Mày đay

(4.46) - 87 đánh giá

Mày đay (hay còn gọi là mề đay) là tình trạng da nổi những mảng hồng ban màu đỏ, ngứa do sự sưng phồng bề mặt nông của da. Vị trí nổi có thể khu trú hoặc lan tỏa. Còn phù mạch thì lại xảy ra ở phần mô tế bào sâu hơn bên dưới: lớp bì dưới và hạ bì, làm cho mô tế bào sưng phồng lên.

Biểu hiện của mày đay

Sang thương điển hình của mày đay là những sẩn hoặc mảng hồng ban phù nề, ngứa trên bề mặt da, giới hạn tương đối rõ bởi viền đỏ. Kích thước sang thương thay đổi theo hình dạng và kích cỡ và có thể kèm theo tình trạng sưng nề ở những vị trí mô mềm như: mí mắt, môi và lưỡi (phù mạch).

Biểu hiện tổn thương thường thoáng qua, có thể tự biến mất sau vài phút đến vài giờ. Tuy vậy cũng nên dự đoán sự biến mất của nó trong bao lâu để có hướng xử trí thích hợp. Nếu không chắc về thời gian tồn tại của mỗi sang thương, có thể vẽ một đường ranh giới ở một sang thương và theo dõi sự biến đổi của nó đến ngày hôm sau. Nên biết rằng các sẩn ngứa đơn lẻ cũng có thể hợp lại để tạo thành mảng sang thương lớn hơn.

Theo mức độ diễn tiến, mày đay có thể chia làm 2 nhóm:

  • Mày đay cấp tính: các biểu hiện tổn thương da xuất hiện nhanh và cũng biến mất nhanh chóng trong vòng 48 giờ.
  • Mày đay mạn tính: sẩn/ mảng hồng ban tồn tại lâu hơn 6 tuần.

Dịch tễ của mày đay

Xấp xỉ 15% dân số từng bị nổi mày đay ít nhất một lần trong đời. Mày đay cấp tính thường phổ biến hơn là mày đay mạn tính. Ước tính tần suất của mày đay cấp tính là 1 trên 6 người so với mạn tính là 1 trên 1.000 người. Tần suất mắc bệnh mày đay mạn tính ước tính khoảng 1-5 người trên dân số 1.000 người. Mày đay cấp tính thường gặp phổ biến ở trẻ em và phụ nữ độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Bệnh này thường đi kèm theo với những người có cơ địa dị ứng.

Nguyên nhân gây mày đay

Sự xuất hiện của mảng hồng ban nổi trên bề mặt da được cho là do sự tăng tính nhạy cảm của tương bào (tế bào mast) gây phóng thích histamine và các chất trung gian khác. Các hóa chất trung gian này gây ra tăng tính thấm thành mạch và làm sưng nề mô da, và tình trạng dãn mạch làm da trở nên đỏ. Nguyên nhân gây nên phản ứng dị ứng này thường do một yếu tố kích gợi nào đó như thức ăn hoặc thuốc, nhưng cũng có trường hợp không tìm ra nguyên nhân, nhất là ở mày đay mạn tính. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra do phản ứng tự miễn, như trong trường hợp một số bệnh lý như lupus, viêm khớp dạng thấp, cường giáp/ suy giáp,…

Phân loại mày đay

Có nhiều cách phân loại khác nhau tuy nhiên phân loại phổ biến nhất là dựa trên thời gian biểu hiện của bệnh với mốc thời gian là 6 tuần.

Mày đay cấp tính: diễn tiến bệnh ngắn hơn 6 tuần.

Mày đay cấp tính thường là có nguyên nhân gây bệnh trong một nửa số trường hợp. Các tác nhân kích gợi bệnh có thể gồm:

  • Tác nhân gây dị ứng: thức ăn, côn trùng cắn, thuốc.
  • Nhiễm virus (siêu vi).
  • Tiếp xúc với hóa chất, chất kích thích, latex (găng tay cao su),…
  • Kích thích vật lý: gãi hoặc chà xát, tì đè, tiếp xúc vật lạnh hoặc nóng.

Mày đay mạn tính: diễn tiến bệnh kéo dài hơn 6 tuần.

Có thể được phân loại thành những nhóm nhỏ hơn gồm:

  • Mày đay mạn tính tự phát. Trước đây còn được gọi là mày đay vô căn, nhưng về sau người ta thấy nó thường liên quan tới một số yếu tố kích gợi như thuốc, căng thẳng và nhiễm trùng.
  • Mày đay do bệnh lý tự miễn (theo hướng dẫn của Châu Âu thì vẫn xếp vào nhóm mày đay mạn tính tự phát). Bệnh này thường chiếm một nửa số trường hợp mày đay mạn tính ở người trưởng thành và trẻ lớn. Liên quan với một số bệnh lý tự miễn khác.
  • Mày đay mạn tính cảm ứng. Do các yếu tố gây khởi phát cụ thể:
    • Tiếp xúc với nước lạnh hoặc nóng (aquagenic)
    • Do vận động mạnh hoặc cảm xúc mạnh (cholinergic)
    • Do tiếp xúc với vật lạnh hoặc nóng
    • Do cào gãi, chấn thương
    • Do áp lực (xuất hiện muộn)
    • Do rung lặp lại nhiều lần
    • Do tiếp xúc ánh nắng

Theo hướng dẫn của Anh, các bác sĩ phân biệt mày đay mạn tính và phù mạch; và tách riêng phù mạch không có nổi mày đay là nhóm viêm mạch mày đay riêng. Viêm mạch mày đay là tình trạng viêm mạch máu của da với biểu hiện tổn thương viêm các mạch máu nhỏ hơn là phù nề. Thường xảy ra do nhiễm khuẩn (viêm gan siêu vi B/C, liên cầu khuẩn), thuốc điều trị (penicillin, fluoxetine, thiazides, allopurinol, quinolone hoặc carbamazepine), bệnh tự miễn, đa u tủy và bênh ung thư.

Phân biệt với một số bệnh khác

  • Hồng ban đa dạng (Erythema multiforme)
  • Viêm da dạng herpes (Dermatitis herpetiformis)
  • Pemphigoid
  • Viêm quầng (Erysipelas)
  • Mày đay sắc tố (Urticaria pigmentosa)
  • Ngứa mạn tính (Chronic pruritus)
  • Phát ban đa dạng ở phụ nữ có thai (Polymorphic eruption of pregnancy)
  • Viêm mạch mày đay (Urticarial vasculitis, đề cập ở trên)

Chẩn đoán

Chẩn đoán thường chủ yếu dựa vào lâm sàng và bệnh sử – nhất là ở mày đay cấp tính – và không cần làm thêm xét nghiệm gì. Đặc biệt là những trường hợp biểu hiện rõ và sang thương chỉ tồn tại vài giờ. Một bệnh sử chi tiết có thể phát hiện ra một số yếu tố kích gợi.

Đối với mề đay mạn tính hoặc tái phát nhiều lần cần phải làm thêm xét nghiệm để đánh giá kĩ hơn tùy theo bệnh sử khai thác trước đó.

Các xét nghiệm bao gồm:

  • Công thức máu.
  • Đo tốc độ lắng máu (ESR) hoặc CRP.
  • Test vật lý: test kích thích lạnh (đặt cục nước đá), test kích thích nóng (áp nước ấm), test áp lực, test ánh sáng tia cực tím (UV), test kích thích bằng vận động mạnh hay tắm bồn nước ấm đối với mày đay thần kinh (cholinergic urticaria).
  • Test dấu vẽ nổi.
  • Test áp da hoặc test lẩy da đối với mày đay tiếp xúc.
  • Test huyết thanh tìm kháng thể IgE với một số tác nhân dị ứng cụ thể.
  • Xét nghiệm tự kháng thể kháng tuyến giáp nếu nghi ngờ cơ chế tự miễn.
  • Loại trừ một số thuốc hoặc thực phẩm nếu nghi ngờ.
  • Xét nghiệm một số bệnh lý nhiễm khuẩn/ ký sinh trùng.
  • Sinh thiết da (mày đay viêm mạch).

Điều trị

Nếu xác định được nguyên nhân thì các bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân. Đối với các tác nhân kích thích không đặc hiệu thì nên tránh, như tránh nóng, stress, rượu, caffeine và thuốc có thể gây dị ứng (như thuốc kháng viêm họ NSAID, thuốc ức chế men chuyển). Thuốc thoa giảm ngứa như calamine lotion hoặc menthol 1% cream có thể cải thiện triệu chứng.

Thuốc kháng histamine H1 không an thần là lựa chọn để điều trị duy trì. Một số thuốc này gồm cetirizine, loratadine và fexofenadine. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh hiệu quả giữa các thuốc kháng histamine với nhau nhưng cho đến nay vẫn chưa có thuốc nào chứng tỏ hiệu quả ưu việt hơn so với các loại khác trong mày đay mạn tính nguyên phát. Một khi triệu chứng đã được kiểm soát, thuốc kháng histamine nên được tiếp tục dùng thêm trong 3-6 tháng nữa.

Khi khởi đầu liều chuẩn thuốc kháng H1 mà chưa hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị nâng liều lên gấp 4 lần so với trước đây hoặc kết hợp với một loại thuốc kháng histamine khác. Việc sử dụng thuốc kháng H1 có tính an thần như chlorpheniramine có thể có ích nếu tình trạng ngứa ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên tránh dùng hydroxyzine nếu bệnh nhân có QT dài hoặc nguy cơ QT dài trên điện tâm đồ (ECG).

Thuốc kháng histamine nên được tránh sử dụng tối đa trên những phụ nữ mang thai vì chưa có nghiên cứu hệ thống nào về sự an toàn của các thuốc kháng histamine trong thai kỳ. Chlorpheniramine thường sử dụng trong tình huống này do tính chất lịch sử của nó. Hãy thảo luận với các bác sĩ về lợi ích làm giảm triệu chứng và nguy cơ có thể gặp phải khi dùng thuốc. Loratadine hoặc cetirizine hay được dùng ở phụ nữ cho con bú.

Khi mày đay cấp, nặng có thể dùng corticoid uống ngắn hạn – ví dụ prednisolone 40mg mỗi ngày trong 7 ngày.

Lựa chọn thứ 2 cho bệnh mày đay mạn tính trơ/không đáp ứng với điều trị ban đầu bao gồm:

  • Thuốc kháng leukotriene: Montelukast. Có thể giúp ích trong một số trường hợp, tuy nhiên nó có ít bằng chứng về hiệu quả khi sử dụng đơn độc.
  • Thuốc kháng kháng thể IgE: Omalizumab. Hiệu quả trên 80% nhưng cần tiêm hàng tháng và bệnh thường trở lại khi ngừng điều trị.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin. Có thể được dùng trong mày đay mạn tính không đáp ứng với điều trị.

Khi nào nên đi khám chuyên khoa

  • Khi triệu chứng không kiểm soát tốt được.
  • Nếu phải dùng thuốc kháng histamine liên tục để kiểm soát bệnh trên 6 tuần.
  • Nếu mày đay gây đau và dai dẳng, gợi ý mày đay viêm mạch và nên chuyển khám chuyên khoa để sinh thiết chẩn đoán.
  • Nhập cấp cứu nếu mày đay cấp khởi phát nhanh chóng kèm phù mạch hay sốc phản vệ.

Tiên lượng

Hầu hết các trường hợp mày đay tự khỏi sau 6 tháng nhưng một số ít có thể kéo dài nhiều năm. Một số có thể hết và tái phát trở lại. Hơn 50% các trường hợp mày đay mạn tính cải thiện trong vòng 3-5 năm. Ít nhất 20% mày đay mạn tính cần chăm sóc và điều trị triệu chứng trong 10 năm sau khi khởi phát bệnh lần đầu tiên. Các yếu tố liên quan đến việc kéo dài tình trạng bệnh bao gồm biểu hiện nặng, liên quan với phù mạch và có kháng thể kháng tuyến giáp dương tính.

Các biến chứng của mày đay mạn tính bao gồm mất ngủ, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra liên quan với mày đay cấp.

Tài liệu tham khảo

  • Urticaria, Dr Mary Harding, 30 Dec 2016.
  • https://patient.info/doctor/urticaria-pro.
  • Biên dịch - Hiệu đính

    BS. Phạm Anh Khoa - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Herpes Simplex sinh dục

    (65)
    Nguyên nhân gây bệnh Herpes simplex sinh dục (hay mụn rộp sinh dục) là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do virus herpes simplex (HSV) gây ra. HSV được chia làm 2 ... [xem thêm]

    Viêm da cơ địa có gì mới?

    (63)
    Tác giả: Dr. Huynh Wynn Tran, Assistant Professor of Medicine Los Angeles, Hoa Kỳ Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis hay gọi tắt là AD) là loại bệnh mãn tính thường gặp ở ... [xem thêm]

    Những ngộ nhận về corticosteroid trong viêm da dị ứng

    (18)
    Ngộ nhận 1: Không nên dùng corticosteroid dạng bôi tại chỗ ở vùng da nứt nẻ, có vết thương hở hoặc da viêm chảy nước Corticosteroid dạng bôi tại chỗ có ... [xem thêm]

    Mày đay

    (87)
    Mày đay (hay còn gọi là mề đay) là tình trạng da nổi những mảng hồng ban màu đỏ, ngứa do sự sưng phồng bề mặt nông của da. Vị trí nổi có thể khu trú ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN