Cường tuyến giáp (cường giáp) là bệnh có thể điều trị được. Các phương pháp điều trị chính bao gồm: thuốc kháng giáp, uống iốt phóng xạ và phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cùng bệnh nhân tìm ra lựa chọn điều trị thích hợp.
Vài nét về bệnh cường tuyến giáp
Tuyến giáp có hình dạng móng ngựa nằm trước cổ, dưới cằm. Tuyến giáp sản xuất hormone giáp và tiết vào máu. Hormone quan trọng nhất là T3, T4. Các hormone này có vai trò điều hòa chuyển hóa cơ thể (cách cơ thể sản xuất và sử dụng năng lượng).
Lượng hormone giáp quá dư thừa sẽ đẩy nhanh các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều này gây ra các triệu chứng cường giáp. Hormone giáp tăng cao có thể do tuyến giáp tăng hoạt động, dùng thuốc, thai kỳ…
Cường giáp là bệnh điều trị được nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi bạn thấy các triệu chứng sau thì hãy đến bệnh viện ngay. Hormone giáp có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Vì thế, các triệu chứng cường giáp thường đa dạng và trải đều khắp cơ thể, bao gồm:
– Thay đổi khẩu vị (ăn ngon miệng hơn hoặc chán ăn).
– Ngủ khó, thiếu ngủ, mất ngủ.
– Mệt mỏi suốt cả ngày.
– Đại tiện nhiều lần hơn trong ngày, có thể tiêu chảy.
– Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
– Cảm thấy người quá lạnh hoặc quá nóng.
– Tăng tiết mồ hôi kể cả khi thấy lạnh.
– Tăng động, dễ kích động.
– Có kinh thưa và kỳ kinh ngắn, thậm chí mất kinh.
– Rối loạn tâm sinh lý.
– Yếu nhược cơ.
– Lo lắng thái quá, rối loạn lo âu.
– Hơi thở gấp gáp.
– Tê tay, chân đột ngột.
– Run rẩy cơ thể, thấy rõ nhất ở 2 tay.
– Rối loạn thị giác.
– Thường sụt cân dù ăn nhiều. Số ít bệnh nhân khác có dấu hiệu tăng cân.
– Chóng mặt nhiều lần trong ngày.
– Lông, tóc, móng mỏng đi, dễ gãy.
– Cảm giác ngứa ngáy, châm chích.
Bạn sẽ cần làm thêm xét nghiệm chức năng tuyến giáp để chẩn đoán chính xác cường giáp.
Các phương pháp điều trị cường tuyến giáp
Bệnh cường tuyến giáp có thể điều trị được. Bệnh nhân cường giáp được điều trị tốt sẽ có cuộc sống như người bình thường. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị nhằm đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các biến chứng.
Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Thuốc kháng giáp
Thionamide là thuốc điều trị cường giáp phổ biến nhất. Chúng làm giảm hoạt động của tuyến giáp. Trong họ thionamide có 2 thuốc thường dùng là carbimazole và propylthiouracil.
Bạn cần uống thuốc liên tục trong 1 đến 2 tháng mới thấy tác dụng. Trong thời gian chờ đợi thuốc chính có tác dụng, bạn sẽ được cho loại thuốc khác gọi là thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng.
Khi mức hormone giáp đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn dần dần giảm liều lượng thuốc kháng giáp. Người bệnh cần uống thuốc liên tục trong nhiều năm, một số cần uống suốt đời để kiểm soát cường giáp.
Các phản ứng phụ thường xuất hiện trong vài tháng đầu và sẽ hết khi cơ thể đã quen với thuốc. Phản ứng phụ thường gặp nhất là:
– Thấy uể oải.
– Đau đầu.
– Đau nhức khớp.
– Đầy bụng, ợ hơi, ợ chua thậm chí đau dạ dày.
– Nổi ban da gây ngứa ngáy.
Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm là giảm đột ngột bạch cầu trong máu. Phản ứng phụ này làm cơ thể bạn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đến bác sĩ ngay nếu bạn thấy bị sốt, viêm họng hay ho kéo dài khi dùng thuốc.
Uống iốt phóng xạ
Uống iốt phóng xạ là dùng phóng xạ để gây tổn thương tuyến giáp, làm giảm lượng hormone mà nó sản xuất. Đây là phương pháp điều trị cường giáp rất hiệu quả.
Bạn sẽ được cho một ly thuốc nước hoặc thuốc viên có chứa một liều phóng xạ thấp. Lượng phóng xạ này sẽ được tuyến giáp hấp thụ. Hầu hết bệnh nhân chỉ cần một lần điều trị duy nhất.
Sau vài tuần đến vài tháng, bạn sẽ thấy thuốc phát huy toàn bộ tác dụng. Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thêm thuốc chẹn beta.
Tuy liều phóng xạ bạn uống rất thấp nhưng sau khi dùng thuốc, bạn vẫn cần phải chú ý những điều sau:
– Tránh tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ có thai trong vài ngày đến vài tuần.
– Phụ nữ nên tránh có thai trong vòng 6 tháng.
– Đàn ông không nên thụ tinh trong vòng 4 tháng.
Uống iốt phóng xạ không dùng cho bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú. Phương pháp này cũng không được dùng nếu cường giáp đã gây biến chứng mắt.
Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp là phương pháp cuối cùng để điều trị cường giáp. Phương pháp này ít khi được sử dụng và chỉ là lựa chọn tốt nhất khi bệnh nhân rơi vào tình huống sau:
– Bướu cổ quá lớn.
– Đã có biến chứng nặng ở mắt do cường giáp.
– Bạn có chống chỉ định với thuốc kháng giáp và uống iốt phóng xạ.
– Cường giáp tái phát sau khi đã điều trị bằng hai phương pháp nói trên.
Thông thường bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, việc làm này sẽ chữa dứt điểm cường giáp. Nhưng kèm theo đó, bạn cần uống levothyroxine (một thuốc bổ sung hormone giáp) để giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI