Trẻ nhỏ có thể bị đau lưng do các nguyên nhân như cong vẹo cột sống ở trẻ em bẩm sinh, nhiễm trùng, các vấn đề về đĩa đệm, khối u tủy xương, béo phì, hoạt động thể chất quá mức…
Bạn ngạc nhiên khi nghe nói trẻ em bị đau lưng? Trước giờ bạn luôn nghĩ đau lưng là chứng bệnh của người có tuổi hay những người phải làm các công việc nặng nhọc. Thực tế, tình trạng đau lưng diễn ra khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ từ 10 – 30% trẻ từng bị đau lưng.
Nếu nhận thấy trẻ bị cong vẹo cột sống hay đau lưng kéo dài, đau tập trung vào một điểm hay xương sống của trẻ trông có vẻ bất thường… bạn nên đưa con đi khám sớm. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em và chứng đau lưng kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làm giảm chất lượng cuộc sống.
Vẹo cột sống ở trẻ em và những nguyên nhân gây đau lưng ở trẻ nhỏ
Vẹo cột sống ở trẻ em
Cong vẹo cột sống ở trẻ em là một biến dạng của cột sống khi cột sống bị uốn cong về bên phải hoặc bên trái. Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ em chủ yếu là do bẩm sinh (bại não, loạn dưỡng cơ), bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn, tư thế ngồi không đúng, mang vác quá nặng, độ cao của bàn học và ghế ngồi không tương xứng với nhau…
Đối với người bị vẹo cột sống, nếu nhìn từ phía sau sẽ thấy:
- Hai vai không đều, một bên xương bả vai sẽ cao hơn bên còn lại
- Vòng eo không đều
- Một bên hông cao hơn bên kia
- Cột sống có hình chữ C khi đỉnh đường cong của cột sống hướng về bên trái
- Cột sống có hình Ɔ (chữ C ngược) khi đỉnh đường cong cột sống hướng về bên phải
- Cột sống có hình chữ S hoặc S ngược: Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau.
Ngoài các dấu hiệu nhận biết trên, để xác định chính xác tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em, bác sĩ thường sẽ chỉ định trẻ làm các xét nghiệm hình ảnh cận lâm sàng như X-quang, MRI.
Nếu không được điều trị, trẻ mắc bệnh cong vẹo cột sống có thể bị gù, vẹo người… gây ảnh hưởng đến sức khỏe (đau thắt lưng mạn tính, thoái hóa cột sống sớm, xẹp đốt sống), gây mất thẩm mỹ, tác động xấu đến tâm lý. Ngoài ra, tình trạng cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, gây biến dạng tim phổi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới khi trưởng thành.
Tùy theo tình trạng trẻ bị biến dạng ít hay nhiều, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị cụ thể. Khi tình trạng biến dạng tiến triển đến mức đáng kể, bác sĩ có thể chỉ định cho bé đeo nẹp để điều chỉnh cột sống. Với các trường hợp cột sống bị biến dạng nghiêm trọng, phương pháp phẫu thuật được coi là lựa chọn tối ưu nhất để điều trị tình trạng này. Trẻ bị chân cao chân thấp do cong vẹo cột sống gây ra có thể dùng giày chỉnh hình để điều trị.
Những nguyên nhân khác khiến trẻ em bị đau lưng
1. Đau lưng do đau cơ bắp vùng lưng
Đau lưng do đau cơ bắp vùng lưng hay căng cơ dây chằng cột sống là nguyên nhân gây đau lưng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Các bác sĩ nhi khoa ước tính có khoảng 2/3 trẻ em bị đau lưng là do nguyên nhân này.
Tình trạng đau lưng này xảy ra nhiều ở các bé chơi các môn thể thao đòi hỏi sự vận động mạnh, linh hoạt cần nhiều sức mạnh như: bóng đá, bóng rổ, đá cầu, nhảy bao bố, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, cử tạ, chèo thuyền, kéo co, võ thuật…
Hầu hết tình trạng đau lưng của bé do đau cơ bắp vùng lưng sẽ biến mất khi trẻ có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cùng những thay đổi tích cực trong các hoạt động. Trẻ em bị đau lưng do nguyên nhân này, các bác sĩ có thể cho tập vật lý trị liệu, trị liệu thần kinh cột sống, tập yoga dành cho trẻ em, massage…
2. Gãy xương do mỏi (stress fractures)
Tình trạng gãy xương do mỏi thường gặp ở thanh niên do có sự gắng sức trong thời gian dài hoặc phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh do chứng loãng xương. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra chính là kết quả từ sự cộng hưởng của việc gắng sức. Đây là loại gãy xương không biến chứng nên người bị gãy xương dạng này không biết mình đang bị chấn thương.
Gãy xương do mỏi thường xảy ra ở những đốt xương bàn chân, xương ngón chân, xương chày, xương mác, thậm chí là xương đốt sống.
Gãy xương cột sống do mỏi phổ biến nhất là thoái hóa cột sống, chấn thương xương ở phía sau đốt sống. Gãy xương do mỏi ở trẻ em xảy ra chủ yếu ở những trẻ chơi các môn thể thao có tính chất khiến phần đốt sống phải lặp đi lặp lại các động tác cúi, gập, duỗi quá mức… như thể dục dụng cụ, lặn…
Phương pháp điều trị trẻ em bị đau lưng vì gãy xương do mỏi thường là các phương pháp ít xâm lấn như dùng thuốc, massage… Phương pháp phẫu thuật chỉ được tiến hành khi đã áp dụng phương pháp điều trị kể trên nhưng trẻ vẫn bị đau dai dẳng nhiều tháng liền hoặc tình trạng trượt đốt sống bị thể nặng.
3. Vấn đề về đĩa đệm cột sống
Thực tế tình trạng thoát vị đĩa đệm có xu hướng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, người phải làm các công việc nặng nhọc mà ít xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những trẻ có lối sống ít vận động, trẻ béo phì hay trẻ có cấu trúc đĩa đệm bất thường… có thể rơi vào tình trạng này.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần đệm mềm giữa hai đốt sống bị vỡ, gây chèn ép các dây thần kinh và tủy sống. Tình trạng này khiến trẻ bị đau lưng, có cảm giác tê, ngứa ran ở chân, yếu hai chân, khó có thể cúi gập hay duỗi thẳng cột sống…
Với những trẻ bị đau nặng hoặc có dấu hiệu tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nhằm giảm áp lực lên dây thần kinh.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()4. Nhiễm trùng cột sống, đĩa đệm
Tình trạng nhiễm trùng cột sống hoặc đĩa đệm thường xảy ra ở trẻ mới biết đi hoặc ở thanh thiếu niên. Trẻ em bị đau lưng do nhiễm trùng thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với nhiều chứng bệnh khác như: khó chịu, sốt nhẹ, đau lưng…
Việc chẩn đoán trẻ bị đau lưng do nhiễm trùng cột sống thường dựa trên các kết quả xét nghiệm máu để nhận biết dấu hiệu viêm nhiễm. Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh để xác định chính xác vị trí nhiễm trùng.
Việc điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh, phương pháp phẫu thuật chỉ được áp dụng khi nhiễm trùng gây tổn thương cấu trúc cột sống.
5. Khối u trên xương sống hoặc tủy
Một khối u xương lành tính hay ác tính xuất hiện trong cột sống có thể khiến trẻ bị đau lưng dữ dội. Nếu trẻ bị đau lưng về đêm, giảm cân… bạn nên đưa trẻ đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị đau lưng do khối u cột sống.
Bác sĩ có thể dựa vào các xét nghiệm hình ảnh (chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính) nhằm đưa ra các chẩn đoán cụ thể. Tùy vào loại khối u cột sống, các bác sĩ đề ra phương pháp điều trị thích hợp. Các khối u lành tính đôi khi cũng cần phải phẫu thuật. Nguyên nhân là vì nếu không được điều trị đúng cách, chúng có thể gây biến dạng cột sống. Việc điều trị các khối u ác tính thường phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị như thuốc, xạ trị và phẫu thuật.
Trẻ em bị đau lưng nên đi khám khi nào?
Nếu con nói với bạn rằng bé bị đau lưng, bạn không nên quá lo lắng. Đa phần nguyên nhân khiến trẻ em bị đau lưng là do chấn thương cơ hoặc dây chằng vùng lưng khi vận động, chơi đùa, mang ba lô hay cặp sách quá nặng… Điều này không quá nguy hiểm vì sẽ tự khỏi khi có sự điều chỉnh thích hợp.
Tuy nhiên, nếu bé bị đau lưng và kèm theo một trong các dấu hiệu cảnh báo sau, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ. Đây là những dấu hiệu trẻ em bị đau lưng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng kể trên:
- Đau vào ban đêm, cơn đau khiến bé thức dậy
- Đau liên tục kéo dài khoảng vài tuần
- Có các triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, khó chịu, sụt cân…
- Chân tay có dấu hiệu tê bì, yếu cơ
- Bé đứng hoặc đi có vẻ cong vẹo, lệch về một bên
- Bé luôn than phiền bị đau vùng lưng hay khó chịu khi vận động, chơi đùa…
Hy vọng những thông tin mà Chúng tôi cung cấp ở trên đã đem đến cho bạn cái nhìn tổng quát về bệnh vẹo cột sống ở trẻ em và chứng đau lưng ở trẻ. Từ đó, bạn sẽ biết cách xử trí đúng nếu con có dấu hiệu vẹo cột sống hay bị đau lưng.
Quan Lan/HELLO BACSI