Có rất nhiều loại thuốc trị táo bón để lựa chọn nếu bạn thường xuyên bị táo bón. Một số thuốc trị táo bón không cần toa, nhưng một số khác phải có chỉ định của bác sĩ.
Táo bón là tình trạng rất phổ biến, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng táo bón nhẹ có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, đối với tình trạng nghiêm trọng, bạn có thể cần dùng đến thuốc trị táo bón. Một số thuốc trị táo bón có thể được mua ngoài tiệm thuốc, nhưng một số thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bạn định dùng bất kỳ loại thuốc nào nhé.
Các thuốc trị táo bón không cần toa
Đa số các thuốc trị táo bón không cần toa là các thực phẩm hoặc các chất bổ sung. Một số sản phẩm bạn có thể dùng ở dạng thuốc viên bao gồm:
Các chất xơ bổ sung
Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón là do thiếu chất xơ, vì vậy các thực phẩm chức năng này sẽ bổ sung chất xơ cho cơ thể, giúp bạn đi cầu dễ dàng hơn. Bạn hãy chắc chắn uống nhiều nước khi uống các viên chất xơ này. Đối với một số người, loại này có thể gây đầy hơi và đau bụng. Một số loại chất xơ bổ sung phổ biến gồm:
- Canxi polycarbophil (FiberCon)
- Chất xơ methylcellulose (Citrucel)
- Psyllium (Metamucil, Konsyl)
- Mì dextrin (Benefiber)
Các chất thẩm thấu
Những chất này giúp phân giữ nhiều chất lỏng hơn, do đó phân mềm hơn. Chúng có thể làm giảm các khoáng chất trong cơ thể. Nếu bạn là người lớn tuổi hoặc có bệnh tim hoặc suy thận, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng. Các chất thẩm thấu phổ biến như:
- Magnesium citrate
- Magnesium hydroxide (sữa Magnesia)
- Polyethylene glycol (Miralax)
- Sodium phosphate (Fleet Phospho-Soda)
Bạn hãy cẩn thận với bất kỳ sản phẩm có sodium phosphate. Phương pháp điều trị này chỉ thỉnh thoảng được bác sĩ khuyến cáo. Bạn không bao giờ sử dụng chất này nhiều hơn 1 liều trong 24 giờ, vì nó có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng. Hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ hoặc nếu:
- Bạn trên 55 tuổi
- Bạn đang bị mất nước
- Bạn có bệnh thận, tắc nghẽn ruột hoặc ruột bị sưng và kích thích
- Bạn uống các thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Các chất kích thích
Bạn chỉ thử các chất kích thích nếu tình trạng táo bón của bạn rất nghiêm trọng và các loại thuốc khác không có tác dụng. Các thuốc này làm tăng co bóp ruột để tống phân ra ngoài. Hai loại chất kích thích phổ biến nhất là bisacodyl (Correctol, Ducodyl, Dulcolax) và senna (Senexon, Senokot). Một số người lạm dụng thuốc nhuận tràng để kích thích. Tuy nhiên, nếu sử dụng chúng thường xuyên hoặc với số lượng lớn, bạn có thể có các tác dụng phụ, bao gồm nồng độ kali thấp.
Các thuốc làm mềm phân
Bạn có thể sử dụng những chất này nếu cần tránh rặn khi đi cầu, như sau khi phẫu thuật. Tốt nhất bạn nên sử dụng các chất này trong thời gian ngắn. Các thuốc này hoạt động bằng cách lấy nước từ trong ruột để làm mềm phân. Natri docusate (Colace) là thuốc làm mềm phân phổ biến nhất.
Bên cạnh phương pháp điều trị táo bón với dạng thuốc viên, bác sĩ cũng có thể đề nghị dạng đạn hoặc thụt:
Thuốc đạn
Bạn đặt thuốc đạn trực tiếp vào trực tràng. Chúng thường hoạt động bằng cách làm cho ruột co bóp, do đó bạn đi cầu dễ hơn. Một số loại thuốc làm mềm phân phổ biến như glycerin và bisacodyl (Dulcolax).
Thụt tháo
Với loại này, bạn đưa thuốc dạng chất lỏng trực tiếp vào trực tràng. Chất lỏng đưa vào giúp làm mềm phân và đi cầu dễ dàng hơn.
Các thuốc trị táo bón theo toa
Có rất nhiều loại thuốc trị táo bón theo toa hoạt động theo những cách khác nhau. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra loại tốt nhất cho tình trạng của mình.
Colchicine
Một số nghiên cứu cho thấy thuốc này có thể giúp điều trị táo bón mãn tính bằng cách làm tăng hoạt động của ruột. Bạn không nên sử dụng thuốc nếu có tình trạng bệnh lý thận như suy thận. Thuốc cũng có thể gây ra vấn đề về cơ gọi là bệnh cơ.
Linaclotide (Linzess)
Thuốc ở dạng viên nang. Bạn uống một viên mỗi ngày khi bụng đói, ít nhất 30 phút trước bữa ăn sáng. Thuốc này được sử dụng để điều trị táo bón mãn tính và hội chứng ruột kích thích do táo bón (IBS-C). Linaclotide có thể giảm bớt táo bón bằng cách giúp nhu động ruột xảy ra thường xuyên hơn. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tiêu chảy. Bác sĩ có thể đề nghị thuốc trị táo bón này nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Lactulose (Kristalose, Cephulac)
Thuốc này thẩm thấu rút nước vào ruột để làm mềm và lỏng phân. Tác dụng phụ bao gồm đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và co thắt bụng.
Lubiprostone (Amitiza)
Bác sĩ có thể đề nghị loại thuốc này nếu bạn bị táo bón mãn tính, hội chứng ruột kích thích do táo bón hoặc táo bón gây ra bởi opioid. Thuốc làm mềm phân bằng cách đưa nhiều nước vào phân, vì vậy phân có thể đi ra ngoài một cách dễ dàng. Bạn uống thuốc này 2 lần một ngày với thức ăn. Một số tác dụng phụ có thể là nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và nôn.
Misoprostol (Cytotec)
Một số nghiên cứu cho thấy thuốc này có thể giúp điều trị táo bón. Thuốc tăng tốc độ chuyển động của các chất thải đi qua hệ thống tiêu hóa và làm tăng nhu động ruột. Không dùng thuốc này nếu bạn đang mang thai, vì nó có thể khiến bạn chuyển dạ và có thể dẫn đến sẩy thai. Nó cũng có thể làm tăng chảy máu trong kỳ kinh nguyệt.
Plecanatide (Trulance)
Thuốc này ở dạng viên, được uống 1 lần một ngày. Thuốc này giúp cơ thể tạo ra chất lỏng trong ruột, giúp phân di chuyển dễ dàng qua ruột. Bác sĩ có thể kê toa thuốc này khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thuốc được thiết kế cụ thể cho những người bị táo bón vô căn mãn tính hoặc đặt ống thông tiểu tạm thời. Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ của thuốc.