Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là tình trạng các mạch máu ở chân và bàn chân bị thu hẹp, bệnh này thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 (những người này cũng có nguy cơ bị cholesterol trong máu cao và bị bệnh tim mạch).
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), “Người lớn bị tiểu đường mắc bệnh liên quan đến tim có tỷ lệ tử vong cao gấp 2–4 lần so với người không bị tiểu đường”. Triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim đã rất cao.
Những nguyên nhân của bệnh là gì?
Ở người bị bệnh, chất béo lắng đọng trong các mạch máu làm hạn chế dòng chảy tuần hoàn máu và oxy đến chân hay bàn chân. Tùy thuộc vào mức độ hạn chế dòng máu mà bệnh có thể gây ra các triệu chứng như đau ở bắp chân khi đi bộ, cảm giác tê, ngứa ran, lạnh trong lúc nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh không có triệu chứng vì trong những trường hợp này, bệnh có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ, vốn bất ngờ mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh, nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ sẽ tăng rất mạnh. Theo Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, bệnh động mạch ngoại biên là yếu tố dự báo mạnh của nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong do nguyên nhân tim mạch.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên gấp ba lần. Nhiều người bị bệnh động mạch ngoại biên có thể không biết điều đó, chính vì vậy mà dù bệnh này rất thường gặp nhưng nó lại thường xuyên bị xem nhẹ. Bạn có thể có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên nếu có một hoặc nhiều hơn các yếu tố sau đây:
- Tiền sử gia đình về bệnh tim
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Béo phì
- Trên 40 tuổi
- Từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Không tập thể dục
- Hút thuốc
Nếu bị tiểu đường, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ bằng cách điều trị bệnh cho các mạch máu.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Thật không may, đối với nhiều người, bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng thường là:
- Bị chuột rút ở bắp chân khi đi bộ hoặc leo cầu thang.
- Cảm giác tê hoặc lạnh ở cẳng chân.
- Da chân nhợt nhạt hoặc chuyển xang màu xanh tái.
- Nhiễm trùng hoặc lở loét trên bàn chân hoặc chân.
- Rụng lông ở chân hoặc bàn chân.
- Thời gian lành vết thương kéo dài.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh như thế nào?
Chỉ số huyết áp mắt cá chân – cánh tay (ABI) là một xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm này so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay. Nếu huyết áp ở mắt cá chân thấp hơn so với huyết áp ở cánh tay, bạn có thể mắc bệnh. Xét nghiệm này rất có ích cho những người bị bệnh tiểu đường dưới 50 tuổi nếu họ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác.
Các xét nghiệm khác cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh:
- Chụp động mạch vành: Thuốc cảm quang được tiêm vào mạch máu bằng cách sử dụng một ống thông và chụp X-quang để hiển thị xem động mạch có bị thu hẹp hoặc bị chặn hay không.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của những mạch máu trên màn hình.
- MRI (chụp cộng hưởng từ): Sử dụng các kỹ thuật quét đặc biệt để phát hiện tắc nghẽn trong mạch máu.
Điều trị bệnh động mạch ngoại biên đối với người bị bệnh tiểu đường?
Những người bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ rất cao bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, do đó, quan trọng là phải điều trị được các yếu tố nguy cơ tim mạch. Dưới đây là một số cách bạn có thể làm để làm giảm nguy cơ:
- Bỏ hút thuốc.
- Mục tiêu HbA1C dưới 7%. Xét nghiệm HbA1C đo đường huyết trung bình trong máu (đường) trong 2–3 tháng.
- Hạ huyết áp xuống dưới 140/80 mmHg.
- Nồng độ cholesterol LDL dưới 100 mg/dl.
- Trao đổi với bác sĩ về việc dùng aspirin hoặc các thuốc kháng kết tập tiểu cầu khác. Những loại thuốc này đã được chứng minh làm giảm các cơn đau tim và đột quỵ ở những người bị bệnh động mạch ngoại biên.
Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng việc tập thể dục chẳng hạn như đi bộ, có thể vừa điều trị vừa phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên. Thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng phẫu thuật để điều trị bệnh:
- Nong mạch, còn được gọi là tạo hình động mạch bằng bóng: một ống nhỏ với một quả bóng đi kèm được chèn luồn vào động mạch; sau đó quả bóng được bơm căng, mở rộng động mạch bị hẹp. Một ống dây kim loại, gọi là giá đỡ, có thể được đặt vào giúp cho động mạch không bị hẹp lại.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: mạch máu được lấy từ phần khác của cơ thể và ghép vào để rẽ máu khỏi động mạch bị chặn.