Duy trì chỉ số đo huyết áp ở mức ổn định đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh lý như suy tim hay đột quỵ. Sự kết hợp của thuốc cùng lối sống lành mạnh có thể giúp bạn làm điều này.
Bạn thường sử dụng máy đo huyết áp để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân nhưng lại chưa hiểu rõ kết quả hiển thị mang ý nghĩa gì? Ngoài ra, bạn vẫn còn chưa rõ sự khác biệt giữa cao huyết áp và hạ huyết áp. Hãy để Chúng tôi giải đáp giúp bạn nhé.
Ý nghĩa chỉ số đo huyết áp
Mọi người đều muốn có huyết áp khỏe mạnh. Tuy nhiên, rất ít người hiểu được ý nghĩa của các chỉ số đo huyết áp này.
Khi bác sĩ đo huyết áp cho bạn, kết quả trên máy đo huyết áp sẽ thể hiện dưới dạng phân số, với tử số là tâm thu và mẫu số là tâm trương, ví dụ như 120/80mmHg.
Số phía trên đề cập đến lượng áp lực trong động mạch khi cơ tim co bóp, được gọi là huyết áp tâm thu. Số dưới cùng liên quan đến huyết áp khi cơ tim giãn ra, gọi là huyết áp tâm trương. Cả hai con số này đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe tim của bạn.
Nếu kết quả hiện ra số lớn hơn phạm vi lý tưởng, điều này chứng tỏ tim bạn đang làm việc quá sức để bơm máu đến những cơ quan khác trong cơ thể.
Phạm vi lý tưởng là như thế nào?
Phạm vi lý tưởng đại diện cho mức huyết áp bình thường, tức là kết quả huyết áp tâm thu thuộc khoảng 90 – 120mmHg và huyết áp tâm trương trong tầm 60 – 80mmHg. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) quy định, huyết áp bình thường khi cả huyết áp tâm thu lẫn tâm trương đều phải nằm trong phạm vi lý tưởng.
Chỉ số đo huyết áp được biểu thị bằng milimét thủy ngân, ký hiệu là mmHg. Phạm vi lý tưởng của một người lớn là từ 90/60mmHg – 120/80mmHg.
Nếu chỉ số đo huyết áp của bạn thuộc phạm vi lý tưởng, bạn sẽ không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào. Tuy nhiên, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh cũng như cân nặng lý tưởng để phòng ngừa huyết áp tăng đột ngột tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là hai biện pháp hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý về thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình nếu tình trạng tăng huyết áp xảy ra ở họ.
Giai đoạn tiền cao huyết áp
Chỉ số đo huyết áp lớn hơn 120/80mmHg là một dấu hiệu cảnh báo bạn cần xây dựng những thói quen tốt cho tim.
Nếu chỉ số đo huyết áp tâm thu của bạn nằm trong khoảng từ 120–129mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg, điều đó có nghĩa bạn đang ở giai đoạn tiền cao huyết áp.
Mặc dù các chuyên gia không xếp những con số này vào phạm vi cao huyết áp, chỉ số đo huyết áp của bạn thực tế đã vượt qua mức lý tưởng. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng của bạn sẽ tiến vào giai đoạn cao huyết áp rất nhanh, đồng thời đẩy mạnh tốc độ xảy ra biến chứng suy tim và đột quỵ.
Khi ở giai đoạn tiền cao huyết áp, bạn không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị. Thời gian này, những gì bạn cần làm là xây dựng lối sống lành mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp của bạn xuống phạm vi lý tưởng. Bên cạnh đó, nó cũng giúp ngăn ngừa tình trạng tiền cao huyết áp phát triển thành cao huyết áp thực sự.
Cao huyết áp: Giai đoạn 1
Bạn sẽ được chẩn đoán đang ở giai đoạn 1 của cao huyết áp khi chỉ số đo huyết áp tâm thu đạt từ 130 – 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 80 – 89mmHg.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý rằng nếu máy đo chỉ cho kết quả cao như vậy một lần duy nhất, bạn chưa chắc đã bị cao huyết áp. Để xác định chính xác bạn có đang ở giai đoạn 1 của cao huyết áp hay không, bạn cần đo nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định và lấy mức trung bình từ các chỉ số đo huyết áp đó.
Bác sĩ sẽ giúp bạn đo và theo dõi huyết áp để xác nhận rằng liệu nó có quá cao hay không. Bạn có thể phải bắt đầu dùng thuốc khi tình trạng huyết áp không cải thiện sau một tháng áp dụng các thói quen lành mạnh, đặc biệt nếu nguy cơ suy tim chạm mức báo động. Trong trường hợp tình trạng sức khỏe của bạn khả quan hơn, bác sĩ có thể muốn theo dõi từ 3–6 tháng sau khi bạn đã thay đổi và áp dụng lối sống lành mạnh.
Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên và tình trạng sức khỏe không có gì bất thường, bác sĩ vẫn có thể sẽ đề nghị bạn dùng thuốc điều trị cũng như cải thiện một vài thói quen lành mạnh khi chỉ số đo huyết áp tâm thu của bạn lớn hơn 130mmHg. Những phương pháp điều trị cho người lớn tuổi, đặc biệt nếu họ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Điều trị cao huyết áp ở người cao tuổi là một cách giảm thiểu các vấn đề về trí nhớ và chứng sa sút trí tuệ.
Cao huyết áp: Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 của cao huyết áp cho thấy bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn này, chỉ số đo huyết áp của bạn sẽ từ 140/90mmHg trở lên.
Trong trường hợp bạn bước vào giai đoạn 2, bác sĩ sẽ khuyên dùng một hoặc nhiều loại thuốc để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ dựa vào thuốc mà còn phải tập các thói quen sống lành mạnh để nâng cao tỷ lệ thành công của quá trình điều trị.
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa như:
- Thuốc ức chế men chuyển ACE giúp ngăn chặn các chất làm căng mạch máu.
- Thuốc chẹn alpha dùng để giãn nở động mạch.
- Thuốc chẹn beta có khả năng làm giảm nhịp tim và ngăn chặn các chất làm căng mạch máu.
- Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng làm giãn nở mạch máu và giảm khối lượng công việc của tim.
- Thuốc lợi tiểu giúp giảm lượng chất lỏng trong cơ thể, bao gồm cả mạch máu.
Khu vực nguy hiểm
Chỉ số đo huyết áp trên 180/120mmHg thể hiện bệnh đang ở mức báo động. Các chuyên gia gọi tình trạng này là tăng huyết áp khẩn cấp.
Bạn nên tìm và chọn biện pháp điều trị khẩn cấp khi chỉ số đo huyết áp nằm trong khu vực nguy hiểm. Thông thường, ở giai đoạn này, bạn sẽ gặp phải những triệu chứng như:
- Tức ngực
- Khó thở
- Suy giảm thị giác
- Các triệu chứng của đột quỵ, chẳng hạn như tê liệt hoặc mất kiểm soát cơ mặt và tứ chi
- Đi tiểu ra máu
- Chóng mặt
- Đau đầu
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng đôi khi chỉ số đo huyết áp chỉ ở mức nguy hiểm một lần và sẽ giảm xuống mức lý tưởng. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đo lại huyết áp sau vài phút. Nếu chỉ số đo huyết áp của lần hai vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm, bạn sẽ cần điều trị càng sớm càng tốt, thậm chí là ngay lập tức, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà các triệu chứng biểu hiện.
Một số biện pháp phòng ngừa cao huyết áp
Bạn có thể áp dụng những phương pháp duy trì huyết áp ở mức lý tưởng ngay cả khi tình trạng sức khỏe vẫn đang ổn định. Điều này giúp bạn giảm thiểu nguy cơ phát sinh cao huyết áp cùng những biến chứng kèm theo như suy tim hay đột quỵ.
Nếu bạn lớn tuổi, các biện pháp phòng ngừa cao huyết áp càng quan trọng hơn. Huyết áp tâm thu có xu hướng tăng lên khi bạn qua tuổi 50, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch vành và các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hay suy thận. Hãy tham vấn cùng bác sĩ để tìm ra giải pháp quản lý sức khỏe tổng quan hợp lý, nhằm ngăn ngừa cao huyết áp.
Các biện pháp phòng ngừa dưới đây có thể giúp hạ huyết áp:
Giảm hàm lượng natri
Bạn cần giảm hàm lượng natri mà cơ thể hấp thụ. Đặc biệt, một số người nhạy cảm với tác dụng của natri chỉ nên hấp thụ tối đa 2.300mg chất dinh dưỡng vi lượng này mỗi ngày. Người đang ở độ tuổi trung niên nếu bị tăng huyết áp có thể cần giới hạn mức hấp thụ natri ở khoảng 1.500mg.
Bạn có thể thực hiện phương pháp này bằng cách hạn chế nêm muối trong món ăn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn. Các chuyên gia đã xác nhận rằng những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp thường chứa nhiều chất béo và natri.
Giảm hàm lượng caffeine
Bạn có thể giảm hàm lượng caffeine mà cơ thể hấp thụ bằng cách hạn chế uống cafe. Hãy trò chuyện với bác sĩ để tìm hiểu kỹ hơn về mối tương quan giữa caffeine và chỉ số đo huyết áp.
Rèn luyện thể chất
Biện pháp phòng ngừa thứ 3 chính là tập thể dục thường xuyên. Chăm chỉ tập thể dục là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc duy trì chỉ số đo huyết áp ở phạm vi lý tưởng. Bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày thay vì chỉ vài giờ vào cuối tuần. Hãy bắt đầu từ những hoạt động nhẹ như tập yoga.
Duy trì cân nặng lý tưởng
Nếu bạn đã sở hữu một cân nặng lý tưởng, hãy cố gắng duy trì nó. Nếu thừa cân, bạn cần lưu ý giảm từ từ vì khi giảm liền từ 2 – 5kg có thể ảnh hưởng đến chỉ số đo huyết áp.
Kiểm soát căng thẳng
Bạn có thể kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân bằng các bài tập thể dục vừa phải như yoga hoặc ngồi thiền trong 10 phút.
Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn và bỏ thuốc lá
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trạng mà bạn có thể chỉ cần hạn chế uống rượu hoặc ngưng sử dụng loại thức uống chứa cồn này vĩnh viễn. Mặt khác, thói quen hút thuốc cần được bỏ hoàn toàn. Hút thuốc lá không chỉ có hại cho phổi mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của tim.
Trường hợp chỉ số đo huyết áp quá thấp
Nếu chỉ số đo huyết áp của một người quá thấp, chẳng hạn như dưới 90/60mmHg, người đó sẽ được chẩn đoán là huyết áp thấp. Huyết áp thấp cũng là một loại tình trạng sức khỏe nguy hiểm vì nó chứng tỏ tim không đủ sức bơm máu đi nuôi cơ thể.
Một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây hạ huyết áp bao gồm:
- Vấn đề tim mạch
- Mất nước
- Mất máu
- Nhiễm trùng máu
- Sốc phản vệ
- Suy dinh dưỡng
- Vấn đề nội tiết tố
- Tác dụng phụ của một số thuốc
Huyết áp thấp thường đi kèm với chóng mặt. Bạn hãy tham vấn cùng bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây hạ huyết áp cũng như lựa chọn phương pháp điều trị.
Tổng kết
Hãy nhớ rằng chỉ số đo huyết áp của một lần chưa nói lên được điều gì. Bạn cần lấy kết quả trung bình từ những lần đo huyết áp trong một khoảng thời gian nhất định mới chính xác. Đây cũng là nguyên nhân các chuyên gia khuyến nghị bạn nên đến bệnh viện để đo huyết áp mỗi năm ít nhất một lần. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể yêu cầu được kiểm tra thường xuyên hơn nếu chỉ số đo huyết áp của bạn không nằm trong phạm vi lý tưởng.