Mối quan hệ lành mạnh bao gồm sự tôn trọng và tin tưởng
Một mối quan hệ lành mạnh hàm chứa sự tôn trọng, tin tưởng và quan tâm đến người kia. Đáng buồn thay, một số mối quan hệ có thể trở nên xấu xí. Trong thực tế, 1 trong 11 học sinh trung học báo cáo về việc bị người họ hẹn hò gây tổn thương thể chất.
Những người trong các mối quan hệ này đôi khi lầm lẫn giữa việc lạm dụng/ngược đãi với sự quan tâm hay chăm sóc quá mức. Thậm chí, điều đó còn trông giống như nịnh nọt. Hãy thử nghĩ về một người bạn mà bạn trai hoặc bạn gái rất hay ghen: có vẻ như người yêu của họ rất quan tâm đến bạn đó. Nhưng trên thực tế, quá ghen tuông và hành động kiểm soát người khác thật sự không phải là dấu hiệu của yêu thương.
Tình yêu liên quan đến sự tôn trọng và tin tưởng; chứ không có nghĩa là liên tục lo lắng về khả năng kết thúc mối quan hệ. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc bất an về mối quan hệ hiện tại, hãy nói chuyện với bạn trai/bạn gái của mình, chứ đừng cố mà kiểm soát hoạt động của họ.
Lạm dụng/ngược đãi là gì?
- Lạm dụng/ngược đãi có thể về thể chất, cảm xúc hoặc tình dục. Ngược đãi thể chất có nghĩa là bất kỳ hình thức bạo lực nào như đánh, đấm, kéo tóc, và đá. Việc này có thể xảy ra ở các cặp đôi hoặc giữa những người bạn.
- Lạm dụng/ngược đãi cảm xúc (những việc như trêu chọc, bắt nạt, và hạ nhục người khác) có thể rất khó để nhận ra bởi vì nó không để lại bất kỳ vết sẹo nào có thể nhìn thấy. Hăm dọa, sỉ nhục, và phản bội là tất cả các hình thức ngược đãi cảm xúc có thể gây tổn thương rất lớn — không chỉ trong thời gian nó diễn ra mà còn kéo dài mãi về sau.
- Lạm dụng tình dục có thể xảy ra cho bất cứ ai, dù nam hay nữ. Không bao giờ là đúng khi bạn bị buộc phải tham gia vào bất cứ hoạt động tình dục nào khi bạn không muốn.
- Bước đầu tiên để thoát khỏi một mối quan hệ lạm dụng/ngược đãi là bạn phải nhận ra rằng mình có quyền được tôn trọng cũng như không ai khác được phép làm hại đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Các dấu hiệu của mối quan hệ lạm dụng
Những dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy bạn đang dính líu vào một mối quan hệ có tính ngược đãi/ lạm dụng là khi ai đó:
- Làm hại thể chất bạn theo bất kỳ cách nào, bao gồm cả tát, đẩy, túm, lắc, đá, và đấm.
- Cố gắng kiểm soát các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như cách ăn mặc, đi chơi với ai, và cả những gì bạn nói.
- Thường xuyên sỉ nhục bạn hoặc làm cho bạn cảm thấy không xứng đáng (ví dụ, nếu người yêu làm bạn thất vọng nhưng nói với bạn rằng họ yêu thương bạn).
- Đe dọa làm hại bạn, hoặc tự làm hại, nếu bạn chấm dứt mối quan hệ.
- Làm méo mó sự thật để bạn trở thành người có lỗi do hành động của họ.
- Luôn đòi hỏi phải biết bạn đang ở đâu.
- Luôn ghen tuông, tức giận khi bạn muốn gặp gỡ bạn bè của mình.
Ngay cả những sinh hoạt tình dục mà bạn không thích và khiến bạn không thoải mái cũng là một báo động đỏ cho thấy mối quan hệ đó cần sự tôn trọng lẫn nhau nhiều hơn. Khi ai đó nói những câu như “nếu yêu anh/em, em/anh sẽ…”, đó cũng là một cảnh báo của việc lạm dụng, và là một dấu hiệu rằng đối tác đang cố gắng để điều khiển bạn. Chỉ những người muốn kiểm soát mới nói những câu như vậy. Họ chỉ quan tâm đến những gì họ muốn, chứ không để ý đến bạn muốn gì. Hãy tin vào trực giác của mình. Nếu bạn cảm thấy có gì đó không đúng, thì chắc rằng nó không đúng.
Dấu hiệu một người bạn bị lạm dụng
Ngoài các dấu hiệu được liệt kê ở trên, dưới đây là một số dấu hiệu của một người bạn có thể bị lạm dụng bởi người yêu của họ:
- Không giải thích được vết bầm tím, bị gãy xương, bong gân.
- Cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi mà không có lý do rõ ràng.
- Giữ bí mật hoặc né tránh gia đình và bạn bè.
- Tránh các sự kiện trong trường hay xã hội với lý do chẳng có ý nghĩa.
Một người bị lạm dụng cần ai đó biết lắng nghe và tin tưởng anh ta hoặc cô ấy. Có lẽ họ sợ nếu cha mẹ biết có thể sẽ gây áp lực để kết thúc mối quan hệ. Những người đang bị lạm dụng thường cảm thấy như nó là lỗi của họ – rằng họ “đã muốn vậy” hoặc rằng họ không xứng đáng nhận điều tốt hơn. Nhưng việc ngược đãi thì không bao giờ xứng đáng. Hãy giúp họ hiểu rằng nó không phải là lỗi của họ. Họ không phải là người xấu. Người mà lạm dụng người khác, bản thân họ cũng có vấn đề nghiêm trọng và cần được giúp đỡ từ chuyên gia.
Một người bạn bị lạm dụng cần sự kiên nhẫn, tình yêu và sự thấu hiểu của bạn. Họ cũng cần sự động viên từ người lớn, như cha mẹ, thành viên gia đình, hoặc tư vấn viên. Và trên hết, người bạn đó cần được lắng nghe mà không hề phán xét. Phải rất dũng cảm để thừa nhận mình bị lạm dụng; hãy cho họ biết rằng họ có 100% sự ủng hộ của bạn.
Làm thế nào bạn để tự giúp mình khi bị lạm dụng/ngược đãi
- Bạn nên làm gì nếu bạn nghĩ rằng ai đó có thể đang lạm dụng bạn? Nếu bạn thấy rằng bạn yêu một ai đó, nhưng thường cảm thấy sợ hãi, đã đến lúc thoát khỏi mối quan hệ đó – nhanh chóng. Bạn xứng đáng được tôn trọng và bạn có thể nhận được trợ giúp.
- Trước tiên, hãy chắc chắn rằng bạn đang an toàn. Một người lớn đáng tin cậy hoặc bạn bè có thể giúp đỡ. Nếu người đó tấn công bạn, đừng chần chừ việc kiểm tra y tế và gọi cảnh sát. Đánh đập là bất hợp pháp, và cưỡng bức cũng vậy – cho dù đó là người bạn hẹn hò.
- Tránh xu hướng cô lập mình khỏi bạn bè và gia đình. Bạn có thể cảm thấy như không có chỗ nào nương tựa, hoặc bạn xấu hổ về những gì đã xảy ra, nhưng đây là thời điểm mà bạn cần sự giúp đỡ nhiều nhất. Những người như tư vấn viên, bác sĩ, giáo viên, huấn luyện viên, và bạn bè sẽ muốn giúp bạn, do đó hãy để cho họ làm điều đó.
- Đừng làm một mình để thoát ra khỏi tình trạng này. Bạn bè và gia đình, những người yêu thương và chăm sóc bạn sẽ giúp bạn kết thúc điều này. Điều quan trọng rằng, yêu cầu sự giúp đỡ không phải là một dấu hiệu của sự yếu kém. Nó thực sự cho thấy rằng bạn có rất nhiều can đảm và sẵn sàng để đứng lên bảo vệ chính mình. Cũng giống như việc bạn sẽ cần giúp đỡ để thoát ra việc bị ngược đãi, đặc biệt khi bạn vẫn còn yêu người làm tổn thương mình, và cảm thấy tội lỗi khi rời bỏ họ.
- Nơi để được giúp đỡ khi bị lạm dụng/ngược đãi
- Chấm dứt lạm dụng và bạo lực trong ở thiếu niên là một nỗ lực của cộng đồng với nhiều người sẵn sàng giúp đỡ. Số điện thoại địa phương hoặc internet sẽ liệt kê danh sách các trung tâm, đường dây trợ giúp thiếu niên, và đường dây nóng chống lạm dụng. Các tổ chức đào tạo nhân viên chuyên nghiệp để lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ. Ngoài ra, tôn giáo, y tá trường học, giáo viên, tư vấn viên, bác sĩ và chuyên gia y tế khác có thể là nguồn hỗ trợ và cung cấp thông tin.
- Bạn cũng có thể tham gia ở mức độ trường học hoặc cộng đồng như là một người ủng hộ nhằm ngăn chặn lạm dụng trong các mối quan hệ trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
http://familydoctor.org/familydoctor/en/teens/emotional-well-being/abusive-relationships.html