Xỏ khuyên trên cơ thể không còn là chuyện quá xa lạ. Không chỉ khuyên tai, mà nhiều bộ phận trên cơ thể cũng có thể được xỏ khuyên tùy theo cá tính của chủ nhân. Nhưng trước khi quyết định tác động vào cơ thể mình, hãy chắc chắn bạn đã xem xét những yếu tố sau.
1. Khả năng nhiễm trùng
Nếu bạn đang bị nhiễm trùng hoặc có vết thương hở, hãy kiên nhẫn chờ đến khi khỏi hẳn mới nghĩ đến việc xỏ khuyên. Nếu không, nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao, đặc biệt là khi xỏ khuyên ở những cơ sở không đảm bảo tiệt trùng.
2. Hiểu biết về sức khỏe chính mình
Nếu bạn có vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc suy yếu hệ miễn dịch, rủi ro nhiễm trùng khi xỏ khuyên sẽ cao hơn hẳn người bình thường. Lưu ý nhé!
3. Môi trường sống của bạn
Một chiếc khuyên mũi trông rất cá tính khi bạn 20. Nhưng thử tưởng tượng nó sẽ không phù hợp khi bạn bước sang 30 hoặc bạn đang làm việc tại văn phòng. Còn nếu bạn thường xuyên tháo khuyên ra để phù hợp với môi trường thì lại làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Nếu bạn đang chơi một môn thể thao có tiếp xúc hoặc cọ sát thường xuyên với khuyên, vùng da tại lỗ xỏ sẽ dễ bị tổn thương
4. Tìm hiểu thời gian hồi phục
Với các vị trí khác nhau, thời gian để vết thương lành miệng cũng thay đổi, tai và mũi có thể sẽ lành nhanh trong khi lưỡi, ngực hoặc vùng kín thường sẽ mất rất lâu để chấm dứt tình trạng đau đớn và rỉ máu.
5. Tìm hiểu cơ địa của bạn
Không phải tất cả mọi cơ thể đều phù hợp với việc xỏ khuyên. Với một vài người, xỏ khuyên rốn là rất dễ dàng trong khi một số người khác có cấu tạo da không phù hợp để neo giữ vật thể lạ.
6. Tìm một thợ xỏ khuyên chuyên nghiệp
Có những vị trí nhạy cảm và mất nhiều thời gian hồi phục nếu xỏ khuyên. Đôi khi, bạn chỉ mất 5 phút để xỏ khuyên nhưng tận 5 tuần để vết thương lành. Một nơi đáng để bạn tin tưởng phải đảm bảo dùng dụng cụ tiệt trùng và tuân theo các biện pháp an toàn như kiểm soát máu và nhiễm trùng. Vì vậy, hãy chọn một người với chuyên môn và tay nghề cao sẽ giúp bạn tránh khỏi nhiễm trùng và hồi phục nhanh hơn.