Hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn có tính chất tâm lý dễ gặp. Ngày nay tỷ lệ trẻ bị tăng động khá cao.
Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường và các mối quan hệ cộng đồng. Thế nhưng, những trò chơi ngoại khóa có thể cải thiện đáng kể đến chứng rối loạn này ở trẻ đấy.
Phân biệt trẻ “hiếu động” hay “tăng động giảm chú ý”
Hiện nay, hẳn bạn đã nghe rất nhiều về căn bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em. Thông thường, khi quan sát con mình nhanh nhẹn và năng động, bố mẹ hẳn sẽ không nghĩ rằng trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý. Một số bố mẹ khi thấy con mình chạy nhảy và quá hiếu động lại lo lắng trẻ bị tăng động.
Thực tế, trẻ trông có vẻ rất nhiều năng lượng và vô cùng hoạt bát không nghĩa là trẻ bị ADHD và ngược lại, khi trẻ mắc bệnh ADHD không hẳn sẽ rất hiếu động. Vì vậy, rất nhiều trường hợp bố mẹ nhầm lẫn giữa hiếu động và tăng động. Trẻ mắc bệnh này cũng có thể sẽ biểu lộ năng lượng thấp kết hợp với lơ là, khó tập trung chú ý cùng những triệu chứng khác.
Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị tăng động giảm chú ý
Nếu bé gặp khó khăn trong việc kiểm soát mức độ các hoạt động bình thường của cơ thể, có thể trẻ đã bị tăng động. Điểm mấu chốt giúp bạn phân biệt giữa trẻ hiếu động và tăng động là trẻ bị tăng động thường mất khả năng học tập và hoạt động như trẻ bình thường. Tuy nhiên, tính hiếu động quá mức cùng một số triệu chứng cơ bản như bốc đồng và thiếu tập trung thật ra chỉ là bề nổi của căn bệnh này. Có thể trẻ sẽ có thêm một số triệu chứng khác không rõ ràng như:
- Khó khăn trong quá trình xử lý thông tin. Trẻ có thể sẽ không thể chậm lại để xử lý thông tin một cách chính xác và điều này dẫn đến những vấn đề trong lớp học khi trẻ được yêu cầu phải phản ứng nhanh và chính xác theo những gì giáo viên đang hướng dẫn;
- Khó khăn khi điều chỉnh cảm xúc và dễ cáu giận. Những triệu chứng này có thể khiến trẻ gặp vấn đề trong các mối quan hệ xã hội, khiến trẻ có cảm giác bị cô lập và tổn thương;
- Khó khăn đối với việc sắp xếp, lên kế hoạch, chú ý và ghi nhớ các chi tiết. Những điều này có thể khiến trẻ gặp vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày lẫn việc học tập ở trường, vì thậm chí môn thể dục ở trường học cũng đòi hỏi các bé cần phải có sự chuẩn bị, ghi nhớ những gì đã được dạy và thực hiện đúng cách;
- Có xu hướng phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa. Vì vậy, khi quan sát một đứa trẻ vị thành niên mắc bệnh này, bạn sẽ thấy trẻ giống một đứa trẻ nhỏ hơn là một thiếu niên đang phát triển. Điều này có nghĩa thậm chí khi là một thiếu niên, trẻ bị ADHD vẫn thiếu kỹ năng suy xét để đưa ra những lựa chọn trong việc chọn bạn, khi gặp phải khó khăn hay khi phải đối mặt với tình huống nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu con bạn rất hiếu động và không bao giờ có thể ngồi im một chỗ, có thể đó là dấu hiệu của trẻ mắc bệnh ADHD. Tuy nhiên, nếu trẻ cũng có thể kiểm soát cảm xúc, chú ý và đáp lại chính xác những gì được hỏi ở trường học và ở nhà, có thể trẻ chỉ quá năng động mà thôi.
Bạn nên lưu ý rằng dù triệu chứng cốt lõi để xác định bệnh ADHD bao gồm tính bốc đồng và thiếu tập trung chú ý, không hẳn tất cả trẻ em (thậm chí cả người lớn) bị ADHD sẽ có triệu chứng và mức độ giống nhau. Bạn sẽ thấy những triệu chứng có biểu hiện khác nhau tùy theo từng người.
Bố mẹ nên làm gì khi con mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 20 phút đi bộ quanh công viên hoặc tham gia những hoạt động ngoài trời có thể giúp cải thiện sự tập trung và giảm triệu chứng ở những trẻ mắc ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý). Tuy nhiên, tình trạng ADHD ở mỗi trẻ có biểu hiện và mức độ khác nhau và sự lựa chọn các hoạt động sau giờ học phản ánh sự đa dạng của rối loạn này ở trẻ.
Một đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ khó tập trung khi học ở trường nên sẽ không dễ dàng hòa hợp tốt trong các hoạt động đội nhóm hay khi chơi những trò có tính đồng đội . Vì vậy, khi chọn một hoạt động ngoại khóa cho trẻ, bố mẹ phải thật lưu tâm và tìm ra một trò chơi không chỉ thú vị mà còn giúp bé thực sự hết mình vì nó.
Khi tổ chức những hoạt động cho con, bố mẹ cần đảm bảo:
- Trẻ yêu thích hay cảm thấy thú vị
- Phải có người quan sát, 1 người quan sát được tối đa 5 bé
- Người quan sát phải chú ý quan sát, không được lơ là
- Là các hoạt động thể chất hay hoạt động ngoài trời.
Những hoạt động tốt nhất dành cho trẻ mắc chứng ADHD
Võ thuật
Môn này đòi hỏi sự tập trung cao độ về tinh thần và thể chất, do đó các ông bố, bà mẹ thường chọn võ thuật như là một hoạt động chủ lực để tạo niềm đam mê nơi trẻ. Võ thuật cũng là bộ môn tích cực, định hướng và luật lệ rõ ràng, tương tác ngang hàng.
Hướng đạo sinh
Đây là một hoạt động tuyệt vời dành cho những bé mắc chứng tăng động giảm chú ý. Hướng đạo sinh bao gồm nhiều kích thích thể chất, các phương thức học khác nhau nên sẽ là cơ hội cho con tiếp xúc với các trẻ khác, nhưng cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Các trưởng nhóm lãnh đạo trò chơi thậm chí có thể được đào tạo thêm để giúp họ dẫn dắt trẻ có ADHD hiệu quả hơn.
Các môn thể thao đồng đội
Bóng chày, bóng rổ, bóng đá và hầu hết các môn thể thao đề cao tính đội nhóm đều là một lựa chọn tốt cho trẻ. Các môn thể thao đồng đội tạo cơ hội để trẻ học các kỹ năng xã hội trong một môi trường tập thể. Hãy chắc chắn rằng con tìm thấy một môn thể thao mà chúng quan tâm, bởi vì việc học các luật chơi, luân phiên vai trò và hợp tác với những đứa trẻ khác có thể gặp nhiều khó khăn.
Bơi lội
Nếu con không có hứng thú với những môn thể thao đồng đội thì bơi lội là một lựa chọn thú vị vì nó đòi hỏi cả nỗ lực và sự tập trung. Giống như tất cả các môn thể thao khác, bơi lội giúp đốt cháy năng lượng dư thừa và giúp con bạn tập trung.
Diễn kịch
Đóng vai những nhân vật trong những hoàn cảnh khác nhau là một hoạt động tuyệt vời giúp con bạn cải thiện khả năng sáng tạo.
Các trò chơi mô hình xếp gỗ hoặc các hoạt động trí tuệ
Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thường thích các trò chơi giải quyết vấn đề hoặc câu đố. Do đó trò chơi xây dựng các mô hình xếp gỗ hoặc kim loại cũng là một cách giúp con bạn học cách biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Nghệ thuật hoặc âm nhạc
Cho trẻ tham gia các lớp học nghệ thuật và âm nhạc là hai cách tuyệt vời để giúp con bạn thể hiện bản thân. Bố mẹ nên lưu ý rằng, điều quan trọng nhất không phải là con bạn vẽ, hát hoặc chơi nhạc cụ hay hay không mà con đã thực sự nỗ lực trong các hoạt động đó.
Hy vọng với những thông tin nêu trên, các bố mẹ có thể tìm được một vài trò chơi phù hợp để giúp con em mình sớm hòa nhập tốt với cuộc sống thường ngày.