Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ em. Tuy vậy, nhiều bố mẹ lại ít quan tâm đến nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt trong chế độ ăn ở trẻ gây ra những hậu quá khó lường.
Hồng cầu phân bổ oxy đến mô và các cơ quan của cơ thể. Mỗi tế bào hồng cầu được cấu tạo từ hemoglobin, trong nhân lại chứa sắt. Sắt được ví như một liều “tăng lực” cho hemoglobin đủ sức mang oxy trong máu đến những nơi cần. Thiếu sắt có thể dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt, một tình trạng thường gặp ở trẻ em.
Thiếu máu do thiếu sắt là gì?
Thiếu máu do thiếu sắt thường do nguyên nhân thiếu sắt trong chế độ ăn hằng ngày. Điều đó có nghĩa là cơ thể người bệnh không tạo đủ hemoglobin, từ đó giảm số lượng hồng cầu, gây ra thiếu máu. Khi một người bị thiếu máu do thiếu sắt, lượng oxy đến tế bào và mô giảm, ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể. Sắt đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của cơ, tạo năng lượng và phát triển não bộ. Do đó, hệ quả của thiếu sắt ở trẻ em là rối loạn hành vi và học tập.
Trẻ em có nguy cơ cao thiếu sắt
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được nuôi bằng sữa mẹ nên thường có đủ sắt từ nguồn sữa mẹ cho tới khi bắt đầu ăn dặm. Kể cả khi không bú sữa mẹ, trẻ cũng được ăn sữa công thức mà đa phần sữa công thức ngày nay đều được bổ sung sắt đủ để cơ thể phát triển. Trong khi đó, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo là lứa tuổi dễ bị chứng thiếu máu thiếu sắt do chế độ ăn mất cân bằng, uống quá nhiều sữa bò và ăn ít thực phẩm giàu sắt như các loại thịt đỏ và rau xanh. Sữa bò không chỉ chứa ít sắt mà còn khiến cơ thể trẻ khó hấp thu sắt hơn.
Đối với trẻ ăn chay, chế độ ăn thường khiến trẻ không hấp thu đủ sắt bởi thịt là nguồn cung cấp sắt nhiều nhất và dễ hấp thu nhất, hơn hẳn các nguồn sắt từ thực vật.
Trẻ vị thành niên thường bị thiếu máu thiếu sắt do sự tăng trưởng nhanh chóng khi dậy thì, nhất là với trẻ gái, bởi cơ thể của các bé không dự trữ đủ lượng sắt cần thiết mà lại bị mất sắt quá nhiều khi bắt đầu hành kinh.
Triệu chứng nào báo hiệu trẻ bị thiếu sắt?
Triệu chứng của thiếu sắt bao gồm:
- Mệt mỏi và yếu ớt;
- Da nhợt, đặc biệt là da tay, móng và kết mạc mắt;
- Tim đập nhanh;
- Dễ kích ứng;
- Biếng ăn;
- Chóng mặt hoặc uể oải.
Trẻ cần bao nhiêu sắt?
Trẻ mới sinh thường có đủ sắt từ nguồn sữa mẹ cho tới khi được 4-6 tháng. Sau khi được 4-6 tháng, trẻ thường được cho ăn bổ sung thêm thịt băm hoặc ngũ cốc có bổ sung sắt. Lượng sắt mà trẻ cần hấp thu hằng ngày là 11mg.
Trẻ ở lứa tuổi 1-3 tuổi học cần 7mg sắt mỗi ngày, trẻ 4-8 tuổi cần 10mg và trẻ 9-13 tuổi cần 8mg mỗi ngày.
Trẻ vị thành niên cần khoảng 11mg sắt mỗi ngày, nhưng bé gái cần thêm khoảng 4mg, tức là khoảng 15mg sắt mỗi ngày.
Với những vận động viên trẻ tuổi, việc thường xuyên luyện tập cũng làm hao hụt sắt trong cơ thể và cần bổ sung sắt bằng nhiều loại thực phẩm. Riêng với những trẻ ăn chay cần phải uống viên bổ sung sắt để đảm bảo lượng sắt nhu cầu.
Trẻ nên ăn những loại thực phẩm nào để bổ sung sắt?
Dưới dây là những thực phẩm giàu chất sắt mà mẹ nên cân nhắc cho vào bữa ăn của bé:
- Thịt bò, thịt heo, thịt cừu và hải sản;
- Đậu hũ;
- Các loại đậu hạt;
- Trái cây khô;
- Rau xanh đậm;
- Ngũ cốc bổ sung sắt, bánh mì và mì ống.
Ngoài ra, để đảm bảo cơ thể trẻ hấp thu được lượng sắt trong thực phẩm, bạn cần:
- Giới hạn lượng sữa uống vào khoảng 450-700ml mỗi ngày;
- Cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn các loại ngũ cốc bổ sung sắt cho tới khi được 18-24 tháng tuổi;
- Cho trẻ ăn bổ sung các loại thức ăn chứa vitamin C như cà chua, cam và dâu tây. Vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt một cách tốt nhất;
- Tránh để bé uống trà hoặc cà phê vào bữa ăn, cả hai chất đều chứa tannin, là chất khiến cơ thể giảm hấp thu sắt.
Sắt là nguyên tố vi lượng vô cùng cần thiết vì chỉ một lượng nhỏ thôi cũng trở thành yếu tố sống còn đối với cơ thể. Để bé yêu luôn khỏe mạnh, bố mẹ hãy quan tâm tìm hiểu để bổ sung sắt kịp thời và phù hợp với lứa tuổi của con, bạn nhé.