Bạn có bao giờ trải qua cảm giác nóng rát ở phần dạ dày phía trên? Tình trạng đau đi kèm với cảm giác nóng rát xảy ra sau khi bạn ăn quá nhiều và biến mất sau một vài giờ có tên gọi là chứng ợ nóng. Đây không phải là một bệnh nguy hiểm và bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và chữa chứng ợ nóng thông qua những thay đổi đơn giản trong lối sống hằng ngày.
Chứng ợ nóng có nguy hiểm không?
Tình trạng ợ nóng thường xảy ra sau khi bạn đã dùng bữa xong. Quá trình này bắt đầu khi thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược lên thực quản và gây ra những cơn đau rát ở sau vùng xương ức. Thông thường, khi bạn nuốt thức ăn thì cơ vòng thực quản sẽ nới lỏng ra để cho phép thức ăn đi xuống dạ dày rồi co lại nhằm ngăn không cho thức ăn trào ngược lên trên. Khi nhóm cơ này bị tổn thương thì các tình trạng trào ngược axit có thể dễ dàng xảy ra. Dù là một bệnh thường gặp nhưng chứng ợ nóng có thể là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng khác. Ợ nóng kéo dài có thể làm hủy hoại thành ruột.
Cách dễ nhất để kiểm soát tình trạng này là thay đổi những thói quen trong lối sống. Điều này cũng bao hàm việc tránh những yếu tố và tác nhân có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Phòng tránh ợ nóng bằng cách thay đổi lối sống
Ợ nóng là một vấn đề liên quan đến dạ dày, do đó bạn nên thay đổi chế độ ăn uống một cách tự nhiên để ngăn ngừa hiện tượng này xảy ra. Điểm mấu chốt là bạn phải tránh gây áp lực lên ruột và hạn chế các tác nhân có thể gây ợ nóng:
- Không ăn quá nhiều hay quá nhanh. Bạn nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để thức ăn từ từ đi vào dạ dày, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày;
- Không ăn những loại thực phẩm có thể gây trào ngược dạ dày, tiêu biểu như hành tây, bạc hà, sô-cô-la, cà phê, nước ép trái cây, cam, chanh, cà chua hay các loại thực phẩm cay và có nhiều chất béo;
- Ngưng hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu bia. Nicotine có trong thuốc lá có thể gây ảnh hưởng đên thực quản và làm tăng nguy cơ các loại axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản;
- Tránh nằm sấp sau khi ăn. Dạ dày của bạn giống như một chai nước lớn và chỉ cần động đậy là đã có thể khiến những phần bên trong trào ra. Hãy chèn một cái gối phía bên dưới để giữ đầu ở vị trí cao hơn một chút so với phần thân nhằm ngăn chặn hiện tượng trào ngược axit. Nếu việc nâng cao đầu không mang lại hiệu quả thì hãy thử thả lỏng phần thân từ thắt lưng lên trên;
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện tình hình. Thụ động có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và khiến chứng ợ nóng thêm trầm trọng. Bạn có thể tập luyện những môn ít đòi hỏi vận động nhiều như đi bộ, yoga;
- Duy trì cân nặng hợp lý. Tình trạng thừa cân sẽ làm gia tăng cân nặng lẫn áp lực ở vùng dạ dày và sẽ khiến việc tiêu hóa gặp khó khăn. Nếu bạn bị thừa cân thì hãy lập ra một kế hoạch để loại bỏ phần cân nặng dư thừa. Ngoài ra bạn cũng không nên thường xuyên mặc quần áo bó sát để tránh gây áp lực lên dạ dày;
- Uống một ly nước sau mỗi bữa ăn sẽ giúp pha loãng và rửa sạch lượng axit còn lại trong thực quản;
- Tránh hút thuốc và uống rượu bia. Nếu bạn bị ợ nóng thì bạn nên tránh những thói quen này trước, trong và sau khi dùng bữa. Việc hút thuốc và sử dụng rượu bia có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới vốn có vai trò giữ thức ăn ở lại trong dạ dày và ngăn hiện tượng trào ngược xảy ra;
- Nhai kẹo cao su đôi khi có thể giúp bạn tiêu hóa tốt hơn. Việc nhai các loại keo không chứa bạc hà cay có thể giúp kích thích cơ thể tiết ra nước bọt và làm tăng chuyển động của thức ăn bên trong dạ dày để chuyển xuống ruột non. Nước bọt của bạn được cấu thành từ bicarbonat – một chất có thể giúp trung hòa lượng axit dư thừa.
Dù cho phần lớn các trường hợp ợ nóng không gây nguy hiểm tính mạng nhưng những ca nghiêm trọng lại có thể gây trở ngại cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng ợ nóng không hết dù đã uống thuốc. Bác sĩ có thể chẩn đoán chuẩn xác tình trạng ợ nóng và cung cấp cho bạn phương pháp chữa trị tốt nhất.
Bạn có thể quan tâm đến một số bài viết sau:
- 8 Cách chữa đau dạ dày cấp tốc không cần thuốc
- 9 loại thực phẩm cần tránh nếu bạn bị bệnh viêm ruột
- Chi tiết về 3 nhóm thuốc trị đau dạ dày phổ biến