Vào ngày Tết, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng gia tiên. Để có những chiếc bánh chưng thơm ngon, vẹn tròn trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài sự kiên nhẫn và khéo léo, bạn cần phải nắm được một số bí quyết trong cách làm bánh chưng.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình lại hối hả mua lá dong, gạo nếp… về gói bánh chưng. Tuy tốn nhiều công sức nhưng bù lại, cả nhà có dịp quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và hiểu thêm về truyền thống dân tộc, truyền thống cha ông. Sắp đến tết rồi, nhà bạn đã chuẩn bị gói bánh chưng chưa? Dưới đây là một số bí quyết về cách nấu bánh chưng thơm ngon, vẹn tròn mà Hello Bacsi đã sưu tầm, hy vọng sẽ giúp bạn và gia đình bạn có những chiếc bánh chưng xanh ngon để cho ngày Tết thêm ấm cúng.
Bạn có thể quan tâm: Nuôi dạy con: Giúp trẻ hiểu thêm về Tết truyền thống.
Cách làm bánh chưng ngon và xanh tự nhiên
1. Nguyên liệu làm bánh chưng
- Nếp
- Đậu xanh
- Thịt ba rọi hoặc thịt heo nửa nạc nửa mỡ
- Lá dong
- Hạt tiêu hoặc thảo quả
- Lạt buộc
- Gia vị: muối, đường, hạt nêm, nước mắm…
2. Sơ chế nguyên liệu trong cách làm bánh chưng
- Lá dong: Bạn nên chọn những loại lá không quá to cũng không quá nhỏ, không non quá mà cũng đừng già quá. Lá dong phải có màu xanh đậm, bóng và cuống nhỏ. Khi đã chọn được lá dong ưng ý, đem rửa sạch, phơi chỗ thoáng gió. Bạn không cần phải phơi quá khô mà chỉ cần ráo nước là được. Sau đó, cắt phần sống lá (cắt sống lá xong đừng bỏ đi mà để lót vào nồi khi luộc bánh), khi cắt, bạn đừng cắt quá sâu sẽ ảnh hưởng đến thịt lá, làm rách lá.
- Gạo nếp: Nếp dùng để làm bánh chưng phải là loại nếp mùa hoặc nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau. Sau khi mua về, bạn ngâm khoảng 2 tiếng trong nước lạnh, sau đó vo qua, để ráo nước, rắc 1 – 2 muỗng muối vào và dùng tay trộn đều để hương vị thêm đậm đà. Nếu muốn gạo nếp được xanh và thơm hơn, bạn có thể ngâm nếp với nước lá dứa xay nhuyễn.
- Đậu xanh: Bạn có thể mua đậu xanh đã tách vỏ hoặc chưa tách vỏ. Nếu mua đậu xanh đã tách vỏ thì bạn chỉ cần ngâm, còn với loại đậu chưa tách vỏ thì sau khi ngâm xong, bạn cần đãi sạch vỏ, sau đó cho vào nồi hấp chín. Khi đậu chín, dùng thìa tán cho thật nhuyễn, đem trộn đều với một chút hạt tiêu. Sau đó, nắm đậu thành các nắm tròn bằng nhau.
- Thịt: Thịt thái miếng to, đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu hoặc thảo quả xay để thêm hương nồng nàn, sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ.
3. Cách gói bánh chưng
Sau khi sơ chế nguyên liệu xong là đến khâu gói bánh. Bạn có thể gói bằng tay, tuy nhiên để bánh vuông và đẹp hơn, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc khuôn hình vuông.
Cách làm bánh chưng bằng tay- Đầu tiên, bạn sẽ tiến hành xếp 4 lá dong. Xếp 4 lá vuông góc với nhau, 2 lá dưới úp mặt phải xuống để khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn, 2 lá trên ngửa mặt phải lên để khi bọc bánh, bánh không bị dính.
- Bạn cho khoảng 1 bát gạo vào giữa lá dong. Sau đó, đặt một nửa nắm đậu xanh lên, nhấn nhẹ để phần đậu xanh trũng xuống, đặt một miếng thịt vào giữa rồi úp nửa còn lại (cũng được ấn nhẹ cho trũng xuống) lên miếng thịt và dùng tay san đều sao cho nếp phủ kín nhân. Cuối cùng, bạn rải nếp lên phủ lại.
- Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên phải và trái vào, sau đó gấp phần đầu và dưới lên. Cuối cùng, bạn dùng lạt buộc lại, buộc hai chiếc lạt đầu tiên song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra, hai lạt sau vuông góc với hai lạt trước. Tuy nhiên, đừng buộc quá chặt vì trong quá trình nấu, bánh sẽ còn nở ra.
- Xếp lá thành hình khuôn: Lấy 2 lá dong để dọc đè lên nhau, úp mặt phải xuống, tiếp theo đặt một lá dong nằm ngang đè lên, ngửa mặt phải lên, sau đó đặt thêm một lá dong nằm dọc cũng ngửa mặt phải lên. Úp ngược khuôn vào chính giữa và gói khuôn lại. Sau đó, bạn lồng khuôn trong vào khuôn ngoài, mở lá và nhấc khuôn trong ra.
- Làm nhân bánh: Đầu tiên bạn đổ một bát gạo nếp vào trước, dàn đều ra khắp khuôn, bằng phẳng. Sau đó, cho một nắm đậu xanh lên, dàn đều, tiếp theo là đặt một miếng thịt nằm giữa, rồi thêm một lớp đậu xanh. Cuối cùng, đổ tiếp một bát gạo nếp lên trên cùng rồi gói các lá thừa lại kín đều. Bạn dùng tay nhấn phần lá thừa xuống, tay kia nhấc nhẹ nhàng khuôn bánh ra.
- Buộc bánh: Buộc hai chiếc lạt đầu tiên song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra, hai lạt sau vuông góc với hai lạt trước.
4. Cách làm bánh chưng: Luộc bánh
Luộc bánh chưng là khâu quan trọng nhất. Thông thường, thời gian luộc bánh là khoảng 8 – 12 giờ. Bạn có thể dùng nồi áp suất để rút ngắn thời gian, tuy nhiên thường thì luộc bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn.
- Trước khi xếp bánh vào luộc, bạn nhớ xếp vào dưới đáy nồi lạt hoặc các sống lá dong để bánh chưng không bị cháy ở dưới đáy nồi và làm nước luộc xanh hơn.
- Đặt bánh vào nồi và đổ nước ngập bánh. Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm một nồi nước sôi để khi nước trong nồi luộc cạn thì châm thêm nước kịp thời. Đừng châm thêm nước lạnh cho nồi bánh chưng vì như vậy sẽ làm bánh nửa chín nửa sống.
- Sau khi bánh chín, bạn vớt bánh ra, xếp thành nhiều lớp và dùng một vật nặng để ép cho ra hết nước. Khi bánh nguội hoàn toàn, bạn có thể cắt bánh và thưởng thức.
Bí quyết ăn bánh chưng tốt cho sức khỏe
Bánh chưng là món ăn giàu năng lượng, nhiều chất bột đường, chất béo và chất đạm. Sau khi nắm được cách làm bánh chưng ngon, bạn nên lưu ý một số điều sau khi ăn:
1. Ăn bánh chưng kèm với rau xanh
Bánh chưng chứa nhiều chất đạm từ đậu xanh, chất béo từ thịt mỡ và chất bột đường từ gạo nếp nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Do đó, để đảm bảo dinh dưỡng, bạn nên ăn kèm với rau xanh hoặc các loại dưa muối, dưa hành. Điều này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán hơn. Ngoài ra, sau khi ăn xong, bạn nên ăn nhiều trái cây để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
2. Hạn chế ăn bánh chưng rán
Ngoài bánh chưng luộc, nhiều người còn có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị hấp dẫn và thơm ngon. Tuy nhiên, bánh chưng khi rán lên sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Nếu ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.
3. Chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa
Do bánh chưng chứa nhiều năng lượng, bạn chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể còn nhiều hoạt động khác giúp tiêu hao năng lượng. Nếu ăn vào bữa tối sẽ khiến bụng bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…
4. Không ăn bánh chưng mốc
Với bánh chưng mốc, nhiều người có thói quen tiếc của nên gọt bỏ phần mốc, rán lên, bánh vẫn giữ được mùi thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên tránh làm như vậy bởi tất cả các thực phẩm bị mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc tố này nếu tích tụ trong thời gian dài có thể gây ra những bất lợi cho cơ thể.
Sau cách làm bánh chưng, cùng tìm hiểu cách bảo quản
Trong những ngày Tết, nhiều gia đình có thói quen gói bánh với số lượng nhiều để ăn dài ngày. Do đó, bạn cũng cần biết cách bảo quản bánh chưng làm sao để dùng được lâu mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon của loại bánh truyền thống này.
- Bạn nên để bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp hoặc bạn cũng có thể bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh.
- Ăn đến đâu thì bạn dùng dao cắt nguyên cả vỏ bánh đến đó, phần còn lại thì dùng màng bọc thực phẩm bọc lại. Điều này sẽ giúp phần bánh bị hở ra khi cắt không bị cứng và bánh không bị lẫn mùi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.
- Nếu bạn để tủ lạnh trong thời gian dài, phần nếp có thể bị cứng, co lại, bạn chỉ cần hâm trong lò vi sóng hoặc hấp cách thủy thì bánh sẽ mềm lại như mới.