Thính lực sẽ giảm sút khi chúng ta lớn lên và già đi. Đây là điều mà hầu hết mọi người đều nhận thấy. Có 2 trường hợp phổ biến dẫn đến việc chúng ta dần mất đi thính lực theo thời gian: tuổi tác và tiếng ồn.
Khi bạn già đi, những tế bào lông nhỏ ở tai trong bắt đầu bị phá hủy và không thể tiếp nhận những rung động nhất định như trước nữa. Thêm vào đó, tiếng ồn quá lớn có thể hủy hoại các tế bào lông bên trong tai, dẫn tới tình trạng mất thính lực sớm.
Chúng tôi sẽ cung cấp một số bí quyết để giúp đôi tai của bạn luôn trẻ trung thính nhạy, tránh việc mất thính lực do tiếng ồn hoặc do các nguyên nhân về tuổi tác.
Bài viết bạn có thể quan tâm: “Mất thính giác: Nguyên nhân và Triệu chứng”
1. Tránh những tiếng ồn có cường độ lớn
Cách tốt nhất để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng mất thính lực do tiếng ồn là tránh xa những tiếng ồn lớn hết mức có thể. Có thể bạn sẽ tự hỏi: “Tiếng ồn tới mức nào thì được cho là quá ồn?”. Điều này còn tùy vào từng người, nhưng khách quan mà nói thì một tiếng ồn được cho là quá lớn, đủ để làm hỏng thính giác của bạn nếu bạn nhận thấy những biểu hiện sau đây:
- Bạn cảm thấy cần phải nói lớn giọng để người khác có thể nghe được
- Bạn gặp khó khăn trong việc nghe những người xung quanh nói chuyện
- Đau tai
- Bạn bị ù tai hoặc nghe những âm thanh vo ve
Cách duy nhất để đo độ lớn của tiếng ồn là dùng đơn vị decibel (dB). Số đo càng lớn thì tiếng ồn càng to. Âm thanh vượt quá 85 dB có thể làm tổn hại đến đôi tai, đặc biệt là nếu bạn tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian dài.
Một vài ví dụ về âm thanh và cường độ của chúng:
- Tiếng thì thầm của ai đó = 30 dB
- Tiếng 2 người trò chuyện = 60 dB
- Tiếng xe cộ và các phương tiện giao thông = 80-85 dB
- Tiếng động cơ xe máy = 90 dB
- Tiếng phát nhạc lớn qua tai nghe = 100 dB
- Tiếng của máy bay khi cất cánh = 120 dB
Với công nghệ trong tầm tay, chúng ta có thể đo lường rất dễ dàng cường độ của tiếng ồn. Bạn chỉ cần cài đặt một ứng dụng trên điện thoại thông minh của mình, hiệu chỉnh cho phù hợp là sẽ có được những thông tin chính xác về cường độ tiếng ồn mà bạn tiếp xúc.
Bài viết bạn có thể quan tâm: “Chấn thương tai do âm thanh”
2. Cẩn trọng khi nghe nhạc
Nghe tiếng nhạc lớn qua tai nghe có thể là một trong những việc nguy hiểm nhất mà bạn làm với thính lực của chính mình. Khi đeo tai nghe để nghe nhạc, bạn cố gắng tách biệt khỏi những âm thanh khác bên ngoài và có xu hướng mở âm lượng nhạc ở mức lớn nhất. Xin đừng quên rằng việc chỉnh mức âm lượng nhạc nhỏ hơn dù chỉ một ít thôi cũng sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn đối với sức khỏe của bạn đấy.
Để cải thiện thính lực của bản thân, bạn có thể cân nhắc những cách sau:
- Chọn mua những loại tai nghe có công năng lọc tiếng ồn thay vì mở lớn âm lượng để át tiếng ồn bên ngoài.
- Điều chỉnh âm lượng ở mức vừa đủ nghe, đừng mở lớn hơn.
- Tránh mở nhạc ở với âm lượng vượt quá 60% mức âm lượng tối đa.
- Đừng dùng tai nghe liên tục lâu hơn 1 tiếng đồng hồ. Hãy cố gắng tạo những khoảng nghỉ nhỏ chừng 10 phút để đôi tai được thư giãn, tránh bị tổn hại.
3. Bảo vệ tai khi tham gia những sự kiện có nhiều tiếng ồn
Khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn liên tục trong thời gian dài, chúng ta sẽ dần mất khả năng nghe mà không hề hay biết. Nguyên nhân là vì những tổn thương do tiếp xúc với tiếng ồn lớn diễn ra từ từ, và chúng ta sẽ không nhận ra điều gì cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn. Tiếp xúc với tiếng ồn lớn cũng có thể gây ù tai (nghe thấy âm thanh vo ve hoặc những âm thanh lạ khó chịu khác trong đầu hoặc bên trong tai), dần dà dẫn tới việc mất thính lực ở cả hai bên tai.
Điều quan trọng là bảo vệ đôi tai của bạn tránh xa khỏi những tiếng ồn đặc biệt lớn ở những nơi như quán bar, các buổi hòa nhạc, câu lạc bộ đêm, các khu vực đường đang thi công, sự kiện thể thao…
Xin lưu ý một vài điều sau:
- Tránh khỏi các nguồn tiếng ồn lớn.
- Tìm cách để đôi tai được nghỉ ngơi, thoát khỏi tiếng ồn sau mỗi 15 phút.
- Sau những khi phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn vượt ngưỡng cho phép, hãy dành chừng 18 giờ đồng hồ để đôi tai của bạn được phục hồi.
- Cân nhắc việc đeo nút tai. Bạn có thể mua loại nút tai dành cho nghệ sĩ, loại có thể tái sử dụng để giảm âm lượng nhạc mà không làm biến dạng âm gây giảm chất lượng nhạc.
4. Thêm một vài bài tập cardio (loại hình thể dục giúp làm tăng nhịp tim) vào thời gian biểu
Tăng cường thính lực bằng các bài tập thể dục. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, sức khỏe hệ tim mạch được nâng cao góp phần làm tăng độ tinh nhạy của thính giác. Có sự liên hệ giữa hệ thống tim mạch với khả năng hoạt động của các cơ quan và mô ở tai trong.
Việc tập thể thao giúp tăng cường lưu thông máu. Máu lưu thông đến từng cơ quan, bộ phận trong cơ thể, bao gồm các xương ở tai và các cơ bắp. Các chất dinh dưỡng như chất chống oxy hóa và các loại protein bảo vệ chúng ta khỏi tình trạng sốc nhiệt cũng theo dòng lưu thông đó, được truyền khắp các hệ thống trong cơ thể và giúp cải thiện thính lực.
- Khi tập thể dục nhằm ngăn ngừa tình trạng mất thính lực, bạn cần thực hiện các bài tập với nhiều hoạt động cơ bắp như đi bộ, đạp xe, bơi lội kéo dài ít nhất 20-30 phút/lần, duy trì thực hiện 5 ngày/tuần.
- Hãy thử các bài tập aerobic. Các bài tập này có thể giúp luân chuyển máu từ các bộ phận ít hoạt động chuyển hóa của cơ thể (các bộ phận và mô của tai trong) sang các bộ phận có nhiều hoạt động chuyển hóa hơn (các cơ xương tham gia vào quá trình tập luyện thể thao).
5. Thực hiện những hoạt động luyện tập giúp tăng cường thính lực
Bộ não con người đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý tín hiệu âm thanh mà tai chúng ta tiếp nhận và chúng ta không thể nào lờ chúng đi. Một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Pennsylvania đã chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng mất thính lực với các vấn đề tâm lý khác như lo lắng và trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy mất thính lực có thể dẫn đến teo chất xám ở các khu vực thính giác của não, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Do đó, một số hoạt động trí óc như giải câu đố và trò chơi âm thanh có thể giúp bạn trở nên minh mẫn, thông tuệ hơn.
- Hãy bắt đầu với các trò chơi chiến lược. Các trò chiến lược, giải ô chữ và những hoạt động kích thích trí tuệ là hình thức tuyệt vời giúp rèn luyện trí não. Những trò chơi này dựa trên nền tảng là năng lực của não bộ trong việc hình thành và duy trì các liên kết về mặt nhận thức. Bạn cũng hãy thử chơi bài, giải câu đố, hay các trò chơi bao gồm những con số và từ như Scrabble and Sudoku.
- Thực hành trò chuyện, giao tiếp ở những nơi ồn ào bằng cách mô phỏng những môi trường đó ở nhà. Bạn có thể dễ dàng bật radio hay tivi ở mức âm lượng bình thường, rồi nói chuyện với những người khác trong cùng căn phòng đó. Tập trung vào cuộc đối thoại trong khi vẫn bật các âm thanh khác. Làm như vậy sẽ giúp bạn hướng sự tập trung chú ý vào những gì quan trọng và rèn luyện cho đôi tai khả năng lọc bỏ những âm thanh không cần thiết.
- Luyện tập định hướng nguồn âm thanh. Hãy nhắm mắt lại, nhờ một ai đó lẳng lặng di chuyển đến các nơi khác nhau trong căn phòng hay ngôi nhà và tạo ra tiếng động. Sau đó, bạn sẽ phải định hướng nguồn âm thanh và ước đoán khoảng cách.
- Luyện tập nhận biết các loại âm thanh. Hãy đến một nơi tương đối yên tĩnh, nhắm mắt lại và cố gắng nhận biết các loại âm thanh khác nhau ở xung quanh, cả âm thanh ở gần lẫn ở xa. Càng luyện tập nhiều thì bạn càng nhận ra nhiều âm thanh.
6. Tập yoga
Yoga là hình thức luyện tập phổ biến vì nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có một số bài tập yoga tốt giúp cải thiện thính lực. Mục đích chính của những bài tập yoga này là tăng cường tuần hoàn máu trong đôi tai và não bộ. Tăng lưu thông máu giúp cải thiện chức năng thần kinh, loại bỏ chất thải và độc tố.
Các tư thế yoga cùng các bài luyện tập thở sau giúp tăng cường oxy trong máu lưu thông đến tai:
- Tadasana – Tư thế cây: Tadasana là một bài tập vươn duỗi và hít thở tốt cho toàn cơ thể. Tadasana giúp duỗi thẳng cánh tay, lồng ngực, cơ bụng, cột sống và cơ chân, mang lại cảm giác cân bằng.
- Trikonasana – Tư thế tam giác: Tư thế tam giác giúp cải thiện độ linh hoạt của cột sống, điều chỉnh phần vai; giảm đau lưng, tăng lưu lượng máu, mát xa và làm săn chắc các cơ quan vùng chậu cùng với dây chằng ở cánh tay và chân.
- Dhanusana – Tư thế cúi đầu: Tư thế cúi đầu rất tốt cho việc tăng cường sức mạnh của cơ bụng. Động tác này có tác dụng mát xa toàn bộ vùng bụng, tăng cường lưu thông máu từ vùng bụng đến não, kích hoạt hệ thống tiêu hóa của bạn, chống táo bón.
- Bhujangnasana – Tư thế rắng hổ mang: Tư thế rắn hổ mang giúp mổ rộng phần ngực và giảm độ căng, đặc biệt là khi bạn bị căng thẳng và mệt mỏi trong người. Tư thế này tăng cường và làm săn chắc cơ lưng, giảm căng cơ và các cơn đau nhức ở phần lưng dưới.
7. Thay đổi chế độ ăn
Các loại thực phẩm được kết hợp đa dạng trong bữa ăn của bạn có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết đảm bảo cho sự vận hành chức năng tai diễn ra bình thường, đảm bảo cho một sức khỏe tốt. Hãy giữ cho chế độ ăn của bạn có ít chất béo động vật bão hòa và carbohydrate tinh chế. Thực phẩm giàu chất béo có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho tai (do cholesterol tích tụ) và các bộ phận khác của cơ thể.
- Ăn các loại cá sống ở vùng nước lạnh như cá hồi (salmon, trout), cá trích, kết hợp cùng các loại hạt, ngũ cốc trong chế độ ăn hàng ngày của bạn, và quan trọng nhất là rau với trái cây tươi.
- Hấp thụ thật nhiều chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại quá trình lão hóa và trung hòa các gốc oxy tích tụ gây hại cho cơ thể.
- Bổ sung đầy đủ vitamin B3 và vitamin B6. Vitamin B3, hay còn gọi là niacin, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu đến tai và khắp cơ thể bằng cách làm mở rộng các mạch máu nhỏ. Vitamin B6, hay còn gọi là Pyridoxamine, rất cần thiết đối với một hệ thần kinh khỏe mạnh.
- Bổ sung đầy đủ vitamin B12 + vitamin B9. Vitamin 12 và vitamin B9 (folate) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của não bộ và hệ thống thần kinh, cũng như trong sự quá trình tạo máu và hình thành DNA. Thiếu vitamin B12 có thể liên quan đến rối loạn chức năng thính giác do vấn đề tuổi tác, vì vậy điều quan trọng là phải hấp thụ đủ lượng vitamin này thông qua thực phẩm hoặc các biện pháp bổ sung.
8. Giữ ống tai ngoài sạch sẽ
Đôi khi các mảnh vụn hoặc ráy tai có thể chặn làm tắc ống tai ngoài. Đây là một nguyên nhân rất phổ biến của mất thính lực dẫn. Nói chung, ráy tai có đặc tính kháng khuẩn bảo vệ và có một ít ráy tai là chuyện bình thường đối với người bình thường có sức khỏe tốt. Hầu hết các ống tai đều có cơ chế tự làm sạch, tuy nhiên trong một vài trường hợp, chúng bị tắc hoặc chịu ảnh hưởng nào đó, dẫn đến tình trạng mất thính lực một phần.
- Que ngoáy tai đầu bông chắc chắn không phải là dụng cụ lý tưởng để làm sạch sâu trong ống tai. Có lẽ sẽ tốt hơn khi chúng ta xem xét các phương pháp khác, như là nhỏ giọt dầu khoáng hoặc dầu em bé vào tai bị tắc.
- Hãy thử dùng hydrogen peroxide. Có thể sử dụng giọt hydrogen peroxide để làm sạch tai của bạn và hòa tan ráy tai một cách an toàn. Tuy nhiên, có thể xuất hiện cảm giác bỏng nhẹ trong vài phút.
- Sử dụng ống tiêm. Bằng cách sử dụng ống tiêm, bạn có thể nhẹ nhàng rửa sạch ống tai bằng nước hay dung dịch muối. Phương pháp này thường sẽ có hiệu quả hơn nếu sử dụng một số loại chất làm mềm sáp khoảng 15-30 phút trước khi nhỏ.
- Tránh sử dụng tăm bông. Bạn cần tránh làm sạch tai bằng tăm bông vì ráy tai có thể bị đẩy sâu hơn vào trong tai. Một khi ráy tai đã đóng đầy, ống tai có thể bị ảnh hưởng và gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Bài viết bạn có thể quan tâm: “Vì sao không nên dùng tăm bông để vệ sinh tai?”