Việc làm sạch tai tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không thực hiện đúng cách sẽ khiến đôi tai của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đôi tai cũng cần được bảo vệ đúng cách để sức khỏe thính lực của bạn được duy trì ở trạng thái tốt nhất. Bạn cần biết khi nào cần vệ sinh tai và cách làm sạch tai đúng để tránh gây nguy hiểm cho tai.
Tại sao bạn có ráy tai?
Ráy tai được sinh ra theo một cơ chế hoạt động rất bình thường của cơ thể. Ráy tai giúp bảo vệ và giữ ẩm đôi tai của bạn. Ngoài ra, ráy tai còn hoạt động như một bộ lọc, giữ cho bụi bẩn và vi khuẩn không xâm nhập vào trong tai.
Tai bạn có chức năng tự làm sạch nhờ vào khả năng kháng khuẩn ở ráy tai. Khi bạn nhai hoặc cử động hàm nói chung, ráy tai sẽ tự động di chuyển ra khỏi ống tai. Lúc này, ráy tai sẽ khô và tự rơi ra ngoài.
Khi nào bạn nên làm sạch tai?
Thật ra thì tai bạn có cơ chế tự làm sạch. Tuy nhiên, nếu xuất hiện quá nhiều ráy tai và bạn bắt đầu cảm thấy các triệu chứng bít tắc ở một hoặc cả hai tai thì có thể bạn đang bị chứng nút ráy tai. Bạn có thể trải qua các triệu chứng sau đây:
- Đau tai
- Tai có mùi khó chịu
- Có cảm giác ù tai
- Giảm khả năng nghe
- Cảm giác tai bị bít
Đây là lúc bạn cần làm sạch tai, nhưng quan trọng là bạn phải thực hiện đúng cách, nếu không sẽ khiến ráy tai bị đẩy sâu vào bên trong hơn nữa.
Bạn làm sạch tai như thế nào?
Cách an toàn nhất để loại bỏ ráy tai là đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp ráy tai quá cứng hoặc nằm quá sâu bên trong, nếu không cẩn thận, bạn có thể sơ ý làm trầy xước niêm mạc ống tai ngoài, gây chảy máu khi lấy ra.
Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp bình thường, bạn vẫn có thể tự lấy ráy tai ở nhà. Điều quan trọng là bạn phải phân biệt được đâu là những cách làm sạch tai đúng và sai.
Những cách làm sạch tai đúng
Làm sạch tai đúng cách sẽ giúp bạn lấy ráy tai ra ngoài hiệu quả mà không ảnh hưởng xấu đến thính lực.
1. Dùng vải mềm làm sạch tai
Bạn có thể dùng vải mềm thấm ướt rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng ngoài tai. Khi lau, bạn nhớ cử động nhẹ nhàng để tránh làm xước hoặc gây thêm những thương tổn cho tai nhé.
2. Dùng dung dịch làm sạch tai
Các dung dịch nhỏ tai thường được bán tại các nhà thuốc. Bạn có thể dễ dàng làm sạch tai theo các chỉ dẫn và liều dùng ghi trên nhãn dung dịch. Bạn có thể sử dụng một số dung dịch làm mềm ráy tai sau đây:
- Dầu khoáng
- Dầu dưỡng cho em bé (baby oil)
- Glycerin
- Peroxide
- Oxy già (hydrogen peroxide)
- Nước muối sinh lý
Bạn có thể nhỏ một lượng thích hợp dung dịch làm sạch tai vào tai, đợi một lúc rồi sau đó rửa sạch tai. Bạn lưu ý tuân theo đúng chỉ dẫn đối với từng loại dung dịch cụ thể. Nếu bạn vẫn gặp phải các triệu chứng khó chịu thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay nhé.
3. Dùng ống tiêm làm sạch tai
Trong quy trình này, bạn sẽ nhẹ nhàng rửa sạch tai với nước sạch hoặc nước muối sinh lý bằng ống tiêm. Phương pháp này thường có hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng dung dịch làm mềm ráy tai trước đó khoảng 15–30 phút. Sau khi thực hiện phương pháp này, bạn có thể hơi bị chóng mặt đôi chút nhưng triệu chứng này hoàn toàn bình thường.
Những cách làm sạch tai sai lầm
Làm sạch tai sai cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không thể phục hồi. Vì thế, bạn nên tránh các sai lầm sau đây:
1. Rửa tai quá thường xuyên
Do tai có cơ chế tự làm sạch nên việc lấy ráy tai hàng ngày là không cần thiết. Hơn nữa, tai của bạn cũng cần đến ráy tai để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các loại côn trùng nhỏ vô tình chui vào tai. Bạn chỉ nên lấy ráy tai khi thực sự cảm thấy khó chịu và bít tắc trong tai.
2. Dùng bông ráy tai
Nhiều người sử dụng bông ráy tai vì dễ mua, dễ sử dụng và không quá đắt. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng bông ráy tai thường xuyên, bạn có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong nữa. Điều này có thể làm giảm hiệu quả rung của màng nhĩ và làm tổn thương thính giác vĩnh viễn.
3. Dùng nến xông tai
Nến xông tai là một cây nến rỗng ruột được làm bằng sáp ong. Có quan niệm cho rằng việc đốt cây nến rỗng ruột sẽ tạo thành một lực hút, qua đó hút ráy tai và chất bẩn trong tai. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết việc dùng nến xông có thể gây bỏng nghiêm trọng bên trong tai.
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy dùng nến xông tai không hề có tác dụng làm sạch tai và thậm chí có thể gây tổn thương nặng nề cho tai.
Cũng như nhiều bộ phận khác trên cơ thể, bạn có thể tự làm sạch tai ngay tại nhà. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là nên vệ sinh đúng cách để tránh các nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Nếu bạn vẫn gặp vấn đề khó chịu sau khi vệ sinh tai thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời nhé.
Tuyết Trinh | HELLO BACSI