Hội chứng Peutz-Jeghers

(3.73) - 40 đánh giá

Hội chứng Peutz-Jeghers là gì?

Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) là một bệnh lý di truyền làm tăng nguy cơ xuất hiện các u mô thừa dạng polyp trong đường tiêu hóa cũng như ung thư vú, đại – trực tràng, tuyến tụy, dạ dày, tinh hoàn, buồng trứng, phổi, cổ tử cung, và các loại khác được liệt kê dưới đây. Nếu không có sự theo dõi phù hợp, nguy cơ mắc ung thư suốt đời ở những người PJS có thể lên tới 93%. U mô thừa là sự phát triển của các mô bình thường, tăng sinh thành một khối u lành tính (không ung thư). Trong PJS, u mô thừa dạng polyp thường xuất hiện ở ruột non và ruột già, chúng có thể gây chảy máu hoặc các vấn đề khác như tắc ruột.

Một số dấu hiệu của PJS có thể xuất hiện ở trẻ em với những vùng sắc tố trên da và trong miệng, được gọi là tăng sắc tố niêm mạc/ da màng nhầy (mucocutanneous). Tàn nhang xanh đậm hoặc nâu sẫm hay gặp ở những người bị PJS, đặc biệt là xung quanh miệng, môi, ngón tay và ngón chân. Tàn nhang thường xuất hiện từ thời thơ ấu và mờ dần theo tuổi tác, do đó chúng thường không thể nhìn thấy ở người lớn mắc PJS được chẩn đoán ung thư. Một dấu hiệu khác của PJS là sự phát triển của polyp ở đường tiêu hóa có thể gây xuất huyết và tắc nghẽn. Độ tuổi trung bình khi các triệu chứng tiêu hóa xuất hiện là 10 tuổi.

Khi có ít nhất 2 trong số các đặc điểm sau đây có thể được coi là có PJS:

  • Ít nhất 2 u mô thừa dạng polyp loại Peutz-Jeghers trong ruột non
  • Tàn nhang đặc trưng của miệng, môi, ngón tay hoặc ngón chân
  • Ít nhất 1 người thân được chẩn đoán mắc PJS

Xét nghiệm di truyền được khuyến cáo cho những người thỏa mãn các tiêu chuẩn trên để tìm kiếm đột biến di truyền của gen STK11. Xem thêm thông tin dưới đây.

Nguyên nhân của PJS?

PJS là một hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ phát triển ung thư và polyp. Điều này có nghĩa là hội chứng này có thể được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một gia đình. Đột biến gen STK11, còn được gọi là gen LKB1 là nguyên nhân gây ra PJS. Ngoài ra, có thể có những gen khác gây ra PJS nhưng chưa được phát hiện.

PJS được di truyền như thế nào?

Thông thường, trong tế bào có 2 bản sao của mỗi gen: 1 được thừa hưởng từ mẹ và 1 được thừa hưởng từ cha. PJS được di truyền theo quy luật trội ở nhiễm sắc thể thường từ bố hoặc mẹ mang đột biến STK11. Mỗi người thân thế hệ thứ nhất (cha hoặc mẹ, con cái và/hoặc anh chị em ruột) của một người mắc PJS có 50% khả năng họ bị di truyền cùng một đột biến gây ra bệnh này.

Một số cá nhân mắc PJS không có tiền căn gia đình về các triệu chứng hoặc bệnh lý ung thư như những người mắc PJS khác. Người ta ước tính khoảng 25% trường hợp bệnh PJS có đột biến gen STK11 mới xuất hiện, không phải di truyền từ cha mẹ. Các thành viên gia đình của một người được nghi ngờ là đột biến STK11 mới vẫn nên xét nghiệm di truyền để xác nhận rằng đây thực sự là một đột biến mới. Một người có đột biến STK11 mới khả năng truyền lại đột biến này cho con ruột của họ là 50%.

Những người mang đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc ung thư di truyền ở con cái nhưng có những lựa chọn để có con hoàn toàn khỏe mạnh. Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) là một thủ thuật y khoa được thực hiện kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nó cho phép giảm khả năng di truyền bệnh lý này sang con cái ở những người mang gen đột biến. Trứng của một người phụ nữ được lấy ra và thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Khi phôi đạt đến một kích thước nhất định, 1 tế bào sẽ được tách ra kiểm tra tình trạng di truyền về gen đột biến. Sau đó, cha mẹ có thể chọn chuyển phôi không mang đột biến. PGD ​​đã được áp dụng trong hơn 2 thập kỷ, đặc biệt cho một số hội chứng có thể gây ung thư di truyền. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật phức tạp với nhiều yếu tố cần phải xem xét như tài chính và sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần. Để biết thêm thông tin, hãy tham vấn với bác sỹ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản.

PJS có phổ biến không?

PJS là một hội chứng hiếm gặp. Người ta ước tính rằng từ 1/ 50.000 đến 1/200.000 người có PJS. Hội chứng này có thể bị bỏ sót vì các đặc điểm da như tàn nhang hoặc đốm sắc tố thường không nhìn thấy ở tuổi trưởng thành.

PJS được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán PJS được nghĩ đến nếu đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán được liệt kê ở trên. Những người này có thể được tư vấn di truyền và sau đó là xét nghiệm máu để tìm kiếm đột biến gen STK11. Khi tìm thấy đột biến gen STK11, các thành viên khác trong gia đình cũng có thể được chẩn đoán mắc PJS nếu họ được xét nghiệm và có cùng đột biến gen. Tuy nhiên, một số người được chẩn đoán lâm sàng PJS nhưng lại không phát hiện đột biến trên gen STK11. Những người đã biết hoặc nghi ngờ mắc PJS được khuyến cáo đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác nhận chẩn đoán và có chiến lược theo dõi phù hợp.

Nguy cơ ung thư liên quan đến PJS là bao nhiêu?

  • Ung thư vú 30% đến 50%
  • Ung thư đại trực tràng 40%
  • Bệnh ung thư tuyến tụy 10% đến 35%
  • Ung thư dạ dày 30%
  • Ung thư buồng trứng 20%
  • Ung thư phổi 15%
  • Ung thư ruột non 13%
  • Ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung 10%
  • Ung thư tử cung ít hơn 10%
  • Ung thư tinh hoàn ít hơn 10%
  • Ung thư thực quản 2%

Phương tiện tầm soát cho người mắc PJS hay người nghi ngờ mắc PJS?

Bạn cần trao đổi với bác sỹ để lựa chọn phương tiện tầm soát phù hợp, vì mỗi cá nhân là khác nhau:

Tầm soát ung thư nói chung cho bất cứ ai bị PJS

  • Nội soi đường tiêu hóa trên và nội soi viên nang quay video, bắt đầu lúc 8 tuổi. Nếu phát hiện polyp, cần lặp lại xét nghiệm sau mỗi 2 đến 3 năm. Nếu không có polyp nào được nhìn thấy thời điểm 8 tuổi, lặp lại xét nghiệm ở lúc 18 tuổi, và sau đó mỗi 2 đến 3 năm. Nội soi sử dụng một ống mỏng, nhẹ với một máy quay video nhỏ được đưa vào miệng, xuống thực quản để tìm khối u hoặc các bất thường khác.
  • Nội soi đại tràng, bắt đầu lúc 8 tuổi. Nếu nhìn thấy polyp, cần lặp lại nội soi sau mỗi 2 đến 3 năm. Nếu không nhìn thấy polyp ở thời điểm này, lặp lại xét nghiệm ở lúc 18 tuổi, và sau đó mỗi 2 đến 3 năm. Khi nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm với một máy quay video nhỏ vào hậu môn để kiểm tra các vấn đề trong đại tràng và trực tràng.
  • Siêu âm qua nội soi hàng năm và/hoặc MRI tụy để tầm soát ung thư tụy, bắt đầu ở tuổi 30 đến 35, hoặc nếu trong gia đình có người mắc ung thư tụy, tầm soát nên được tiến hành trước 10 năm tính từ tuổi của người trẻ nhất mắc ung thư.
  • Tầm soát ung thư phổi chuyên biệt hiện không được khuyến cáo, nhưng những người mắc PJS nên tránh hút thuốc, do có mối liên hệ giữa hút thuốc lá với ung thư phổi và ung thư tụy.

Tầm soát ung thư cho phụ nữ mắc PJS

  • Tự kiểm tra vú hàng tháng và thăm khám vú hàng năm được thực hiện bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng, bắt đầu lúc 20 tuổi.
  • Chụp nhũ ảnh mỗi 2 đến 3 năm, bắt đầu lúc 20 tuổi, sau đó chụp nhũ ảnh hàng năm từ 40 tuổi
  • Kiểm tra phụ khoa hàng năm bao gồm xét nghiệm Pap, siêu âm đường âm đạo và cân nhắc về việc sinh thiết tử cung, bắt đầu lúc 25 tuổi.
  • Nữ giới mắc PJS có nguy cơ bị u dây sinh dục nguyên thuỷ với ống hình khuyên (Sex Cord Tumors with Annular Tubules – SCTAT), một khối u lành tính của buồng trứng và u tuyến ác tính của cổ tử cung, một loại ung thư xâm lấn hiếm gặp thường được đặc trưng bởi tiết dịch âm đạo nhầy dính.

Tầm soát ung thư cho nam giới mắc PJS

  • Khám tinh hoàn hàng năm bắt đầu từ thời thơ ấu. Siêu âm tinh hoàn nên được thực hiện để tìm kiếm bất thường, siêu âm có thể giúp kiểm tra dấu hiệu của các rối loạn
  • Nam giới có thể phát triển khối u tế bào Sertoli chứa lượng lớn canxi (LCST) ở tinh hoàn, tiết ra estrogen và có thể dẫn đến ngực to (gynecomastia), cốt hóa xương sớm và cuối cùng là gây ra tình trạng lùn nếu không được điều trị.

Các phương tiện tầm soát có thể thay đổi theo thời gian khi các công nghệ mới được phát triển và nhiều kiến thức mới về PJS được cập nhật. Điều quan trọng là tham vấn ý kiến bác sỹ về các xét nghiệm tầm soát phù hợp.

Tìm hiểu thêm về Những kết quả mong đợi khi thực hiện xét nghiệm, thủ thuật và hình ảnh học thông thường.

Bạn cần hỏi bác sĩ những gì?

Nếu bạn lo lắng về PJS và nguy cơ mắc bệnh ung thư, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể hỏi những câu hỏi sau :

  • Nguy cơ xuất hiện ung thư đại trực tràng, ung thư vú hoặc các loại ung thư khác của tôi như thế nào?
  • Tôi có tổng cộng có bao nhiêu polyp đại tràng?
  • Tôi đã có loại polyp đại tràng nào? Hai loại phổ biến nhất là tăng sản và u tuyến.
  • Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ ung thư?
  • Tôi có thể lựa chọn những phương tiện nào để đánh giá nguy cơ ung thư, tư vấn di truyền và xét nghiệm di truyền?
  • Tôi có thể lựa chọn những phương tiện nào để tầm soát và ngăn ngừa ung thư?

Nếu bạn lo lắng về tiền sử gia đình và nghĩ rằng gia đình mình có thể có PJS, bạn có thể hỏi những câu hỏi sau :

  • Tiền căn gia đình tôi làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư vú hoặc các loại ung thư khác không?
  • Tôi có cần phải đánh giá nguy cơ ung thư không?
  • Tôi có cần tham vấn chuyên gia di truyền hay không?
  • Tôi có cần thực hiện các xét nghiệm di truyền?

Các tài nguyên liên quan

Di truyền học của ung thư

Xét nghiệm di truyền

Những gì mong đợi khi bạn gặp một cố vấn di truyền

Thu thập tiền sử ung thư gia đình bạn

Chia sẻ kết quả xét nghiệm di truyền với gia đình bạn

Tìm hiểu thêm thông tin

Khối liên minh ung thư đại tràng

Đối mặt với nguy cơ ung thư của chúng ta được trao quyền (FORCE)

Mạng lưới hành động vì ung thư tụy

Viện ung thư quốc gia

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Ung thư

Để tìm một cố vấn di truyền trong khu vực của bạn, hãy tham vấn bác sĩ của bạn hoặc truy cập các trang web sau:

Hiệp hội cố vấn di truyền quốc gia

Viện Ung thư Quốc gia: Thư mục Dịch vụ Di truyền Ung thư

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/peutz-jeghers-syndrome

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Nguyễn Đình Thắng - Nguyễn Thị Quỳnh Thơ
Đánh giá:

Bài viết liên quan

U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) – Chẩn đoán

(32)
Biên dịch: Phùng Ngọc Dung; Phan Thị Thu Hiền; Dương Thị Bích Ngọc Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Thị Hợi – Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Ung Bướu Hà ... [xem thêm]

Sống sót sau ung thư

(90)
Biên dịch: ThS. Phạm Võ Phương Thảo Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Văn Tuy Một người đã bị ung thư thường được gọi là người sống sót sau ung thư. Đôi khi, ... [xem thêm]

Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ 2020 về Chế độ ăn uống và Vận động thể chất trong phòng ngừa ung thư

(59)
Hiệu đính Nguyễn Thị Thanh Vân TS. DS. Phạm Đức Hùng Dịch giả: Nhóm Dược Lý – Dược Lâm Sàng HPhA. Huỳnh Yến Thanh ThS. Lê Thị Hằng Nga Đỗ Mỹ Ngọc Lê ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ: Giới thiệu

(33)
Biên dịch: Nguyễn Khởi Quân Hiệu đính: Ths.Bs Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu “Khi hay tin Lilly mắc căn bệnh bạch cầu cấp, chúng tôi cứ luẩn quẩn ... [xem thêm]

U lympho Hodgkin ở trẻ em: Yếu tố nguy cơ

(50)
Biên dịch: Phan Thị Thanh Hương Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu Bài viết này cung cấp thông tin về các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh u ... [xem thêm]

Mệt mỏi liên quan đến điều trị ung thư ở trẻ em

(56)
Bệnh nhân thường cảm thấy mệt và yếu trong suốt quá trình điều trị ung thư. Mệt mỏi liên quan đến ung thư khác với mệt mỏi hàng ngày. Nó không mất đi ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho thanh thiếu niên | Bảng A – Đội ngũ của nhóm Ung thư

(34)
Người dịch: Nguyễn Thị Xuân Hương Hiệu đính: Ths. Bs. Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 2/2012 Được ... [xem thêm]

Điều trị ung thư hậu môn

(37)
Biên soạn: BS. Phạm Trường Đăng Minh Hiệu đính: BS. Lê Công Định và BS. Lê Thành Chung Tổng quan về điều trị ung thư hậu môn Điều trị ung thư nói chung ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN