Nhũ ảnh là gì?
Hình bên trái minh hoạ kỹ thuật chụp nhũ ảnh và bên phải là hình nhũ ảnh có tổn thương ung thư vú được tìm thấy (trong vòng tròn đỏ).
Nhũ ảnh là hình ảnh X quang tuyến vú được sử dụng để tầm soát ung thư vú. Nhũ ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư vú và giúp làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú.
Khi chụp nhũ ảnh, bạn sẽ đặt vú lên một bệ đỡ và tấm ép của máy X quang sẽ từ từ ép xuống. Cần phải ép tuyến vú như vậy để dàn mỏng mô tuyến vú, giúp cho hình ảnh trên phim nhũ ảnh có chất lượng tốt hơn. Sau đó, máy sẽ chụp và hình ảnh X quang đen trắng của tuyến vú sẽ được hiển thị trên một màn hình máy tính; bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh ung thư.
Nhũ ảnh có thể được sử dụng cho mục đích tầm soát hoặc chẩn đoán. Việc chụp nhũ ảnh phụ thuộc vào tuổi tác và nguy cơ ung thư vú.
Tại sao phải chụp nhũ ảnh?
Hình minh họa những thay đổi tuyến vú nhìn thấy được và nghi ngờ là ung thư (K) vú.
Nhũ ảnh (Mammography) là hình ảnh X quang tuyến vú, có thể được chụp với mục đích tầm soát để tầm soát ung thư vú và các bất thường khác, hoặc với mục đích chẩn đoán để đánh giá một khối u vú:
- Nhũ ảnh tầm soát. Nhũ ảnh tầm soát được sử dụng để phát hiện những thay đổi tuyến vú ở những phụ nữ không có dấu hiệu, hoặc không có triệu chứng lâm sàng, hoặc không có bất thường tuyến vú thấy được. Mục đích là để phát hiện ung thư trước khi có dấu hiệu lâm sàng đáng chú ý.
- Nhũ ảnh chẩn đoán. Chụp nhũ ảnh chẩn đoán được sử dụng khi có thay đổi tuyến vú đáng nghi ngờ như: một khối u vú, đau vú, bất thường da vú, dày núm vú hoặc chảy dịch ở núm vú…Nó cũng được sử dụng để đánh giá bất thường phát hiện được trên chụp nhũ ảnh tầm soát. Nhũ ảnh chẩn đoán bao gồm cả những hình chụp bổ sung.
Khi nào bắt đầu chụp nhũ ảnh tầm soát?
Các chuyên gia và tổ chức y tế vẫn chưa thống nhất với nhau về việc khi nào phụ nữ nên chụp nhũ ảnh định kì hoặc bao lâu nên chụp một lần. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ bị ung thư vú, những vấn đề cần ưu tiên của bạn; và các nguy cơ cũng như lợi ích của việc chụp nhũ ảnh tầm soát. Cùng làm việc với bác sĩ như vậy sẽ giúp bạn chọn được cho mình thời gian biểu tốt nhất để chụp nhũ ảnh tầm soát.
Một số hướng dẫn chung cho việc lựa chọn thời điểm bắt đầu chụp nhũ ảnh tầm soát bao gồm:
- Đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình. Nhiều phụ nữ bắt đầu chụp nhũ ảnh ở tuổi 40 và chụp lại mỗi 1-2 năm. Các nhóm chuyên gia có những khuyến cáo khác nhau nhưng đa số, trong đó có Hiệp hội Ung thư Mỹ, khuyên phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ trung bình nên bắt đầu chụp nhũ ảnh ở tuổi 40; còn một nhóm nghiên cứu ở Hoa Kỳ có tên là The US Preventive Service Task Force, lại khuyến cáo nên đợi đến 50 tuổi mới bắt đầu chụp nhũ ảnh định kì.
- Đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao. Phụ nữ có nguy cơ bị ung thư vú cao có thể sẽ có lợi khi chụp nhũ ảnh tầm soát trước 40 tuổi. Hãy nói chuyện với bác sĩ về phác đồ chụp nhũ ảnh cho riêng bạn. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như gia đình đã có người bị ung thư vú, bác sĩ có thể đề nghị bạn nên chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với chụp nhũ ảnh.
Nguy cơ và hạn chế của chụp nhũ ảnh?
Hình nhũ ảnh minh họa phân loại mật độ mô tuyến vú theo BI- RADS (Breast Imaging Reporting and Data System – BI-RADS), BI-RADS 1: Vú nhiều mô mỡ, mô sợi và mô tuyến < 25%, BI-RADS 2: Vú có mô sợi và mô tuyến rải rác, mô sợi và mô tuyến 25- 50%, BI-RADS 3: Vú có đậm độ không đồng nhất, mô sợi và mô tuyến 51 – 75%, BI-RADS 4: Vú có đậm độ cao cực kỳ, mô sợi và mô tuyến > 75%.
- Chụp nhũ ảnh có thể làm bạn nhiễm xạ ở liều thấp. Tuy nhiên, liều bức xạ là rất thấp và với đa số phụ nữ thì lợi ích của việc chụp nhũ ảnh định kì lớn hơn những nguy cơ do lượng bức xạ nhỏ này gây ra.
- Chụp nhũ ảnh không phải luôn luôn chính xác. Tính chính xác phụ thuộc một phần vào kỹ thuật chụp, kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Các yếu tố ảnh hưởng khác bao gồm: tuổi tác và mật độ mô tuyến vú của bạn – có thể làm cho nhũ ảnh âm tính giả hoặc dương tính giả.
- Khó đọc phim nhũ ảnh ở phụ nữ trẻ. Mô vú của phụ nữ trẻ có nhiều mô tuyến và dây chằng hơn những người phụ nữ lớn tuổi, mô tuyến vú dày đặc có thể che khuất các dấu hiệu của tổn thương ung thư. Càng lớn tuổi, mô vú càng nhiều mô mỡ và ít mô tuyến, làm cho việc đọc kết quả dễ dàng hơn và dễ dàng phát hiện những thay đổi trên nhũ ảnh hơn.
- Sau khi chụp nhũ ảnh, có thể bạn cần phải làm thêm một số xét nghiệm bổ sung khác. 10 % các trường hợp chụp nhũ ảnh của phụ nữ ở mọi nhóm tuổi đòi hỏi cần phải làm thêm một số khảo sát bổ sung khác, bao gồm: siêu âm, và sinh thiết để lấy một mẫu mô vú làm xét nghiệm. Tuy nhiên, hầu hết những bất thường được phát hiện trên nhũ ảnh không phải là ung thư. Nếu bạn được thông báo là hình chụp nhũ ảnh của bạn có bất thường, hãy đề nghị bác sĩ chẩn đoán hình ảnh so sánh phim hiện tại của bạn với một phim nhũ ảnh đã chụp trước đó.
- Nhũ ảnh tầm soát không thể phát hiện được tất cả các loại ung thư. Một số ung thư được phát hiện bằng khám lâm sàng có thể không thấy được trên nhũ ảnh. Tổn thương ung thư có thể quá nhỏ hoặc nằm ở vùng khó khảo sát bằng nhũ ảnh: ví dụ như vùng nách. Chụp nhũ ảnh có thể bỏ sót 1 trong 5 thương tổn ung thư ở phụ nữ.
- Không phải tất cả các khối u thấy được trên nhũ ảnh đều có thể được chữa khỏi. Một số loại ung thư tiến triển mạnh, lớn nhanh và di căn sớm đến các bộ phận khác của cơ thể.
Cần chuẩn bị gì trước khi chụp nhũ ảnh?
Để chuẩn bị chụp nhũ ảnh:
- Chọn một cơ sở có chứng chỉ chụp nhũ ảnh. Hỏi xem cơ sở này đã có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hay chưa- Food and Drug Administration. Chứng nhận này sẽ đảm bảo rằng cơ sở đó đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản nhất định.
- Nên chọn thời điểm chụp để tuyến vú của bạn ít bị đau nhất. Nếu bạn chưa mãn kinh thì thường là trong tuần lễ sau khi hành kinh. Ngực của bạn dễ bị đau nhất vào tuần lễ trước và trong khi hành kinh.
- Mang theo phim chụp nhũ ảnh lần trước của bạn. Nếu bạn đến một cơ sở mới để chụp nhũ ảnh, hãy đem theo tất cả các phim chụp nhũ ảnh trước đây đến cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để họ so sánh với các hình chụp mới của bạn.
- Không sử dụng chất khử mùi trước khi chụp nhũ ảnh. Tránh sử dụng chất khử mùi, chất ngăn tiết mồ hôi, phấn, sữa, kem hoặc nước hoa dưới cánh tay hay trên ngực. Hạt kim loại trong phấn và chất khử mùi có thể được hiển thị trên hình nhũ ảnh của bạn và gây ra nhầm lẫn khi đọc kết quả.
- Có thể tự dùng thuốc giảm đau nếu bạn cảm thấy chụp nhũ ảnh gây khó chịu. Tự dùng một loại thuốc giảm đau, ví dụ Aspirin, Acetaminophen (Tylenol hoặc những thuốc khác) hoặc Ibuprofen (Advil, Motrin IB, hoặc những thuốc khác), một giờ trước khi chụp nhũ ảnh có thể làm giảm bớt sự khó chịu.
Những gì sẽ diễn ra trong qui trình chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh (Mammography) cho ra hình ảnh tuyến vú (mammograms), là hình đen – trắng của mô vú của bạn.
Trong khi chụp
Tại cơ sở chụp nhũ ảnh, nhân viên y tế sẽ đưa bạn một áo choàng, yêu cầu bạn tháo các trang sức ở cổ và cởi bỏ đồ mặc từ phần eo trở lên. Để thuận tiện thì khi đi bạn nên mặc một bộ áo và quần rời nhau.
Trong khi chụp, bạn đứng trước một máy X quang được thiết kế đặc biệt để chụp nhũ ảnh. Kỹ thuật viên sẽ đặt một bên vú của bạn lên một bệ đỡ, tăng hoặc giảm chiều cao của bệ đỡ để phù hợp với chiều cao của bạn. Kỹ thuật viên sẽ giúp bạn điều chỉnh vị trí của đầu, cánh tay và thân mình để có hình nhũ ảnh rõ nhất.
Kỹ thuật viên sẽ ép vú của bạn giữa bệ đỡ và một tấm nhựa trong suốt, ép từ trên xuống dần dần một cách nhẹ nhàng. Áp lực ép kéo dài vài giây để dàn mỏng mô tuyến vú. Áp lực ép không gây hại nhưng có thể làm bạn thấy khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn. Nếu bạn thấy khó chịu nhiều, hãy nói với các kỹ thuật viên.
Vú của bạn phải được ép như vậy để có độ dày đều và cho phép tia X xuyên qua tuyến vú dễ dàng. Lực ép này còn để giữ cho vú của bạn nằm yên, tránh làm hình bị mờ do bạn cử động trong khi chụp, cũng như giúp giảm tối đa liều bức xạ. Trong lúc phát tia X, bạn sẽ được yêu cầu đứng yên và nín thở.
Sau khi chụp
Sau khi chụp nhũ ảnh của cả hai vú, kĩ thuật viên sẽ yêu cầu bạn chờ họ kiểm tra lại chất lượng hình ảnh. Nếu hình vừa chụp chưa đạt tiêu chuẩn kĩ thuật, bạn có thể phải chụp lại. Toàn bộ quá trình sẽ hoàn thành trong vòng dưới 30 phút. Sau đó, bạn có thể thay quần áo và tiếp tục công việc bình thường.
Ở Mỹ, luật liên bang yêu cầu các cơ sở chụp nhũ ảnh gửi kết quả trong vòng 30 ngày, nhưng thường thì bạn có thể nhận được kết quả sớm hơn. Hãy hỏi kĩ thuật viên xem bạn phải chờ bao lâu.
Kết quả
Chụp nhũ ảnh (Mammography) cho ra hình ảnh tuyến vú (mammograms), là hình đen – trắng của mô vú của bạn. Hầu hết hình ảnh tuyến vú là hình ảnh kỹ thuật số, hiển thị trên màn hình máy tính. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích những hình ảnh này và gửi bản kết quả đến bác sĩ của bạn.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tìm kiếm bằng chứng của tổn thương ung thư hay không phải ung thư (lành tính) mà cần phải làm thêm xét nghiệm khác, hay cần theo dõi hoặc điều trị.
Các dấu hiệu có thể được phát hiện bao gồm:
- Vôi hóa trong ống tuyến vú và các mô khác của vú.
- Khối choán chỗ hoặc khối u.
- Xáo trộn cấu trúc mô tuyến vú.
- Các vùng mô tuyến dày đặc chỉ có ở một bên vú hoặc một vùng đặc biệt trên hình nhũ ảnh.
- Các vùng mô tuyến dày đặc mới xuất hiện so với phim nhũ ảnh trước của bạn.
Vôi hóa có thể là do tế bào tiết ra, hoặc là các mảnh vụn tế bào, hoặc do viêm nhiễm, chấn thương và một số các nguyên nhân khác. Những vôi hoá nhỏ, không đều được gọi là các vi vôi hoá (microcalcifications) có thể gặp trong ung thư. Những vôi hoá lớn hơn, thô có thể do tình trạng lão hóa hoặc bệnh lí lành tính như bướu sợi tuyến, một loại u vú lành tính thường gặp. Phần lớn vôi hóa ở tuyến vú là lành tính, nhưng nếu có xuất hiện vôi hóa đáng lo ngại, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đề nghị chụp thêm hình phóng đại.
Vùng mô tuyến dày đặc là vùng có nhiều mô tuyến hơn mô mỡ, sẽ gây khó khăn để xác định hoặc phân biệt giữa mô tuyến bình thường với vôi hóa và khối choán chỗ bên trong. Vùng mô tuyến dày đặc có thể là vùng tổn thương ung thư. Vùng xáo trộn cấu trúc mô tuyến vú gợi ý rằng ung thư có thể đã xâm lấn vào mô lân cận.
Nếu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ có bất thường trên hình chụp nhũ ảnh của bạn, họ có thể đề nghị chụp thêm các hình bổ sung, bao gồm chụp ép hoặc phóng đại tuyến vú, cũng như làm thêm siêu âm hoặc sinh thiết lấy một mẫu mô vú để xét nghiệm. Một số trường hợp cần chụp cộng hưởng từ (MRI) chẩn đoán nếu hình chụp nhũ ảnh và siêu âm hiện tại không phát hiện tổn thương gì, và không xác định được nguyên nhân gây ra những thay đổi hay bất thường của tuyến vú.
Tài liệu tham khảo
http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/mammogram/basics/definition/prc-20012723