hậu quả như tàn phế, tháo khớp…
4. Khi bệnh thuyên giảm, tự ý dừng điều trị
Bệnh cơ xương khớp là một bệnh mạn tính nên cần phải duy trì điều trị. Khi muốn dừng điều trị vì một nguyên nhân nào đó (ví dụ như uống thuốc gây ra tác dụng phụ), bệnh nhân cần có chỉ định của bác sĩ để biết rằng sẽ dừng thuốc trong thời gian bao lâu, tức là dừng thuốc có kiểm soát.
Khi tự ý dừng điều trị, bệnh có thể tái phát và còn nặng hơn ban đầu hoặc dẫn đến những biến chứng mà bệnh nhân không lường trước được.
5. Dùng toa thuốc của người khác
Nhiều người ngại đi khám bệnh vì sợ phiền phức. Do đó, khi thấy một người có các triệu chứng bệnh giống mình và đã giảm bệnh sau khi điều trị, họ mượn toa thuốc của người đó và tự ý mua thuốc uống.
Điều này rất nguy hiểm vì cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người khác nhau. Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp để kê toa thuốc phù hợp. Vì vậy, toa thuốc của người khác có thể không phù hợp với bạn. Nếu cứ dùng như vậy, bệnh không những không khỏi mà bạn còn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm hơn.
6. Dùng các bài thuốc truyền miệng dân gian chưa được kiểm chứng
Đôi khi nhiều người lo sợ việc sử dụng thuốc Tây y trong thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ, không tốt cho gan, thận. Vì vậy, họ tin tưởng vào những bài thuốc dân gian chữa viêm xương khớp được quảng cáo tràn lan trên các trang web, mạng xã hội.
Tuy những bài thuốc này có thể giúp bạn giảm đau nhất thời nhưng việc điều trị này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Bạn không biết rõ mình đang dùng biệt dược nào, dược tính của nó ra sao hoặc tác dụng phụ là gì. Nếu chẳng may gặp phải tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, tay chân bủn rủn do các thành phần chưa qua kiểm chứng rõ ràng và không biết cách xử lý, bạn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh những sai lầm trong điều trị cơ xương khớp ở trên, bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Dùng thuốc theo đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với ăn uống và tập luyện phù hợp. Đến bệnh viện khám ngay khi xuất hiện những dấu hiệu lạ để được bác sĩ tư vấn đầy đủ và điều trị kịp thời.
Phương Uyên/HELLO BACSI