Bắp cải vốn dĩ là món ăn khá quen thuộc trong mỗi bữa cơm của nhiều gia đình Việt. Ngoài vị giòn, ngọt tự nhiên, loại rau này còn mang lại vô vàn những giá trị sức khỏe thiết thực, đặc biệt là với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Nếu bé yêu đã bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm và mẹ đang nghĩ đến việc cho con ăn bắp cải thì Chúng tôi mời bạn tìm hiểu ngay những lợi ích, thời điểm thích hợp và cách để trẻ làm quen với món ăn này nhé!
Dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn đầu đời là điều hết sức quan trọng. Thế nhưng, việc lựa chọn thực phẩm và cho con ăn uống sao cho hợp lý không phải bà mẹ nào cũng nắm rõ. Thực tế, cải bắp tuy rất ngon, bổ nhưng nếu không cẩn trọng thì trẻ ăn vào chẳng những không sinh lợi mà còn dễ gặp phải những nguy hại khôn lường đến sức khỏe.
Để tránh tình trạng này xảy ra, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến việc tiêu thụ loại thực phẩm này qua bài viết sau đây.
Bật mí những giá trị dinh dưỡng nhận được khi ăn bắp cải
Bắp cải là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể, chẳng hạn như: vitamin A, C, E, canxi, phospho, sắt cùng những hợp chất mang hoạt tính điển hình là carotene. Những thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Điểm thú vị là hàm lượng vitamin C có trong loại rau họ cải này cao hơn nhiều so với cam. Không những vậy, bản thân nó còn sở hữu nhiều chất xơ hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ rất tốt.
Hai trong số những loại bắp cải phổ biến được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là bắp cải xanh và tím. Tuy vậy, bắp cải tím được cho là “nhỉnh” hơn đôi chút về giá trị dinh dưỡng so với người anh em còn lại. Theo thống kê, một bát bắp cải tím bổ sung lượng vitamin A cao gấp 10 lần và sắt cao hơn gấp đôi so với bắp cải xanh.
Trẻ nhỏ ăn bắp cải và những lợi ích sức khỏe tuyệt vời
Với những thành phần dinh dưỡng nêu trên, bắp cải xứng đáng có mặt trong thực đơn ăn uống ở mọi lứa tuổi. Dưới đây là những giá trị sức khỏe mà loại rau này mang lại cho trẻ nhỏ:
1. Tốt cho hệ tiêu hóa
Như đã đề cập ở trên, bắp cải là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Thành phần này khi vào ruột sẽ hút nước, trương nở làm tăng thể tích và làm mềm phân. Không những vậy, nó còn kích thích nhu động ruột, tăng co bóp để tống xuất phân ra ngoài. Chính những điều này giúp cho trẻ đi ngoài dễ hơn, từ đó bài trừ những độc tố tích trữ trong cơ thể.
Bắp cải còn có chứa hợp chất gọi là glucosinolate, chất này được thủy phân bởi một số loại vi sinh đường ruột để phục vụ cho việc sử dụng prebiotics. Đây là yếu tố rất cần thiết nhằm đảm bảo cân bằng hệ vi sinh trong ruột.
2. Tốt cho tim mạch
Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên ăn các loại rau hấp thuộc họ Brassica chẳng hạn như bắp cải sẽ phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lý giải cho lợi ích này, các nhà khoa học cho biết hợp chất glucosinolate có khả năng giảm viêm và chống lại tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể. Những tác dụng này rất cần cho việc tăng cường sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, hàm lượng kali cao trong bắp cải còn giúp giảm các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp, đồng thời hạn chế tình trạng tắc nghẽn các mạch máu đến tim.
3. Trẻ ăn bắp cải để tăng cường miễn dịch
Tác dụng này của bắp cải là nhờ vào sự hiện diện của hàm lượng cao hợp chất anthocyanins. Thành phần này được biết là có tác dụng chống viêm và làm gia tăng hình thành cytokine trong cơ thể. Theo đó, các cytokine giữ vai trò điều chỉnh các phản ứng miễn dịch. Đặc biệt, anthocyanins được tìm thấy rất nhiều trong các loại trái cây hoặc rau củ có màu đỏ đậm hoặc tím.
Hé lộ thời điểm thích hợp để mẹ giới thiệu bắp cải cho bé
Từ thời điểm 8 tháng tuổi, mẹ đã có thể cho bé ăn bắp cải. Về nguyên tắc, cũng như bao loại thức ăn đặc khác, bắp cải cần được nấu chín kỹ và xay nhuyễn để trẻ dễ nuốt và tiêu hóa tốt.
Trong trường hợp nếu lo lắng bé yêu nhà bạn dễ gặp chứng đầy hơi khi ăn bắp cải, tốt nhất bạn chỉ nên dùng phần lá và bỏ phần gân lá ở giữa trước khi chế biến. Lời khuyên là bạn nên hấp chín bắp cải và kết hợp chung với các loại rau khác nhằm tránh hiện tượng lá rau bị nát mà vẫn giữ lại độ giòn, ngọt tự nhiên.
Trẻ như thế nào thì không nên ăn bắp cải?
Đây có lẽ là thắc mắc của không ít các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ. Dù rằng không thể phủ nhận những tác dụng tuyệt vời của bắp cải, tuy nhiên loại rau này sẽ không phù hợp nếu con bạn rơi vào một trong những trường hợp sau đây:
1. Trẻ có hệ tiêu hóa kém
Bắp cải được ví như “thuốc nhuận tràng” tự nhiên bởi nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào. Thế nên, trẻ được chẩn đoán là có hệ tiêu hóa kém, đang bị tiêu chảy cần hạn chế tiêu thụ loại rau này.
Với trẻ lớn hơn nếu cho con ăn quá nhiều bắp cải (đặc biệt là các món sống như salad, dưa muối) rất dễ dẫn đến hiện tượng đầy hơi, khó tiêu do sinh nhiều khí trong bụng.
2. Trẻ bị suy giáp
Hai trong số những tác dụng của bắp cải được đề cập trong bài viết đều đến từ glucosinolate. Thế nhưng trong một số trường hợp, chất này lại bị thủy phân tạo thành isothiocyanate và thiocyanate có thể gây bệnh tuyến giáp. Vì thế, bố mẹ tốt hơn nên nên loại bỏ bắp cải khỏi khẩu phần ăn của bé nhằm tránh cho tình trạng suy giáp thêm trầm trọng.
3. Trẻ sắp trải qua phẫu thuật không nên ăn bắp cải
Các bác sĩ khuyên rằng, bố mẹ nên kiêng cho trẻ ăn bắp cải ít nhất hai tuần trước khi tiến hành phẫu thuật. Bởi lẽ, loại rau này có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và gây cản trở việc kiểm soát đường huyết trong và sau khi phẫu thuật.
Nhìn chung, bắp cải là lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn của trẻ khi con bước vào giai đoạn ăn dặm. Điều quan trọng là bố mẹ nên cho bé ăn bắp cải đã nấu chín, tuyệt đối tránh dùng sống kể cả với trẻ lớn. Nếu bé yêu có nằm trong những trường hợp không nên tiêu thụ loại rau này, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của con.