Bài 21 – Thời kỳ hậu sản

(3.81) - 26 đánh giá

Cái này chắc cần đọc lúc chuẩn bị có thai, hoặc muộn lắm là trong thai kỳ. Thật sự, thời kỳ hậu sản bạn sẽ “rối bù”, không biết đọc lúc nào, và khó có mối bận tâm nào khác ngoài con người bé nhỏ vừa xuất hiện trong đời bạn… Hạnh phúc có, nhiều bất ngờ có, và cũng không ít lo lắng, mệt mỏi.

Một vài điều về em bé mới sinh

Bé sẽ chuyển đổi từ môi trường ấm áp, riêng tư – trong tử cung mẹ sang một môi trường lạnh hơn và ồn ào hơn. Bác sĩ sẽ có cách đánh giá bé 1 phút sau sanh, 5 phút sau sanh bằng một số các yếu tố như nhịp thở, màu da, nhịp tim…(gọi là chỉ số Apgar). Những yếu tố này chỉ giúp xem bé thích nghi với môi trường bên ngoài như thế nào ngay sau sanh, không thể tiên đoán sức khoẻ và sự phát triển trong tương lai của bé.

Sự thay đổi nhiệt độ môi trường cũng là một “thử thách” không nhỏ. Bé cần được ủ ấm ngay sau sanh. Vài ngày sau đó, nhiệt độ quanh bé cũng cần được quan tâm. Nguyên tắc chung là bé cần hơn một lớp áo quần so với bạn. Nghĩa là, nếu bạn chỉ cần áo mỏng thì bé chỉ cần thêm một lớp chăn nhẹ ngoài áo mặc. Việc ủ quá mức làm bé nóng và chậm thích nghi với môi trường ngoài.

Bé sẽ được khám, tiêm ngừa và thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc. Vì vậy, khi chọn lựa nơi sinh, bạn nên tham khảo cơ sở y tế thực hiện đầy đủ các điều cần thiết này.

Xem thêm bài Chăm sóc trẻ sơ sinh

Tuần đầu sau sinh của mẹ

Nếu sanh thường, thời gian nằm viện thường ngắn hơn so với mổ lấy thai. Việc nằm viện bao lâu tuỳ thuộc chủ yếu vào tình trạng sức khoẻ của bạn. Thông thường, bác sĩ sẽ hẹn bạn tái khám khoảng 2-6 tuần sau sanh. Mấy điều bạn cần lưu tâm

  • Ra huyết: sau sanh, cơ thể bạn sẽ tống xuất máu, chất nhầy qua âm đạo, được gọi là sản dịch. Theo thời gian, sản dịch sẽ giảm dần và nhạt màu dần. Khi bạn cho bé bú, bạn sẽ có thể đau bụng dưới và thấy ra chút máu, điều này hoàn toàn bình thường. Tình trạng này sẽ kéo dài vài tuần. Nếu đột nhiên thấy ra huyết nhiều (thay 2 băng vệ sinh lớn trong vòng 1 giờ) bạn cần quay lại cơ sở y tế ngay.
  • Co hồi tử cung: ngay sau sanh, tử cung cũng cần “lấy lại vóc dáng ngày xưa” như bạn bằng sự co thắt. Có thể bạn sẽ thấy đau, và đôi khi cần sử dụng thuốc giảm đau. Nếu vậy, bạn đừng tự ý mua thuốc uống mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Khoảng 10 ngày thôi, tử cung sẽ nhỏ lại.
  • Đau vùng tầng sinh môn (vùng từ âm đạo đến hậu môn): lúc chuyển dạ và sanh bé, cơ và da vùng này sẽ căng giãn, hoặc có thể bác sĩ phải cắt để thuận lợi hơn khi sanh và sau đó may phục hồi lại. Tất cả những tác động này sẽ làm bạn thấy đau sau sanh. Một số cách giúp bạn bớt đau: thuốc giảm đau tại chỗ dạng xịt hay cream thoa; ngâm nước ấm vừa đủ, ngồi trên một cái gối êm ái.
  • Đau khi đi tiểu: một vài rắc rối có thể gặp là bạn rất mắc tiểu nhưng không thể tiểu được; cảm giác đau buốt khi đi tiểu…Khi đi tiểu, bạn dùng vòi nước ấm xịt vào vùng kín kích thích dòng tiểu. Nhớ uống đủ nước để kích thích bàng quang hoạt động.
  • Bụng to: ngay sau sanh thì bụng vẫn to và nhìn giống như đang có thai vậy. Bạn nhớ nguyên tắc ăn uống đúng trong thai kỳ, đừng để tăng cân quá mức, bụng trông sẽ “đỡ khổ” sau sanh. Để lấy lại vóc dáng như mong muốn, bạn cần có thời gian và “chiến lược” hợp lý.
Xem thêm bài Những điều cần biết về hồi phục sau sinh của BS. Triệu Thị Thanh Tuyền và ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh

Tuần thứ 2 – 12

Vú căng sữa: nguồn sữa này vô cúng quý giá cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của con bạn. Cho bé bú mẹ có quá nhiều lợi ích, và quá nhiều thông tin rồi, chắc không cần phải bàn thêm. Bạn cần chọn loại áo ngực thích hợp tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu trong thời gian cho bé bú.

Mệt mỏi: cái này chắc chắn rồi. Bé đâu cần biết bạn cần ngủ ban đêm, đâu cần quan tâm bạn ăn uống gì chưa. Việc của bạn là “tận tâm phục vụ” thôi. Không thể trốn tránh mệt mỏi sau sanh đâu, thật đấy. Nhưng dần dần tìm cách để thích nghi với “nghề” mới – nghề làm Mẹ thì có thể, để không đến lúc cạn kiệt và ngã gục trên con đường dài đằng đẵng này.

  • Kêu gọi giúp đỡ: sự giúp đỡ đến từ người thân trong gia đình, bạn đời, thậm chí là bạn thân. Ai đó giúp bạn mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, người có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, tốt hơn là có người chuẩn bị bữa ăn cho bạn…
  • Tranh thủ ngủ khi bé ngủ: bớt bận tâm nhà chưa lau, đồ chưa ủi. Mệt quá thì ngủ chút rồi làm.
  • Có thời gian yên tĩnh cho riêng mình.
  • Thư giãn, tìm đọc những sách kiểu “mẹo vặt” trong việc nhà.
  • Hạn chế người đến thăm. Thật sự mà nói, cái này ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, bản thân mình rất thích quan điểm này. Nó an toàn cho cả bạn và em bé của bạn.
  • Ăn uống đủ dinh dưỡng: chọn lựa thực phẩm an toàn, thực phẩm giàu sắt và protein giúp bạn khoẻ hơn.

Ra mồ hôi nhiều: vài tuần đầu sau sanh, có thể bạn ra rất nhiều mồ hôi, thường xảy ra ban đêm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự điều chỉnh của cơ thể thích nghi với thay đổi nội tiết tố. Để tránh cảm lạnh, bạn nhớ giữ khô bao gối, tránh máy lạnh thổi ngay đầu, kê khăn khi nằm để thay ngay khi khăn ướt.

Có kinh trở lại: nếu không cho bé bú mẹ, bạn sẽ có thể hành kinh trở lại khoảng 6-8 tuần sau sanh. Xin lưu ý rằng, có thể trước khi hành kinh thì đã có “rụng trứng” – có nghĩa là khi chưa có kinh trở lại sau sanh bạn hoàn toàn có khả năng có thai khi không ngừa thai. Vì vậy, để tránh “vỡ kế hoạch” hãy có kế hoạch dự phòng “cái sự vỡ” này.

Các dấu hiệu nguy hiểm trong giai đoạn hậu sản

  • Sốt
  • Nôn ói
  • Đau, nóng rát khi đi tiểu
  • Ra huyết nhiều (hoặc ra huyết tăng dần)
  • Đau bụng dưới nhiều, càng lúc càng tăng
  • Đau, sưng hai chân
  • Đau ngực, ho, khó thở
  • Khối sưng, đau, đỏ ở vú
  • Đau vết mổ, đau vết may tầng sinh môn càng lúc càng nhiều hơn, thấy vết mổ hay vết may chảy máu, dịch mủ-hôi, bung chỉ may…
  • Âm đạo ra dịch hôi
  • Trầm cảm kéo dài hơn 10 ngày

Quan hệ tình dục sau sinh

Chưa có sách vở hay nghiên cứu nào về thời điểm lý tưởng để quan hệ tình dục sau sanh – đa số khuyến cáo là ít nhất 6 tuần kể từ khi sanh. Vấn đề này khó khuyến cáo hay nghiên cứu quá!!! Chỉ cần mẹ em bé và bố em bé có nhu cầu, sẵn sàng, và có biện pháp ngừa thai thì “tiến hành”. Tuy nhiên, có thể có nhiều trở ngại lắm:

  • Đa phần bà mẹ quá mệt mỏi trong việc chăm sóc trẻ, và thiếu thời gian nghỉ ngơi. Nếu không thoải mái, bạn cần nói rõ cho chồng và tìm cách san sẻ việc chăm sóc bé.
  • Bạn sợ đau đớn, giảm ham muốn.
  • Nếu cho con bú, âm đạo thường khô do nồng độ estrogen giảm thấp. Có thể sử dụng chất bôi trơn để dễ chịu hơn.
  • Quan trọng nhất là giờ giấc bị đảo lộn rối tung nên khó có thời gian thích hợp và đầy đủ.

Vì vậy, vai trò của người chồng trong vấn đề này là cực kỳ quan trọng. Đủ hiểu biết, đủ quan tâm, đủ yêu thương, đủ chia sẻ, đủ tâm lý, đủ kiên nhẫn…Làm đủ mấy điều đó chắc cũng đủ biết cách xử lý.

Giai đoạn khó khăn nhất của một người Mẹ có lẽ là ngay sau sanh. Nhưng đừng quá sợ hãi, hãy tin vào bản năng của mình và chuẩn bị kiến thức cần thiết. Rồi bạn sẽ có những giây phút bù đắp khi bé lớn dần, tình yêu thương sẽ dẫn đường cho bạn. Tôi hoàn toàn không đề cập đến chuyện nằm than, ăn kho mặn, vì tôi tin bạn đủ kiến thức để hiểu những chuyện lạc hậu đó. Nếu quá mệt mỏi, hãy nghĩ tích cực rằng “bạn thật sự vĩ đại, một nửa nhân loại có muốn, cũng mãi mãi không bao giờ có được thời kỳ này”.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1103353199761263

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Lê Tiểu My
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Bệnh tiểu đường ở phụ nữ và những lưu ý trước khi mang thai

(64)
Bệnh tiểu đường là gì? Tiểu đường là bệnh mà cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng được insulin – một chất máu gọi là hormone giúp ... [xem thêm]

Chụp cản quang tử cung vòi trứng

(56)
Chụp cản quang tử cung vòi trứng (HSG) là gì? Chụp cản quang tử cung vòi trứng (HSG) là một thủ thuật X-quang được sử dụng để quan sát bên trong tử cung và ... [xem thêm]

Trầm cảm sau sanh và vai trò của người chồng

(78)
Một số kết quả nghiên cứu về trầm cảm sau sinh Nguy cơ trầm cảm sau sanh luôn có ở tất cả phụ nữ, không chừa một ai, có chăng chỉ là cao hay thấp thôi. ... [xem thêm]

Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung

(39)
Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (Dilation and Curettage (D&C)) là gì? D&C – Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (thường gọi tắt là Nong và Nạo) là một ... [xem thêm]

Hội chứng tiền kinh nguyệt

(78)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là gì? Nhiều phụ nữ cảm thấy có sự thay đổi về thể chất hoặc tâm lý trong những ngày trước khi hành kinh. Khi những ... [xem thêm]

Bài 3 – Chế độ dinh dưỡng khi mang thai và cho con bú

(89)
Tổng quan Khi mang thai, hầu hết các bà mẹ đều băn khoăn: Ăn uống như thế nào để thai nhi phát triển tốt? Câu hỏi đó vẫn chưa khó bằng không nên ăn gì, ... [xem thêm]

Vai trò của Magnesium trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai

(82)
Vì sao phụ nữ có thai cần bổ sung Magnesium? Nhu cầu Magnesium tăng lên khi mang thai. Magnesium là một khoáng chất thiết yếu và có nhiều chức năng khác nhau trong ... [xem thêm]

Sinh mổ lần thứ 4 có nguy hiểm tới tính mạng không?

(93)
Sinh mổ lần 4 có nguy hiểm tới tính mạng không? Bác sĩ cho em hỏi là em có chị gái chuẩn bị sinh mổ lần 4. Vậy có nguy hiểm tới tính mạng không ạ? Em cảm ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN