Tên thường gọi: Bạch tật lê, tật lê
Tên gọi khác: Gai ma vương, gai sầu, gai chống, thích tật lê
Tên khoa học: Tribulus terrestris L.
Họ: Tật lê (Zygophyllaceae)
Tổng quan về dược liệu bạch tật lê
Tìm hiểu chung về bạch tật lê
Bạch tật lê là một loài cây thân thảo, mọc bò lan dưới mặt đất. Thân cành mảnh. Lá mọc đối, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tròn, mặt trên nhẵn còn mặt dưới phủ lông trắng. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá có màu vàng, cuống hoa dài có lông cứng. Quả có 5 cạnh, có gai nhọn và lông dày. Mùa hoa quả thường vào khoảng tháng 5–8.
Ở Việt Nam, bạch tật lê được tìm thấy ở vùng ven biển, từ tỉnh Quảng Bình trở vào, nhiều nhất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Cây ưa sáng, chịu được khô hạn, thường mọc thành đám nhỏ trên bãi cát ven biển. Cây con mọc từ hạt hay xuất hiện vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5–6) sau đó sinh trưởng, phát triển nhanh, bò lan trên mặt đất.
Bộ phận dùng của bạch tật lê
Bạch tật lê là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây tật lê, thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian từ lâu. Quả bạch tật lê thường được dùng sống hay hơi sao qua cho cháy gai rồi sàng bỏ gai, giã nát vụn xong dùng.
Thành phần hóa học có trong bạch tật lê
Trong quả tật lê có chứa 0,001% alkaloid, 3,5% chất béo, một ít tinh dầu, chất nhựa và rất nhiều nitrat, chất phylloerrythin (sắc tố đỏ của lá), tanin, flavonoid, rất nhiều saponin trong đó có diosgenin, gitogemin và clorogenin.
Tác dụng, công dụng của bạch tật lê
Bạch tật lê có những công dụng gì?
Bạch tật lê có vị đắng, để sống có tính bình nhưng khi sao lên có tính ấm, quy vào hai kinh can và phế. Dược liệu này có tác dụng bình can, tán phong, thông huyết, trừ thấp, tả phế, sáng mắt, cường dương, giải độc.
Trong dân gian, bạch tật lê dùng để chữa đau mắt đỏ, mắt ngứa, nước mắt ra nhiều, nhức đầu, đau cổ họng, sưng vú hay tắc sữa ở phụ nữ, khí kết hoặc huyết kết trong bụng, phong ngứa. Ngoài ra, bạch tật lê còn dùng làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, tinh dịch không bền (xuất tinh nhanh), chảy máu cam, lỵ, dùng súc miệng có thể chữa loét miệng. Để chữa đau mắt, bạn có thể cho bạch tật lê vào nước đun sôi, rót ra chén rồi hứng mắt vào hơi nước bốc lên.
Ở Ấn Độ, bạch tật lê được xem là có tác dụng lợi tiểu và bổ, dùng điều trị các bệnh sỏi và đau khi tiểu tiện. Lá được coi là có tác dụng bổ dạ dày. Bột nhão từ lá có thể được dùng để điều trị sỏi bàng quang. Rễ có tác dụng nhuận tràng và bổ. Bạch tật lê còn được dùng làm thuốc tăng trương lực tử cung.
Liều dùng của bạch tật lê
Liều dùng của bạch tật lê có thể khác nhau tùy theo mỗi người bệnh cụ thể. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Liều lượng thông thường của bạch tật lê là bao nhiêu?
Thường dùng 12–16g/ngày ở dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Một số bài thuốc dân gian có bạch tật lê
Dược liệu bạch tật lê có mặt trong những bài thuốc nào?
1. Chữa đau mặt lâu ngày, nhức mắt, hay chảy nước mắt, thị lực giảm sút:
- Bạch tật lê phơi khô trong râm, tán bột, ngày uống 8g, chia làm 2 lần uống sau bữa ăn. Uống liên tục trong thời gian dài.
- Bạch tật lê, hoa kim cúc, hạt thảo quyết minh (sao vàng), mỗi vị 10g. Đem giã nát, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống 2 lần/ngày.
2. Chữa loét miệng, viêm họng đỏ, mụn lở, sưng lợi, viêm chân răng có mủ:
- Bạch tật lê tán bột 20–30g, nấu với 3 lần nước rồi cô thành cao, trộn với một ít mật ong. Bôi lên vết thương nhiều lần trong ngày.
- Bạch tật lê, ngũ bội tử, mộc tặc, hắc phàn, khô phàn, tế tân, sinh địa, nhục quế, mỗi vị 20g; hoàng bá, thanh phàn, mỗi vị 4g. Tất cả phơi khô, tán thành bột mịn. Lấy một ít bột bôi vào chỗ viêm loét trong 5–10 phút rồi súc miệng. Ngày làm vài lần.
3. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh:
- Bạch tật lê, đương quy, mỗi vị 12g. Sắc uống 2 lần/ngày.
4. Chữa thận hư tiết tinh, di tinh, hoạt tinh (xuất tinh nhanh), liệt dương:
- Bạch tật lê 16g; kỷ tử, củ súng, hạt sen, nhị sen, thỏ ty tử, quả ngấy hương, ba kích, quả kim anh (bỏ ruột), mỗi vị 12g. Sắc lấy nước uống.
5. Chữa trẻ em đái dầm:
- Bạch tật lê 8g; hoàng kỳ 12g; đương quy, bạch thược, phục linh, sơn thù, thăng ma, tang phiêu tiêu, ích mẫu, ích trí nhân, mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
6. Chữa suy nhược thần kinh:
- Bạch tật lê 8g; phục linh 12g; hương phụ, uất kim, chỉ xác, mỗi vị 8g. Sắc uống một thang mỗi ngày.
7. Chữa di chứng tai biến mạch máu não:
- Bạch tật lê 12g; câu đằng, hy thiêm, mỗi vị 16g; thiên ma, cương tằm, ngô đồng mỗi vị 12g; địa long 10g, nam tinh 8g. Sắc uống 1 thang/ngày.
8. Chữa khí hư (nội bổ hoàn):
- Bạch tật lê 8g; thỏ ty tử 12g; phụ tử chế, tử uyển, hoàng kỳ, liên nhục, kim anh, khiếm thực, mỗi vị 8g; nhức quế 4g; lộc nhung 2g.
9. Chữa chàm (tứ vật tiêu phong ẩm gia giảm):
- Bạch tật lê 8g; thục địa, sinh địa, kinh giới, mỗi vị 16g; đương quy, bạch thược, thương truật, phòng phong, mỗi vị 12g; khổ sâm, thuyền thoái, bạch tiên bì, mỗi vị 8g.
10. Chữa lở ngứa ngoài da:
- Bạch tật lê, thổ phục linh, mỗi vị 12g; kinh giới, ké đầu ngựa, mỗi vị 8g; ý dĩ 6g. Sắc uống 2 lần/ngày.
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng bạch tật lê
Khi sử dụng bạch tật lê, bạn nên lưu ý những gì?
Những người huyết hư khí yếu không nên sử dụng bạch tật lê. Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng bạch tật lê với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn khi sử dụng bạch tật lê
Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng bạch tật lê trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Bạch tật lê có thể tương tác với những gì?
Bạch tật lê có thể tương tác với một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hay các dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng, bạn hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi muốn dùng dược liệu này.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.