Ngực bạn sẽ có những thay đổi rất kì diệu mà bạn không hề hay biết khi mang thai. Vì bầu ngực cần phải phát triển, sản xuất sữa để chuẩn bị cho việc nuôi con sau này, nên kích cỡ sẽ to lên gấp đôi, và vô cùng nặng nề do chứa nhiều chất lỏng. Các mô ngực cũng sẽ luôn trong trạng thái căng đầy và bạn sẽ cảm thấy có những cục u sần sần cứ lềnh bềnh trong ngực.
Chính vì những thay đổi này khiến cho việc chẩn đoán ung thư vú trở nên rất khó khăn. Các thai phụ thường lo lắng rằng các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, vì vậy họ thường hạn chế việc chẩn đoán dù biết mình có thể đã mắc bệnh.
Rất nhiều các nghiên cứu nhỏ cho thấy ung thư vú thường được phát hiện nhiều nhất là khi phụ nữ mang thai; các phương pháp xác định như chụp nhũ ảnh, siêu âm, phương pháp trực quan khác đều rất an toàn và cho ra kết quả đáng tin cậy.
Dấu hiệu mắc ung thư vú ở thai phụ
Hầu hết các thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh được chẩn đoán mắc ung thư vú đều không hề thấy đau đớn hay cảm nhận được khối u nào. Tuy nhiên, hầu hết các khối u được phát hiện thường không phải u ác tính. Vì vậy bạn cần nhớ là không phải cứ cảm thấy ngực có khối u trong khi mang thai thì có nghĩa là đã mắc ung thư vú. Nhưng bạn cũng cần cẩn trọng và phải đi khám bác sĩ, thực hiện các cuộc kiểm tra để chắc chắn xem có bị ung thư hay không.
ĐỪNG CHỜ ĐẾN KHI SINH CON HOẶC CHO CON BÚ XONG RỒI MỚI ĐI KIỂM TRA KHỐI U, LÚC ĐÓ ĐÃ MUỘN RỒI.
Vậy thì bạn cần thực hiện những kiểm tra gì để an toàn cho cả mẹ và con?
Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh thường được chỉ định cho những thai phụ có dấu hiệu hoặc triệu chứng tiềm tàng của ung thư vú. Theo Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ, việc chụp nhũ ảnh tương đối an toàn cho thai phụ. Chỉ có một lượng tia bức xạ rất nhỏ được dùng trong chụp nhũ ảnh và đa số các tia này không hề ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể bạn. Để chắc chắn hơn, bạn nên yêu cầu bác sĩ đặt tấm chì lên bụng, như vậy sẽ không có bất kỳ tia bức xạ nào đi qua bụng bạn cả.
Phương pháp chụp nhũ ảnh thông thường dành cho phụ nữ không có triệu chứng không được áp dụng cho phụ nữ đang mang thai.
Siêu âm
Siêu âm thường được xem là một công cụ an toàn để kiểm tra rõ những gì đang diễn ra bên trong bầu ngực thai phụ. Nó thường được áp dụng trước khi dùng đến phương pháp chụp nhũ ảnh để đánh giá những khối u mà bạn có thể cảm nhận được.
Đối với cả phụ nữ mang thai và không mang thai, việc siêu âm có thể phát hiện chính xác khối u đó có phải chỉ là u nang chứa các dung dịch lỏng không, hay chính là khối u đặc cứng chứa tế bào ung thư.
Chụp MRI
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, mức độ an toàn của phương pháp chụp MRI vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu nhỏ liên quan đến việc chụp MRI trong khi mang thai đều cho thấy MRI an toàn với thai phụ. MRI sẽ được chỉ định thực hiện nếu các khối u này trông có vẻ giống ung thư trong nhũ ảnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ xem phương pháp chụp MRI có ảnh hưởng đến mẹ con bạn không.
Xét nghiệm sinh thiết
Để chẩn đoán ung thư chắc chắn ở cả phụ nữ mang thai và không mang thai, bác sĩ buộc phải thực hiện thủ thuật lấy ra một mô nhỏ từ khối u để xét nghiệm. Quá trình này được gọi là xét nghiệm sinh thiết. Các mô này có thể được lấy ra bằng một chiếc kim nhỏ (phương pháp sinh thiết lõi) hoặc bằng cách phẫu thuật lấy ra toàn bộ khối u (phương pháp sinh thiết cắt bỏ).
Khi làm xét nghiệm sinh thiết trong khi mang thai, bạn có thể không cần phải nhập viên. Bác sĩ dùng thuốc gây tê khu vực cần sinh thiết. Vì vậy, nguy cơ cho thai nhi là rất nhỏ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể phải gây mê toàn thân, điều này có thể gây ra nguy cơ rất nhỏ cho thai nhi.
Sinh thiết lõi cũng rất an toàn cho bà mẹ đang cho con bú. Còn sinh thiết cắt bỏ có thể tồn tại nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bởi vì vùng phẫu thuật sẽ rộng hơn, sữa có thể bị rò rỉ sang vùng phẫu thuật. Nếu điều này xảy ra thì bác sĩ sẽ dùng một chiếc kim nhỏ hút sạch lượng sữa này.