Bệnh chlamydia và bệnh lậu: Điểm giống và khác nhau

(3.72) - 33 đánh giá

Chlamydia và bệnh lậu đều là những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD hay STI). Những ai quan hệ tình dục bằng miệng, bộ phận sinh, hậu môn đều có khả năng mắc bệnh.

Các triệu chứng của hai bệnh nhiều khi trùng lặp, khó xác định. Khi nghĩ mình có bệnh, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để xét nghiệm và nhận được chẩn đoán chính xác.

Bệnh chlamydia là gì?

Chlamydia là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến, gây ra bởi vi khuẩn chlamydia trachomatis. Bệnh có thể lây nhiễm ở cả nam và nữ. Phụ nữ bị nhiễm chlamydia ở cổ tử cung, trực tràng hoặc cổ họng. Đàn ông bị nhiễm chlamydia ở niệu đạo (bên trong dương vật), trực tràng hoặc cổ họng.

Khi thai phụ bị chlamydia, em bé mới sinh có khả năng cũng bị nhiễm bệnh ở mắt và phổi.

Bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu cũng là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất, xuất hiện ở nam và nữ. Bệnh lậu ảnh hưởng đến niệu đạo, trực tràng, cổ họng (qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục bằng cơ quan sinh dục, bằng hậu môn hoặc bằng miệng). Bệnh lậu có thể lây nhiễm vào cổ tử cung ở nữ giới.

Trẻ sơ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh lậu nếu người mẹ mắc bệnh.

So sánh triệu chứng bệnh chlamydia và bệnh lậu

Chlamydia và lậu đều không phát triển triệu chứng rõ rệt. Thậm chí, có người còn không biết mình mắc bệnh vì không nhận thấy điều gì khác thường.

Dấu hiệu bệnh chlamydia đôi khi không xuất hiện trong khoảng vài tuần kể từ lúc bị nhiễm bệnh.

Dấu hiệu của bệnh lậu ở nam giới thường nghiêm trọng hơn nữ giới. Có trường hợp các chị em không thấy bất kỳ triệu chứng nào hoặc nếu có thì chỉ ở mức độ nhẹ.

Các triệu chứng trùng lặp giữa hai căn bệnh này (ở cả hai giới) như sau:

  • Đau rát khi đi tiểu
  • Tiết dịch bất thường ở cơ quan sinh dục, màu sắc cơ quan sinh dục có sự thay đổi
  • Trực tràng (chỗ hậu môn) đau, tiết dịch bất thường, chảy máu
  • Nam giới bị sưng bất thường ở tinh hoàn và bìu, đau khi xuất tinh
  • Đau họng, ho (với trường hợp bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng)

Triệu chứng khác của bệnh chlamydia

Ở nam giới

  • Ngứa, nóng rát ở niệu đạo (ống dẫn nước tiểu)
  • Đau ở tinh hoàn
  • Nếu không điều trị thì nhiễm trùng gây sưng ở mào tinh hoàn và tinh hoàn, có khả năng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Ở nữ giới

  • Đau bụng, đau vùng xương chậu
  • Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ
  • Ra huyết bất thường

Phụ nữ có khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu viêm nhiễm lan lên tử cung và ống dẫn trứng. Điều này dễ kéo theo chứng bệnh viêm vùng chậu (PID) với các triệu chứng:

  • Sốt
  • Cảm thấy mệt mỏi, trong người có bệnh
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau dữ dội vùng xương chậu

Triệu chứng khác của bệnh lậu

  • Trực tràng: Ngứa hậu môn, tiết dịch giống ở trực tràng, cảm giác căng ở hậu môn khi đi tiêu và bị chảy máu (thấy các đốm máu thấm trên giấy vệ sinh)
  • Mắt: đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và chảy dịch giống như mủ ở một hoặc cả hai mắt
  • Họng: các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng cổ họng như đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Khớp: nếu một hoặc nhiều khớp bị nhiễm khuẩn (viêm khớp do nhiễm trùng) thì các khớp bị ảnh hưởng có thể ấm, đỏ, sưng và cực kỳ đau

Nguyên nhân gây bệnh

Cả hai bệnh đều do vi khuẩn. Bệnh chlamydia do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra, trong khi neisseria gonorrhoeae là “thủ phạm” của bệnh lậu.

Con đường lây truyền của bệnh chlamydia và bệnh lậu

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng
  • Quan hệ tình dục không có sự xâm nhập. Bệnh vẫn có thể lây nhiễm khi có tiếp xúc với bộ phận sinh dục của người bị nhiễm bệnh
  • Có dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục nhưng áp dụng không đúng cách hoặc có sự cố với lớp màng bảo vệ (bao cao su bị rách)

Bạn có thể tham khảo thêm: Cách sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị một trong hai (hoặc cả hai) bệnh này.

Bạn có thể tham khảo thêm: Nhiễm nấm chlamydia trong thai kỳ và cách điều trị

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Những đối tượng sau có khả năng mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục:

  • Có nhiều bạn tình cùng lúc
  • Không áp dụng đúng cách các biện pháp bảo vệ an toàn (bao cao su dùng cho nam – nữ, tấm bảo vệ miệng…)
  • Có thói quen thụt rửa âm đạo. Thói quen này khiến âm đạo bị kích thích tiêu diệt các vi khuẩn có lợi bảo vệ vùng nhạy cảm
  • Đã từng bị nhiễm bệnh STI (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục)

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm

Việc chẩn đoán, xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu dựa trên những phương pháp khá tương tự nhau.

  • Khám thực thể để rà soát các triệu chứng của bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và kiểm tra sức khỏe tổng thể
  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm xem có vi khuẩn gây bệnh hay không
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm khuẩn
  • Nuôi cấy mẫu dịch tiết từ dương vật, âm đạo hoặc hậu môn để kiểm tra những dấu hiệu của nhiễm trùng

Điều trị

Cả hai bệnh chlamydia và bệnh lậu đều điều trị được bằng kháng sinh, nhưng khả năng tái nhiễm sẽ cao nếu đã bị STI trước đó.

Điều trị bệnh chlamydia

Chlamydia thường được điều trị bằng:

  • Một liều azithromycin uống một lúc hoặc dùng dàn trải trong một tuần hoặc hơn
  • Doxycycline dạng viên, uống hai lần mỗi ngày, dùng trong khoảng một tuần

Các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau vài ngày kể từ lúc bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ xác nhận là tình trạng nhiễm trùng đã được chữa dứt.

Điều trị bệnh lậu

Bác sĩ sẽ kê toa ceftriaxone dưới dạng tiêm, cũng như azithromycin đường uống để điều trị bệnh lậu. Đây được gọi là điều trị kép.

Sử dụng cả hai loại kháng sinh giúp điều trị tình trạng nhiễm trùng tốt hơn so với chỉ sử dụng một loại duy nhất.

Tương tự như với bệnh chlamydia, bệnh nhân được yêu cầu không quan hệ tình dục cho đến khi hết nhiễm trùng.

Vi khuẩn gây bệnh lậu có nhiều khả năng kháng kháng sinh hơn vi khuẩn gây bệnh chlamydia. Khi người bệnh bị nhiễm một chủng kháng thuốc, họ sẽ được bác sĩ khuyên dùng các loại kháng sinh thay thế.

Biến chứng

Biến chứng chung ở nam và nữ

  • Một số bệnh STI khác: Mắc bệnh chlamydia hoặc lậu khiến bạn dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, kể cả HIV. Mắc bệnh chlamydia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lậu và ngược lại.
  • Viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter): Đây là biến chứng do bệnh chlamydia, ở người bị bệnh lậu không có biến chứng này. Viêm khớp phản ứng là tình trạng nhiễm trùng trong đường tiết niệu (niệu đạo, bàng quang, thận và niệu quản – các ống nối thận với bàng quang) hoặc ruột. Triệu chứng của nó là đau, sưng, căng tức ở các khớp hoặc mắt.
  • Vô sinh.

Biến chứng ở nam giới

  • Nhiễm trùng tinh hoàn (viêm mào tinh hoàn): Vi khuẩn chlamydia hoặc lậu có thể lây lan sang các ống bên cạnh hai tinh hoàn, dẫn đến nhiễm trùng và viêm mô tinh hoàn, khiến tinh hoàn bị sưng, đau.
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt): Vi khuẩn từ cả hai bệnh chlamydia và bệnh lậu lây lan đến tuyến tiền liệt, khiến người bệnh bị đau khi đi tiểu hay xuất tinh, đồng thời gây sốt, đau ở vùng lưng dưới.

Biến chứng ở nữ

  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): PID xảy ra khi tử cung hoặc ống dẫn trứng bị nhiễm trùng. Bệnh cần được điều trị để ngăn ngừa những tổn thương sau này ở cơ quan sinh sản.
  • Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh: Cả hai bệnh đều có khả năng lây từ mẹ sang con, trong quá trình sinh nở. Em bé được sinh ra qua đường âm đạo, nơi các mô âm đạo bị nhiễm khuẩn thì có trường hợp bị nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi.
  • Thai ngoài tử cung: Bệnh chlamydia và lậu khiến trứng được thụ tinh dính vào mô bên ngoài tử cung. Phụ nữ mang thai ngoài tử cung sớm muộn cũng sẽ sảy, bị đe dọa tính mạng cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

3 phương pháp trị mụn trứng cá từ cơ bản đến chuyên sâu

(74)
Mụn trứng cá tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đôi khi chúng khiến nhiều người mang tâm lý căng thẳng, mất tự tin, lo âu kéo dài và ... [xem thêm]

Bạn nên làm gì khi bị đau răng khôn?

(39)
Để tránh những biến chứng cũng như tình trạng khó chịu khi bị đau răng khôn, hãy thử áp dụng các cách giảm đau tại nhà giúp bạn cảm thấy thoải mái ... [xem thêm]

Bạn cần biết gì khi cho trẻ 3 tuổi ăn?

(46)
Bé lúc này đã trong độ tuổi sắp đi học, vì vậy bạn cần rèn luyện để bé có được thái độ tốt nhất khi ăn uống. Lý tưởng nhất, bé không còn coi ... [xem thêm]

Trị liệu và tư vấn tâm lý

(95)
Thế nào là trị liệu? Trị liệu và tư vấn tâm lý là phương pháp chữa bệnh nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tâm thần cho những bệnh nhân bị rối ... [xem thêm]

11 siêu thực phẩm làm tóc nhanh dài

(65)
Mái tóc dài bồng bềnh, chắc khỏe luôn là mơ ước của nhiều cô gái. Thực tế, có rất nhiều cách làm tóc nhanh dài, một trong số đó là chế độ ăn uống ... [xem thêm]

15 loại thảo dược cực kỳ tốt cho sức khỏe mọi người

(28)
Các loại thảo dược như gừng, tỏi, ngò tây, hương thảo… có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và có thể thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày để giúp ... [xem thêm]

Lý do khiến trẻ bị chảy máu mũi vào ban đêm khi ngủ

(34)
Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ không quá nguy hiểm nhưng bạn cũng cần chú ý những dấu hiệu kèm theo và sơ cứu đúng cách để trẻ không bị mất máu quá ... [xem thêm]

5 mẹo bảo quản trái cây và rau củ tươi lâu

(41)
Một trong những thủ phạm lớn nhất khiến rau củ quả, trái cây bị hư hỏng là do thời tiết nóng ẩm và một loại khí là etylen. Etylen được sinh ra tự nhiên ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN