Tiêu chảy, ho, sổ mũi không phải chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ
Trước hết, tiêu chảy, ho, sổ mũi KHÔNG phải chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ. Nhầm lẫn này có thể đến từ phía phụ huynh hoặc người làm dịch vụ tiêm chủng. Họ cho rằng đứa bé phải khỏe mạnh hoàn toàn (perfect) thì mới tiêm chủng được. Tình trạng này dẫn tới có những trẻ đã 1 tuổi mà chưa nhận được mũi tiêm nào chỉ vì chờ đợi đến khi thật khỏe, không hề sổ mũi hay ho tí nào. Trớ trêu thay số ngày trẻ hoàn toàn không có gì đó thì ít, mà đợi được tới ngày đó thì không trùng với lịch tiêm ở phường, rồi xách đi tiêm dịch vụ thì hết vaccine. Hàng trăm thứ lí do khác nhau khiến đứa trẻ lẽ ra được bảo vệ từ lâu nhưng vẫn lại chưa có vũ khí chống lại vi trùng vì những hiểu lầm của người lớn. Đáng tiếc có những trẻ đã dính bệnh mà lẽ ra phòng được nhờ tiêm chủng đúng lịch (chẳng hạn viêm phổi do phế cầu hay HIB, hay ho gà…)
Trong số này tiêu chảy và viêm hô hấp nhẹ (ho, sổ mũi) là lí do thường gặp nhất khiến nhân viên y tế cũng như phụ huynh từ chối tiêm chủng. Ngoài ra, viêm tai giữa (có sốt hoặc không có sốt), phản ứng tại chỗ tiêm mức độ nhẹ hoặc trung bình ở lần tiêm trước, trẻ đang dùng kháng sinh, giai đoạn lui bệnh của 1 bệnh cấp tính cũng là cái cớ để phụ huynh và nhân viên y tế từ chối tiêm chủng cho trẻ.
Vaccine không nên bị từ chối khi trẻ bị bệnh đường hô hấp nhẹ hoặc các bệnh cấp khác nhưng nhẹ (dù có sốt hay không). Chỉ không tiêm vaccine khi trẻ bị bệnh cấp mức độ trung bình đến nặng vì sẽ dẫn tới sự nhận định lẫn lộn giữ biểu hiện của bệnh đang có với các phản ứng phụ của thuốc. Tuy nhiên nên tiêm phòng ngay sau khi bệnh cấp tính này cải thiện .
Khi nào không nên tiêm phòng vaccine cho trẻ?
Các tình huống nào phải thận trọng
Thận trọng nghĩa là cần cân nhắc kĩ chỉ tiêm khi lợi ích vượt trội so với nguy cơ, gồm:
- Đang bị bệnh cấp tính mức độ trung bình hoặc nặng, có sốt hoặc không có sốt.
- Trẻ hoặc gia đình trẻ có tiền căn co giật không nên tiêm vaccine phối hợp MMRV (sởi – quai bị – rubella – thủy đậu)
- 1 số thận trọng cho riêng từng loại vaccine :
- MMR: trẻ ≤ 11 tháng , tiền sử giảm tiểu cầu hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu.
- Viêm gan B: trẻ có cân nặng < 2 kg
- Viêm gan A: phụ nữ có thai
- Thủy đậu: giống MMR
- IPV (bại liệt dạng tiêm): phụ nữ có thai
- HPV: phụ nữ có thai
- Rotavirus: suy giảm miễn dịch nặng , tiền căn lồng ruột , bệnh lí dạ dày ruột mạn tính, thoát vị tủy hoặc bang quang
- DTaP ( bạch hầu – uốn ván – ho gà vô bào ):
- Các rối loạn về thần kinh tiến triển chưa kiểm soát được,
- Sốt trên 40.5 trong vòng 48 giờ ở lần tiêm vaccine trước (DTP hoặc DTaP) ,
- Có tình trạng suy tuần hoàn hoặc giống sốc trong vòng 48 giờ kể từ từ lúc tiêm vaccine ở lần trước đó,
- Co giật trong vòng 3 ngày sau khi tiêm DTP/DTaP ở lần trước, quấy khóc dai dẳng không thể dỗ được ≥ 3 giờ trong vòng 48 tiếng kể từ lúc tiêm DTP/DTap ở lần trước.
- GBS < 6 tuần sau khi được tiêm uốn ván (thành phần trong vaccine), thận trọng này áp dụng cho tất cả các vaccine đơn hay phối hợp mà có uốn ván .
- Tiền sử quá mẫn type ARTHUS ở lần tiêm uốn ván trước đó, nên tránh tiêm lại uốn ván trong vòng ít nhất 10 năm nếu có phản ứng này.), thận trọng này áp dụng cho tất cả các vaccine đơn hay phối hợp mà có uốn ván .
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/diendannhikhoa/posts/590479561149568