Thế nào là khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (Loop electrosurgical excision procedure (LEEP)) và chỉ định thực hiện?
Nếu bạn có kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu bạn tiến hành thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) như một phần trong quá trình đánh giá hoặc để điều trị. LEEP là một phương pháp loại bỏ tế bào bất thường từ cổ tử cung bằng cách dùng một vòng điện (LOOP) mảnh có chức năng giống như một con dao phẫu thuật. Dòng điện sẽ được dẫn qua vòng này và cắt đi một lớp mỏng của cổ tử cung (còn gọi là khoét chóp cổ tử cung).
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện – LEEP (Nguồn ảnh: hopkinsmedicine.org)
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) được thực hiện như thế nào?
LEEP được thực hiện khi bạn không hành kinh để có thể quan sát cổ tử cung một cách rõ ràng hơn. Trong hầu hết các trường hợp, LEEP được thực hiện tại phòng mạch của bác sĩ. Thủ thuật chỉ kéo dài vài phút.
Khi tiến hành thủ thuật, bạn sẽ nằm ngửa và đặt chân lên giá đỡ chân. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một mỏ vịt vào âm đạo của bạn giống như khi bạn đi khám phụ khoa. Thuốc tê tại chỗ sẽ được sử dụng để giảm cảm giác đau. Thuốc sẽ được tiêm vào vị trí cổ tử cung nơi dự định cắt. Bạn sẽ cảm thấy nhói một chút, sau đó là cảm giác đau âm ỉ hoặc co rút. Vòng điện sẽ được đưa vào cổ tử cung thông qua âm đạo. Vòng điện có nhiều kích cỡ và hình dạng, loại được chọn sử dụng sẽ tùy thuộc vào cổ tử cung của bạn và kích thước tổn thương cần cắt. Bạn có thể cảm thấy muốn ngất trong quá trình thực hiện. Nếu bạn cảm thấy vậy, báo ngay cho bác sĩ.
Sau khi thủ thuật hoàn tất, một loại bột hồ sẽ được bôi lên cổ tử cung để làm ngưng xuất huyết. Phương pháp đốt điện có thể được sử dụng để cầm máu. Mô được lấy ra sẽ được nghiên cứu để xác định chẩn đoán.
Những nguy cơ của LEEP?
Nguy cơ phổ biến nhất trong 3 tuần đầu sau khi thực hiện thủ thuật LEEP là xuất huyết nặng. Nếu bạn bị xuất huyết nặng, gọi cho bác sĩ của bạn. Bạn có thể cần sử dụng nhiều hồ để bôi vào cổ tử cung hơn mới có thể giúp cầm máu được.
LEEP có thể làm tăng nguy cơ cho các lần mang thai sau. Mặc dù hầu hết phụ nữ không gặp phải biến chứng gì, vẫn có sự gia tăng nhẹ nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Trong vài trường hợp hiếm, cổ tử cung bị hẹp lại sau thủ thuật. Sự hẹp cổ tử cung này có thể gây ra những bất thường về kinh nguyệt. Hẹp cổ tử cung cũng có thể khiến việc thụ thai gặp khó khăn.
Cần lưu ý gì trong giai đoạn phục hồi sau thủ thuật?
Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể có:
- Dịch âm đạo hồng, lỏng
- Co thắt nhẹ
- Dịch âm đạo nâu – đen (do hồ bôi gây nên)
Cần ít tuần để cổ tử cung lành hẳn. Trong khi cổ tử cung đang lành, bạn không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo, như là tampon hoặc nước. Bạn không nên quan hệ. Bác sĩ sẽ bảo bạn khi nào an toàn để thực hiện những điều trên.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp phải những vấn đề sau:
- Hành kinh ra nhiều máu (nhiều hơn những lần hành kinh bình thường)
- Xuất huyết ra cục máu đông
- Đau bụng nhiều
Có cần tái khám không?
Sau thủ thuật, bạn cần gặp bác sĩ để tái khám. Bạn sẽ được xét nghiệm ung thư cổ tử cung để chắc chắn rằng mọi tế bào bất thường đã được loại bỏ và không tái phát. Nếu bạn có một kết quả xét nghiệm bất thường khác, bạn cần được điều trị thêm.
Bạn có thể bảo vệ cổ tử cung luôn trong tình trạng tốt bằng cách:
- Khám phụ khoa và xét nghiệm tầm soát ung thư thường xuyên.
- Ngừng hút thuốc lá – thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Giảm số bạn tình và sử dụng bao cao su để tránh các bệnh lây qua đường tình dục
Chú giải
Bệnh lây truyền qua đường tình dục : Các bệnh lây lan thông qua tiếp xúc tình dục, bao gồm Chlamydia, lậu, nhiễm trùng papillomavirus ở người, mụn rộp, giang mai, và nhiễm HIV (nguyên nhân gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS))
Cổ tử cung : Phần mở ra của tử cung vào phần trên của âm đạo.
Đốt điện : Một thủ thuật sử dụng các dụng cụ có dòng điện chạy qua để phá hủy mô.
Mỏ vịt : Một dụng cụ sử dụng để mở các thành của âm đạo. giúp nhìn thấy cổ tử cung.
Thuốc tê tại chỗ : Sử dụng để giảm đau ở một bộ phận cơ thể.
Nếu có bất kì thắc mắc gì, hãy liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa của bạn
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/Patients/FAQs/Loop-Electrosurgical-Excision-Procedure-LEEP