Bệnh zona thần kinh có lây không là câu hỏi có câu trả lời dài dòng nhưng Chúng tôi khuyến khích bạn tìm hiểu. Nếu câu trả lời chỉ là có hoặc không sẽ không diễn tả được hết cách một người mắc zona.
Bệnh zona thần kinh còn gọi là bệnh zona, tiếng Anh gọi là shingles, trong dân gian còn được gọi là “giời leo”.
Thực tế, tên gọi giời leo chưa hẳn đã chính xác. Biểu hiện mụn nước mọc thành chùm không chỉ là do bệnh giời leo mà còn có thể là triệu chứng của các bệnh khác như viêm da tiếp xúc, vết côn trùng cắn hoặc bệnh herpes miệng.
Tóm tắt về bệnh zona thần kinh
Nguyên nhân gây bệnh zona là do virus varicella-zoster tái hoạt động. Người bị nhiễm virus này sẽ bị bệnh thủy đậu trước. Sau khi hết thủy đậu, hầu hết virus trong máu đã bị tiêu diệt nhưng một số vẫn tồn tại và trú ẩn trong hạch dây thần kinh cảm giác.
Virus ẩn náu mà không gây bất cứ triệu chứng nào. Y học vẫn chưa có cách tìm và diệt chúng. Chúng đợi đến khi người bệnh già yếu, stress nặng hoặc suy giảm miễn dịch sẽ tái hoạt động. Bấy giờ, chúng di chuyển từ hạch thần kinh theo dây thần kinh cảm giác ra da. Thời gian virus tái hoạt động cũng là lúc các triệu chứng bệnh zona xuất hiện.
Bệnh có triệu chứng điển hình là các mụn nước mọc thành mảng ở một bên thân người (bên trái hoặc bên phải) và nằm trong một vùng da trên cơ thể kéo dài từ lưng ra bụng (giống quấn dây nịt). Các triệu chứng kèm theo có thể là đau rát, châm chích, khó chịu ở vùng da nhiễm bệnh. Mảng mụn nước thường thấy ở thân người nhưng cũng có thể xuất hiện ở mặt, mắt, miệng, tai và các vùng khác. Thông thường, bệnh nhân zona sẽ tự khỏi bệnh trong khoảng 1 tháng kể từ ngày xuất hiện triệu chứng.
Nguy cơ mắc bệnh zona tăng lên theo độ tuổi. Trẻ em bị bệnh zona thường có các triệu chứng nhẹ, thời gian bệnh ngắn và ít biến chứng hơn người cao tuổi.
Zona thần kinh ở mắt là thể bệnh nghiêm trọng, chiếm 10-20% trường hợp bệnh zona và cần phải được điều trị ngay khi nghi ngờ mắc bệnh.
Biến chứng đau thần kinh sau zona là biến chứng thường gặp nhất của bệnh và gây khó chịu, đau đớn, mất ăn mất ngủ. Thậm chí, người bệnh sẽ bị suy nhược, trầm cảm. Cách điều trị có nhiều khó khăn và cần phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ.
Tiêm vaccine phòng bệnh hiện là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Bệnh zona thần kinh có lây không?
Người bệnh zona không thể lây bệnh trực tiếp cho người khác.
Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với mụn nước trên cơ thể người bệnh zona, bạn có khả năng bị nhiễm virus varicella-zoster (nguyên nhân gây bệnh). Khi bạn bị nhiễm virus mà trước đây bạn chưa bị thủy đậu hoặc chưa chích vaccine thủy đậu thì bạn có nguy cơ phát bệnh thủy đậu. Sau khi lành bệnh thủy đậu, bạn có thể bị zona.
May mắn là việc nhiễm virus từ mụn nước zona ít khi xảy ra. Khi tổn thương trên da người bệnh zona đã lành, người đó không còn khả năng lây virus cho người khác.
Cách tránh lây nhiễm virus cho người khác
Để tránh virus varicella-zoster lây lan, bệnh nhân zona cần lưu ý:
◊ Che phủ mảng mụn nước trên da.
◊ Cố gắng tránh đụng chạm và gãi vào vùng mụn nước.
◊ Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là trước và sau khi chăm sóc vùng tổn thương.
Cố gắng tránh tiếp xúc với các đối tượng sau cho đến khi lành bệnh:
◊ Phụ nữ có thai chưa bị thủy đậu hoặc chưa chích ngừa thủy đậu.
◊ Trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân.
◊ Người bị suy giảm miễn dịch, ví dụ: người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người đang trong đợt hóa trị, đã cấy ghép nội tạng, nhiễm HIV.
Kiều Tuấn Anh / HELLO BACSI