Giấc ngủ trưa ngày càng trở nên xa xỉ vì bạn quá bận rộn, giờ nghỉ quá ngắn hay bạn cảm thấy khó ngủ. Thế nhưng, nếu bạn có thể thu xếp chợp mắt khoảng 15 – 30 phút thì không những giúp tăng năng suất làm việc mà còn cải thiện tâm trạng rất tốt đấy!
Giấc ngủ trưa đôi khi bị cho là tốn thời gian, nhàm chán hay là dấu hiệu của sự lười biếng. Tuy nhiên, có rất nhiều người nổi tiếng và thành công như Albert Einstein, Thomas Edison hay Winston Churchill đều ngủ trưa. Vậy giấc ngủ trưa có thật sự tốt cho sức khỏe và hiệu quả công việc?
Lợi ích của giấc ngủ trưa có thể bạn chưa biết
Giấc ngủ trưa tuy ngắn ngủi nhưng có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe sau đây.
1. Giấc ngủ trưa giúp bạn cải thiện trí nhớ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ thông tin. Bạn không cần tới tối mới ngủ để cải thiện trí nhớ vì giấc ngủ trưa cũng có thể giúp bạn ghi nhớ những điều mình tích góp được trong ngày như giấc ngủ ban đêm. Đây là chìa khóa giúp bạn không quên kỹ năng vận động, cảm giác, lời nói mình từng tiếp nhận…
2. Giấc ngủ trưa giúp bạn giải quyết công việc
Giấc ngủ trưa không chỉ hỗ trợ ghi nhớ kiến thức và thông tin mà còn có thể giúp bộ não liên kết các thông tin để xử lý vấn đề. Khi liên kết được những thông tin rời rạc, bạn sẽ giải quyết công việc nhanh gọn và hiệu quả hơn.
3. Giấc ngủ trưa giúp bạn duy trì phong độ
Khi bạn làm một công việc lặp đi lặp lại suốt cả ngày, hiệu suất sẽ dần đi xuống. Thậm chí, bạn còn có thể bị cấp trên đánh giá thấp nếu ngáp ngắn, ngáp dài trong suốt giờ làm việc. Các nghiên cứu cho thấy một giấc ngủ trưa có thể giúp bạn duy trì phong độ ổn định hơn.
4. Giấc ngủ trưa giúp bạn cải thiện tâm trạng
Khi bạn thấy buồn bã hay căng thẳng, hãy thử chợp mắt một chút để cải thiện tâm trạng. Giấc ngủ trưa có thể giúp bạn thư giãn và vui vẻ hơn. Nếu không thể ngủ được, bạn chỉ cần tạm ngưng công việc để ngả lưng nghỉ ngơi một lát cũng có tác dụng giải tỏa stress rất tốt.
5. Giấc ngủ trưa giúp bạn tỉnh táo hơn
Cảm giác lừ đừ và buồn ngủ ngay sau bữa trưa là tình trạng nhiều người gặp phải. Cảm giác này khiến bạn khó mà tỉnh táo làm việc. Đây chính là dấu hiệu chứng tỏ bạn cần một giấc ngủ trưa để có thể làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều.
6. Giấc ngủ trưa bù cho giấc ngủ buổi tối
Nếu bạn biết mình sẽ thiếu ngủ trong một hoặc hai đêm do có quá nhiều việc hay đi du lịch thì hãy chuẩn bị thời gian để có một giấc ngủ trưa. Giấc ngủ trưa sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn vào ban đêm mà không cần caffeine.
7. Giấc ngủ trưa tốt cho sức khỏe tim mạch
Một giấc ngủ trưa không những tốt cho sức khỏe tinh thần mà còn có ích cho sức khỏe thể chất. Một nghiên cứu cho thấy những người ngủ trưa trong 45 đến 60 phút có huyết áp thấp hơn sau khi bị căng thẳng. Vì vậy, bạn hãy thu xếp thời gian cho giấc ngủ trưa để tim mạch phục hồi sau khi làm việc mệt mỏi nhé.
8. Giấc ngủ trưa giúp bạn sáng tạo hơn
Bạn có để ý mình thường có nhiều ý tưởng hơn sau khi ngủ một giấc thật ngon không? Giấc ngủ REM bắt đầu khoảng 70 – 90 phút sau khi bạn ngủ kích hoạt các phần não liên quan đến hình ảnh và giấc mơ. Vậy nên đưa mình vào giấc ngủ REM sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng đột phá đấy.
9. Giấc ngủ trưa giúp bạn ngủ ngon hơn
Giấc ngủ trưa vào ban ngày có thể giúp người cao tuổi cải thiện giấc ngủ vào ban đêm. Các nghiên cứu cho thấy ngủ trưa 30 phút trong khoảng 1 – 3 giờ chiều kết hợp với những bài tập thể dục vừa phải như đi bộ và giãn cơ vào buổi tối sẽ giúp cải thiện giấc ngủ. Thói quen sinh hoạt điều độ này cũng giúp sức khỏe tinh thần và thể chất bạn tốt hơn đấy.
Các loại giấc ngủ trưa bạn đã từng trải qua
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation), giấc ngủ trưa được phân ra 3 loại.
1. Giấc ngủ trưa theo kế hoạch
Ngủ trưa theo kế hoạch hay còn được gọi là giấc ngủ trưa được lên lịch trước là khi bạn chủ động dành thời gian cho việc ngủ của mình. Đây là giấc ngủ thích hợp cho những ai biết trước mình sẽ phải thức khuya nên dành thời gian ngủ bù vào buổi trưa.
2. Giấc ngủ trưa khẩn cấp
Bạn thường ngủ trưa khẩn cấp khi cảm thấy quá sức chịu đựng và phải tạm gác mọi chuyện lại để chợp mắt một chút. Giấc ngủ trưa này dành cho những ai đột nhiên cảm thấy mệt mỏi đến nỗi không thể tiếp tục các hoạt động bình thường. Bạn cũng có thể cần giấc ngủ trưa khẩn cấp để nghỉ ngơi nếu phải lái xe đường dài.
3. Giấc ngủ trưa theo thói quen
Giấc ngủ trưa theo thói quen là giấc ngủ cùng một thời điểm mỗi ngày. Đây là giấc ngủ quen thuộc cho trẻ em hoặc dân văn phòng. Khác với ngủ trưa theo kế hoạch do cơ thể cần ngủ bù, giấc ngủ trưa theo thói quen lặp đi lặp lại hàng ngày.
Bí quyết giúp bạn có giấc ngủ trưa chất lượng
Giấc ngủ trưa có rất nhiều lợi ích cho tinh thần và thể chất. Để tận dụng tối đa lợi ích của giấc ngủ trưa, bạn có thể áp dụng các bí quyết sau:
• Tạo thói quen ngủ trưa: Bạn hãy giữ thói quen ngủ trưa mỗi ngày. Thời gian ngủ trưa thường rơi vào chính giữa ngày trong khoảng 1 – 3 giờ chiều.
• Ngủ trưa ngắn 30 phút: Bạn hãy đặt báo thức để ngủ trưa trong 30 phút hoặc ngắn hơn. Nếu ngủ quá khoảng thời gian này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.
• Điều chỉnh ánh sáng của phòng: Bạn hãy kéo rèm, tắt đèn hay đeo miếng che mắt để giữ môi trường ngủ của mình tối. Căn phòng tối hoặc có ánh sáng dịu nhẹ sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
• Giữ ấm cho cơ thể: Bạn hãy chuẩn bị sẵn chăn gối để đắp khi ngủ trưa vì nhiệt độ cơ thể sẽ giảm xuống khi ngủ và khiến bạn bị lạnh.
Một giấc ngủ trưa có thể giúp bạn tỉnh táo và duy trì hiệu suất sau một buổi sáng mệt mỏi. Thay vì uống quá nhiều cà phê có nhiều tác dụng phụ, bạn nên dành thời gian chợp mắt sẽ giúp bạn tỉnh táo một cách tự nhiên đấy!
Như Vũ | HELLO BACSI