Bạn nên kiểm tra thị lực của con từ sớm để có thể phát hiện tình trạng bất thường và tìm cách cải thiện. Với 11 cách của Chúng tôi, bạn có thể kiểm tra thị lực của con.
Thị giác bình thường là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Bởi một thị giác tốt sẽ giúp trẻ dễ dàng khám phá thế giới và thực hiện những bước đi đầu tiên của mình. Tuy nhiên, nếu bé có các dị tật về tầm nhìn thì cần phải được can thiệp sớm, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển.
1. Tương tác khi cho bé bú
Ngay sau khi chào đời, thiên thần nhỏ vẫn chưa nhìn rõ mọi thứ được. Ở ngày đầu tiên, bé nhìn mọi thứ đều thấy rất mờ. Tuy nhiên, bé vẫn có thể tập trung nhìn các đồ vật ở khoảng cách 30 cm. Do đó, khi bạn cho bé bú, bé có thể nhìn thấy bạn rất rõ nét. Bé còn nhìn thấy được những vật có màu sắc, đặc biệt là những vật có màu sáng. Chính vì vậy, nếu bé đáp lại khi bạn cười hoặc cử động tay thì bạn có thể yên tâm là thị giác của bé bình thường.
2. Bắt chước biểu cảm gương mặt
Dành thời gian để ở bên cạnh bé, thử nhìn vào mắt bé và tạo ra các biểu cảm gương mặt khác nhau. Nếu bé được 6 tuần tuổi thì bé sẽ phản ứng với các biểu cảm hoặc cố gắng bắt chước các biểu cảm của bạn. Nếu điều này đúng thì thị giác của bé hoàn toàn bình thường.
3. Đồ chơi có màu sắc tương phản
Trẻ sơ sinh dễ bị thu hút bởi các màu sắc tương phản. Bạn hãy đặt những món đồ chơi có màu sắc khác nhau trên một đường thẳng. Thay đổi vị trí của các món đồ chơi để xem tầm nhìn của bé có thay đổi hay không.
4. Quan sát xem bé có bị lé hay không?
Quan sát xem mắt bé có bị lé hay không. Nếu bạn thấy khi bé nhìn đồ vật, một mắt nhìn thẳng còn một mắt bị lệch thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ để khám.
5. Mắt bé có tập trung vào đồ vật khi nhìn không?
Khi được 6 tháng tuổi, bé có thể tập trung nhìn vào đồ vật. Nếu bạn thấy rằng ánh nhìn của bé không tập trung vào một điểm nhất định mà cứ đảo qua đảo lại khắp nơi thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Có thể bé đang gặp vấn đề về việc tập trung.
6. Màu sắc tươi sáng
Trẻ sơ sinh luôn bị thu hút bởi những màu sắc tươi sáng, điều này bắt đầu từ lúc bé mới chào đời dù lúc đấy bé chỉ nhìn được những vật ở khoảng cách gần. Đặt một vài món đồ chơi sáng ở gần nôi hoặc trong tầm nhìn của bé, bé sẽ nhìn chăm chú vào món đồ chơi. Bạn thay đổi vị trí và quan sát xem ánh nhìn của bé có thay đổi không nhé.
7. Các hoạt động phù hợp với độ tuổi
Khi bé lớn lên, phạm vi hoạt động của bé cũng tăng lên. Hãy để bé tham gia một số hoạt động phù hợp với lứa tuổi như nhặt quả bóng, khối xây dựng… Nếu bé chọn màu sắc đúng với yêu cầu của bạn thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tầm nhìn của bé.
8. Kiểm tra chiều sâu của tầm nhìn
Một vài món đồ chơi xây dựng nếu muốn chọn được món cùng loại thì cần phải biết về kích thước và chiều sâu của các khối. Nếu bé không chọn đúng sau nhiều lần thử thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
9. Cầm nắm đồ vật
Đặt các đồ vật đầy màu sắc lên giường và để bé cố gắng cầm nắm chúng. Nếu bé cầm được một món nào đó, hãy thử đổi món khác để xem bé có đòi lại món đồ chơi đó hay không. Nếu có thì bạn có thể yên tâm rằng thị giác của bé hoàn toàn bình thường.
10. Tắt mở đèn
Tắt và mở ánh sáng trong nhà và quan sát xem mắt bé có nhấp nháy khi ánh sáng xuất hiện hay không. Nếu không, hãy đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra mắt.
11. Cho bé chơi ném bóng
Khi bé được khoảng 1 tuổi, bé đã có thể ước lượng được khoảng cách. Đưa quả bóng cho bé và tạo cử động tay để bé ném quả bóng. Nếu bé không ném hoặc những cú ném của bé đều đi lệch hướng thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Kiểm tra mắt định kỳ là điều bắt buộc đối với trẻ sơ sinh để xác định xem bé có gặp phải vấn đề nào liên quan đến thị giác trong quá trình phát triển hay không. Phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.