Nếu bạn hiện là phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, đừng bỏ qua bài viết này nhé bởi vì Hello Bacsi sẽ tiết lộ cho bạn cách để giữ vệ sinh răng miệng trong suốt khoảng thời gian này – và đừng lơ là vì điều này cực kỳ quan trọng.
Trong khoảng thời gian 9 tháng này, tình trạng mang thai sẽ gây nên những sự thay đổi hormone ở cơ thể người mẹ, từ đó làm tăng nguy cơ gây bệnh nướu răng. Không chỉ như thế, nó còn ảnh hưởng đến việc phát triển sức khỏe của thai nhi. Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp bạn duy trì sức khỏe răng miệng luôn khỏe mạnh trước, trong và sau thời kỳ mang thai.
Trước khi mang thai
Hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ nha khoa để khám răng miệng tổng quát trước khi bạn dự định mang thai nhé. Bằng cách này, răng sẽ được làm sạch kỹ lưỡng và bác sĩ cũng sẽ giúp bạn kiểm tra các mô nướu. Đồng thời, nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe răng miệng nào, bác sĩ cũng có thể giúp bạn điều trị kịp thời trước khi mang thai.
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng trong suốt thời kỳ mang thai
Hãy nói cho nha sĩ biết nếu bạn đang mang thai để nha sĩ dễ dàng kiểm tra sức khỏe răng miệng cho bạn. Việc chăm sóc răng miệng định kỳ nên được thực hiện và duy trì trong suốt quá trình mang thai. Bạn cũng có thể cần thực hiện tiểu phẫu nếu gặp phải bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào. Tuy nhiên, tất cả những cuộc tiểu phẫu không cấp thiết nên được hoãn lại cho đến sau khi sinh em bé. Trước khi bạn đến gặp nha sĩ, hãy thông báo trước cho bác sĩ sản khoa nếu cô ấy cần nhắc nhở bạn bất kỳ lưu ý đặc biệt nào.
Hãy nói cho nha sĩ biết tất cả nhãn tên cũng như liều lượng của những loại thuốc mà bạn đang sử dụng – bao gồm cả vitamin dưỡng thai mà bác sĩ sản khoa đã kê đơn – cùng bất kỳ lưu ý thuốc đặc thù nào mà bác sĩ đã nói.
Không nên bỏ qua bất kỳ buổi khám tổng quát nha khoa định kỳ nào nếu chỉ vì bạn cho rằng đây là điều không cần thiết trong quá trình mang thai. Đây chính là thời điểm cực kỳ đặc biệt, vì thế những buổi khám nướu, răng đều rất quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong suốt thời kỳ mang thai, việc nuôi dưỡng thai nhi sẽ gây ra những thay đổi về nội tiết tố làm tăng nguy cơ gây bệnh nướu răng cũng như khiến nướu răng dễ bị chảy máu (tình trạng này gọi là viêm nướu khi mang thai). Do đó, bạn cần đặc biệt chú ý nếu cảm thấy nướu có bất kỳ dấu hiệu lạ nào trong suốt thai kỳ. Nếu bạn đột ngột cảm thấy nướu đau nhói, bị chảy máu hoặc sưng tấy trong khi mang thai (và không rõ nguyên nhân), hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.
Duy trì thói quen chải răng sau mỗi bữa ăn và dùng chỉ nha khoa thường xuyên để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ gây các vấn đề về răng miệng.
Nếu tình trạng ốm nghén làm bạn buồn nôn và không thể đánh răng, hãy thử chuyển sang dùng kem đánh răng có mùi dịu nhẹ hơn trong suốt thời gian mang thai. Bạn có thể hỏi nha sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe răng miệng để chọn những sản phẩm phù hợp.
Súc miệng với nước hoặc nước súc miệng để làm sạch khoang miệng nếu bạn đang bị ốm nghén và nôn mửa thường xuyên.
Lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh. Những chiếc răng đầu đời của bé sẽ bắt đầu phát triển trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế, việc có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các thực phẩm làm từ bơ sữa, phô mai, sữa chua chính là cách tốt nhất để cung cấp các khoáng chất cùng vitamin thiết yếu cho sự phát triển răng, xương, nướu của thai nhi.
Sau khi sinh
Nếu bạn trải qua bất kỳ vấn đề về nướu hoặc răng trong suốt thời kỳ mang thai, hãy đến gặp bác sĩ ngay sau khi sinh để được thăm khám, chăm sóc và điều trị kịp thời. Theo thời gian, sức khỏe răng miệng của bạn sẽ dần hồi phục lại.
Hy vọng qua bài viết này, các mẹ sẽ biết cách chăm sóc răng miệng cho mình thật tốt nhé.