Trẻ sơ sinh có thể gặp phải nhiều vấn đề về quá trình tiêu hóa thức ăn nên hay gặp phải một số triệu chứng như nôn trớ, ợ hơi hay nấc cụt. Nếu bố mẹ tìm ra được nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời thì con yêu sẽ không còn gặp phải những hiện tượng trên nữa.
Cho bé ăn uống đúng cách là điều cần thiết để hạn chế nhiều vấn đề phát sinh trong lúc ăn. Ợ hơi, nấc cụt hay nôn trớ là 3 hiện tượng thường gặp nhất ở trẻ khiến bố mẹ không khỏi lo lắng cho con. Bài viết sau đây xin chia sẻ cùng các bậc cha mẹ đặc điểm cũng như biện pháp xử lý hiệu quả những hiện tượng trên.
Làm gì để hạn chế ợ hơi khi cho bé ăn?
Hầu hết trẻ nhỏ thường rất hiếu động và hay nghịch ngợm cả lúc bố mẹ cho bé ăn. Điều này có thể khiến bé gặp phải những vấn đề về quá trình tiêu hóa thức ăn. Cụ thể bé sẽ nuốt phải không khí trong lúc đang ăn. Đối với cả các bé đang bú sữa mẹ hay trong giai đoạn tập ăn dặm, chứng ợ hơi thường hay xảy ra. Nếu bé đùa nghịch trong lúc ăn, tốt nhất bạn nên ngưng việc cho ăn của bé vào lúc này. Nếu bạn cứ tiếp tục ép bé ăn chỉ làm tăng cảm giác không thoải mái và khiến bé nôn trớ thêm thôi.
Một trong các cách hiệu quả là bạn cho bé ợ thường xuyên, ngay cả khi bé không cảm thấy thoải mái. Bạn nên ngưng lại hoặc thay đổi vị trí sẽ khiến việc nuốt thức ăn chậm lại và giảm lượng không khí bé nuốt vào. Nếu con bạn đang bú bình, bạn nên cho bé ợ sau khi uống khoảng 60−90 ml. Nếu bé đang trong giai đoạn bú sữa mẹ, bé sẽ không nuốt quá nhiều không khí vào, vì vậy, bạn không cần cho bé ợ thường xuyên.
Bố mẹ làm gì khi bé nấc cụt thường xuyên?
Một vài trẻ có thể bị nấc cụt thường xuyên và điều này thường khiến bố mẹ lo lắng. Nếu con bạn bị nấc cụt thường xuyên khi đang cho bú, bạn hãy thử thay đổi vị trí, cố gắng cho bé ợ và giúp bé có cảm giác thoải mái nhất. Đợi khi cơn nấc cụt qua đi, bạn có thể cho bé ăn hoặc bú sữa tiếp.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nấc cụt không tự biến mất sau 5−10 phút, bố mẹ có thể tiếp tục cho bé ăn trong vài phút. Việc này có thể giúp ngăn các cơn nấc cụt. Khi bạn cho bé ăn, cần giữ bé ở trạng thái yên lặng, không ngọ ngoậy, quấy phá và nên cho bé ăn trước khi cơn đói xuất hiện. Điều này có thể giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về quá trình tiêu hóa thức ăn khi cho bé ăn.
Mẹo giúp giảm hiện tượng nôn trớ
Nôn trớ là một trong những vấn đề liên quan đến quá trình tiêu hóa thức ăn thường gặp ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, bố mẹ không thể chấm dứt tình trạng nôn trớ ở bé một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, những mẹo dưới đây sẽ giúp con giảm số lần nôn trớ:
- Cho bé ăn trong trạng thái bình tĩnh, yên lặng và thoải mái;
- Tránh làm gián đoạn, gây tiếng ồn, bật đèn quá sáng hay những hoạt động khiến bé bị phân tán trong quá trình ăn;
- Cho các bé bú sữa bình ợ hơi sau mỗi 3−5 phút. Ngoài ra, cần tránh cho bé ăn khi đang nằm ngủ. Sau khi cho bé ăn, bạn có thể giữ bé đứng khoảng 20−30 phút;
- Đừng đợi đến khi con đói lả rồi mới cho ăn.
Để giúp bé có thể phát triển khỏe mạnh, bố mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc và quan tâm đến những biểu hiện dù là nhỏ nhất ở con. Hy vọng với một số gợi ý trên, bố mẹ có thể giúp bé yêu giảm bớt hiện tượng ợ hơi, nấc cụt hay nôn trớ.