Cảm giác hụt hẫng sau khi chia tay có thể khiến chúng ta bỗng trở nên bi lụy hoặc giận dữ đến mức hành động mù quáng không thể kiểm soát được. Đây chính là lý do tại sao bạn thường dễ mắc các sai lầm kinh điển như đòi hẹn gặp lần cuối, trả lại quà tặng, than thở trên mạng xã hội…
Quyết định chấm dứt một mối quan hệ là điều khá khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp bạn không phải là người chủ động nói lời chia tay trước. Sự tức giận có thể khiến chúng ta làm những hành động cảm tính và thiếu suy nghĩ, không chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn mà còn ngăn cản chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới.
Nhiều người sẽ cảm thấy điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng thực tế, nó có thể khiến bạn đau khổ hơn rất nhiều. Dưới đây là 9 sai lầm kinh điển mà nhiều người thường mắc phải sau khi kết thúc một mối tình và lý do vì sao bạn không nên làm điều đó.
1. Trở nên kích động “thái quá”
Khi ai đó rời bỏ bạn, mọi thứ dường như trở nên tồi tệ và suy sụp, có thể bạn sẽ quyết định nói với họ tất cả mọi suy nghĩ của bạn. Đặc biệt là khi tức giận, bạn càng có khả năng nói những lời thô lỗ và xúc phạm, vứt bỏ đồ đạc của họ và cố gắng tỏ vẻ như bạn cũng muốn chia tay. Bạn cho rằng cách hành xử này sẽ có thể cứu cái tôi của bạn. Tuy nhiên, chuyện ấy chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi.
Cơn tức giận có thể đến và đi rất nhanh, việc nói những điều không nên sẽ khiến bạn cảm thấy xấu hổ. Bạn thậm chí có thể nghĩ rằng lý do họ rời bỏ là vì sự xấu tính của bạn. Mặc dù điều này không đúng, bạn vẫn có thể tự trách mình và cố gắng sửa chữa lỗi lầm ấy.
2. Giãi bày cảm xúc lần cuối
Việc đối phương quyết định chia tay có thể khiến bạn cảm thấy bất ngờ. Do đó, bạn cố gắng bày tỏ cho họ thấy tình cảm của bạn sâu sắc như thế nào. Thậm chí bạn còn tự huyễn hoặc rằng nếu đối phương biết tình cảm sâu nặng của bạn thì họ sẽ quay lại.
Vấn đề không nằm ở bạn mà là do đối phương đã hết tình cảm với bạn rồi. Điều này chỉ khiến cho họ cảm thấy có lỗi với bạn hơn mà thôi. Kết quả là hai người sẽ hạn chế nói chuyện với nhau như bạn bè và điều đó khiến bạn đau lòng.
3. Đồng ý làm bạn bè
Sau khi chia tay, đối phương có thể yêu cầu làm bạn bè, bởi vì họ cảm thấy có lỗi hoặc đơn giản chỉ muốn gần gũi với người dành tình cảm cho mình. Việc đồng ý trở thành bạn bè sau khi chia tay có nghĩa là câu chuyện giữa hai người chưa thực sự kết thúc.
Nếu đã chia tay, thì tốt nhất cả hai nên xem nhau như người xa lạ. Việc duy trì quan hệ bạn bè thân thiết chỉ khiến bạn hy vọng nhiều hơn, tiếp tục chờ đợi tình yêu bắt đầu lại. Nhưng điều này thường sẽ không xảy ra.
4. Đòi trả lại quà tặng
Một số người cảm thấy tức giận sau khi chia tay nên muốn nhận bồi thường, thậm chí là đòi quà lại sau khi chia tay. Bởi vì họ muốn trút giận lên đối phương mà không nghĩ đến rằng hành động này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân như thế nào.
Hành động ấu trĩ này chỉ chứng tỏ rằng bạn không tôn trọng chính bản thân mình. Vì thế, tốt nhất là bạn nên để quá khứ trôi qua một cách tự nhiên và khiến cho đối phương nhớ đến bạn là một người biết yêu thương và quan tâm.
5. Kiếm cớ để trò chuyện
Những món đồ vật mà đối phương để quên, món quà mà bạn đã chuẩn bị từ trước nhưng lại không có cơ hội tặng, thậm chí một vài điều nhỏ nhặt khác cũng có thể trở thành lý do để bạn bắt chuyện lại với đối phương. Việc trò chuyện lại với người cũ là điều khá bình thường, nhưng bạn không cần phải dùng đến những lý do như thế này.
Thu hút sự chú ý của đối phương bằng những hành động trên sẽ dễ khiến cho đối phương bớt đi sự xem trọng bạn. Bạn chỉ đang tốn thời gian và công sức của mình, do đó hãy tập trung vào những điều xứng đáng hơn.
6. Tìm kiếm giúp đỡ từ bạn bè
Nếu vẫn còn nuôi hy vọng, có thể bạn sẽ cố gắng níu kéo mối quan hệ này bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc người thân của đối phương. Bạn nhờ họ thuyết phục đối phương quay trở lại với bạn. Thật ra, điều này hoàn toàn không có hiệu quả.
Đối phương sẽ cảm thấy là bạn đang dồn ép họ. Đặc biệt là khi người thân hoặc bạn bè cố gắng thuyết phục họ quay trở lại với bạn. Áp lực này chỉ khiến cho họ tránh xa bạn hơn mà thôi.
7. Tỏ ra đau khổ trên mạng xã hội
Việc thể hiện cho đối phương biết cảm giác đau khổ của bạn sau khi chia tay thông qua những hình ảnh, bản nhạc buồn trên mạng xã hội là điều khá phổ biến, nhưng thực ra nó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn có thể sống lạc quan hơn bằng cách tập trung vào những điều tích cực, vui vẻ khác trong cuộc sống.
Nhiều người sẽ chọn cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, thay vì nghĩ cách làm thế nào thể cứu vãn mối quan hệ. Thế nhưng, những lời thể hiện công khai như vậy trên mạng chỉ khiến mọi người cười nhạo bạn và có thể điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy đau lòng hơn.
8. Trò chuyện với người mới của họ
Việc đối phương có người yêu mới nhanh chóng khiến bạn cảm thấy khó chịu và muốn chứng tỏ với người này rằng mối quan hệ của cả hai vẫn chưa kết thúc, bạn sẽ cố gắng cứu vãn tình cảm của mình.
Sự tò mò này có thể khiến bạn ám ảnh và bắt đầu so sánh bản thân với người ấy, trong khi họ vẫn đang rất vui vẻ bên nhau. Hơn thế nữa, bạn có thể sẽ phải hối tiếc trong tương lai về hành động ngớ ngẩn của mình hiện tại.
9. Tìm hiểu lý do chia tay
Khi đối phương không nói rõ với bạn về lý do chia tay, bạn có thể nghĩ rằng nếu thảo luận với nhau thì cả hai có thể cứu vãn mối quan hệ. Thậm chí bạn còn nghĩ đến rằng liệu mình có làm điều gì sai khiến đối phương không vừa ý.
Việc thuyết phục đối phương thay đổi suy nghĩ là điều khá khó khăn. Vì việc chia tay không hẳn xuất phát từ những lỗi lầm lớn lao mà bạn đã gây ra hoặc phải sữa chữa, mà chỉ đơn giản là do tình cảm của đối phương đã không còn dành cho bạn nữa.
Thay vì mắc phải 9 sai lầm kinh điển trên, bạn có thể làm những điều tích cực hơn và thay đổi thói quen hằng ngày để vượt qua nỗi đau sau khi chia tay, chẳng hạn như luyện tập thể thao, tìm kiếm sở thích mới, mở lòng và trò chuyện với mọi người nhiều hơn. Những điều này sẽ giúp bạn bình tâm lại và làm lành vết thương sau khi kết thúc một mối quan hệ.