Trẻ nhỏ thường có thói quen tưởng tượng và điều này khiến bé dễ có những nỗi sợ. Việc hiểu được nỗi sợ của trẻ sẽ giúp bố mẹ dễ dàng giúp con vượt qua những vấn đề tâm lý.
Mỗi đêm, khi bố tắt đèn cho bé Cẩm Hà (4 tuổi) ngủ, bé đều lo sợ, bám chặt vào người bố hoặc mẹ. Bé nói con sợ con quái vật đang nằm trong tủ lắm. Điều lo sợ của bé Hà cũng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ thường có những nỗi sợ mà người lớn có thể cho là vô lý nhưng đối với trẻ lại là hợp lý. Để tìm hiểu thêm về nỗi sợ của trẻ, hãy tham khảo bài viết sau của Chúng tôi nhé!
1. Những nỗi sợ hãi đầu đời của bé
Trẻ sơ sinh có hai nỗi sợ hãi là tiếng ồn và sợ té. Não và thần kinh của trẻ phát triển nhanh trong những năm đầu đời, nhưng hệ thần kinh của chúng vẫn còn non nớt. Điều này có nghĩa là chúng không thể điều khiển được tâm trạng cũng như cảm xúc của mình đối với tiếng ồn và cảm giác sợ té. Đó là lý do tại sao việc đi ngang qua một đứa trẻ sơ sinh và thể hiện tình cảm hay đặt bé xuống quá nhanh, gây ra một tiếng động đột ngột có thể khiến bé khóc và sợ hãi.
Khi hệ thần kinh trưởng thành, bé sẽ tập trung hơn vào môi trường xung quanh và những nỗi sợ hãi mới xuất hiện. Từ 8 – 10 tháng tuổi, trẻ mới có khái niệm về sự tồn tại của sự việc. Trước giai đoạn này, khi một thứ nào đó biến mất sẽ không ảnh hưởng gì đến tâm trí của trẻ. Tuy nhiên, bây giờ, trẻ có thể hiểu rằng những thứ biến mất nhưng vẫn tồn tại. Vì vậy, khi bố mẹ rời khỏi phòng, trẻ thường thắc mắc là bố mẹ đi đâu và khi nào về.
2. Sự lo lắng bị chia cách
Ở độ tuổi này, sự lo lắng thường kết hợp với sự sợ hãi. Trẻ thường cảnh giác với người lạ hơn người chăm sóc mình như bố mẹ. Đó là dấu hiệu tốt vì chúng phân biệt được giữa người quen và người lạ. Trẻ thường cảm thấy lo sợ khi bạn biến mất hay rời khỏi chúng. Trẻ không muốn ai bế mình và chỉ muốn bên bố mẹ mọi lúc mọi nơi.
Để con không lúc nào cũng bám lấy bạn, hãy chơi trò ú òa. Con sẽ hiểu bạn vẫn ở bên trẻ ngay cả khi chúng không thấy bạn. Sau đó, bạn luyện tập bằng cách rời khỏi phòng và chờ 1 phút trước khi quay trở lại. Khi bắt đầu áp dụng vào cuộc sống, bạn hãy để con ở với chồng, sau đó là người thân và cuối cùng, bé sẽ ở với người giúp việc. Con sẽ quen và sẽ cảm thấy vui vẻ khi ở bên họ nếu bạn muốn rời bé trong chốc lát hay trở lại với công việc. Bạn có thể bắt đầu với khoảng thời gian ngắn, dần dần tăng lên trong vòng vài tuần.
Dù bạn làm gì cũng không nên để con ở lại với sự lo lắng. Nếu bạn bỏ đi mà không nói lời tạm biệt, con sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và tìm kiếm bạn. Ngoài việc cảm thấy sợ, con còn cảm thấy mất lòng tin ở bạn nữa. Do đó, trước khi đi, bạn nên nói với con là: “Con yêu, mẹ đi ra ngoài một tí nhé. Mẹ yêu con”.
3. Sợ tiếng ồn, động vật, bóng tối
Khi trẻ 1 tuổi, trẻ có nhu cầu về sự độc lập và kiểm soát môi trường xung quanh, nghĩa là những điều nằm ngoài tầm kiểm soát có thể khiến con dễ sợ hãi, chẳng hạn như nhìn thấy con chó nhảy, bồn cầu gạt nước tự động hay sấm sét.
4. Sợ những loài sinh vật
Một số bé cảm thấy sợ khi đứng một mình hay thấy con gián đang bò về phía mình. Để giúp con cảm thấy thoải mái hơn, bạn hãy để con tự khám phá về thế giới của những loài động vật thông qua những quyển sách. Việc để con tự kiểm soát thế giới của chúng sẽ khiến con cảm thấy tốt hơn.
Bạn là người lớn và không cảm thấy sợ hãi về các sinh vật, nhưng hãy tôn trọng cảm xúc của con. Cách tốt nhất để hiểu trẻ là lắng nghe và dạy con cách vượt qua nỗi sợ hãi. Ngoài ra, bạn cũng nên nói với con những cảm xúc này là bình thường và đôi khi bạn cũng có cảm xúc như vậy.
5. Sợ tiếng kêu vào ban đêm
Khi trẻ 2 tuổi, trí tưởng tượng của một đứa trẻ bắt đầu hoạt động. Trẻ có thể tưởng tượng những thứ mà chúng không thể thấy. Ví dụ, trẻ sẽ tưởng tượng có một con quái vật xuất hiện sau khi mở cánh cửa. Do đó, bạn hãy hỏi con về nỗi sợ của chúng và những gì bạn có thể làm để giúp chúng vượt qua.
Bác sĩ y khoa Robert Sears, đồng tác giả cuốn The Baby Book, ủng hộ việc bố mẹ ngủ cùng con. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn có thể ở bên con đến khi con ngủ say. Bạn hãy thiết lập thói quen ngủ vào một giờ cố định (9 giờ tối) và không nên kể những câu chuyện đáng sợ về kẻ xấu hay hình ảnh đáng sợ trước khi ngủ.
6. Nhận biết và cảm nhận về sự sợ hãi
Sử dụng trí tưởng tượng của con và hỏi con xem bạn có thể làm gì để giúp chúng vượt qua nỗi sợ của mình. Ví dụ, cu Tí (3 tuổi) rất sợ con quái vật trong phòng. Chị Phương, mẹ bé, hỏi mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi. Tí trả lời rằng nếu có 5 cuốn sách để trên giường thì mọi việc sẽ ổn. Thực hiện theo lời con, chị đặt 5 cuốn sách ở đầu, dưới chân giường và con quái vật đã không trở lại nữa.
Nếu con lo lắng những con quái vật có thể ẩn náu, bạn hãy cho con kiểm tra trong tủ quần áo của con. Bạn hãy để một con thú nhồi bông lớn như đang ngồi canh gác sau cửa. Khi mở cửa ra, trẻ sẽ không cảm thấy sợ nữa. Hay bạn dùng bình diệt côn trùng giả bộ đang tiêu diệt con quái vật của con.