Đối với nhiều người, khi được chẩn đoán mắc bệnh lupus, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu là: “Bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?”.
Lupus ban đỏ đã từng là căn bệnh gây tử vong rất cao. Dù nền y học hiện đại đã khắc phục được rất nhiều ca tử vong do căn bệnh này, nhưng người bệnh cần nắm rõ nguy cơ và thời gian sống tối đa sau khi mắc bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.
Bệnh lupus ban đỏ có lây không?
Lupus ban đỏ không phải là bệnh truyền nhiễm. Chúng không thể chuyển từ người này sang người khác bằng bất cứ tiếp xúc nào giữa người với người.
Nguyên nhân cụ thể của bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra. Song có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền đóng góp một phần nào đó vào nguyên nhân gây bệnh.
Lupus ban đỏ gây hại cho cơ thể người bệnh như thế nào?
Lupus là bệnh rối loạn tự miễn mãn tính. Ở người bệnh lupus, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh gây đau, sưng và tổn thương nội tạng.
Lupus có thể làm hỏng nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm:
Não và hệ thần kinh
Khoảng một nửa số người mắc bệnh lupus gặp khó khăn khi nhận thức và suy nghĩ, điển hình như đau đầu, giảm trí nhớ và thay đổi tâm trạng.
Khi bị lupus, người bệnh cũng có nguy cơ hình thành huyết khối trong não, dẫn đến biến chứng nguy hiểm là đột quỵ.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh lupus có thể gây đột quỵ không?
Mắt
Các vấn đề về mắt phổ biến ở người bệnh lupus là:
- Da quanh mắt đổi màu
- Khô mắt
- Thay đổi mạch máu ở võng mạc
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát chuyển động mắt
- Hội chứng sjogren (gây tắc nghẽn tuyến lệ ở mắt và tuyến nước bọt ở miệng)
- Đục thủy tinh thể
- Suy giảm thị lực
- Mất thị lực
Miệng
Lupus gây ra một loạt triệu chứng ở miệng. Phổ biến nhất là loét miệng, chiếm khoảng 45% người bệnh lupus.
Da
Có tới 70% bệnh nhân lupus bị nhạy cảm với tia cực tím (UV) sáng mặt trời, dẫn đến phát ban hoặc lở loét. Trong đó, phát ban hình con bướm xuất hiện trên má và mũi chiếm khoảng 40%.
Máu
Rối loạn hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu xảy ra thường xuyên ở bệnh lupus. Chúng gây ra các vấn đề cho người bệnh như:
- Thiếu máu
- Huyết khối
- Viêm mạch máu
- Giảm tiểu cầu
- Giảm bạch cầu trung tính
Tim
Bệnh tim không chỉ là biến chứng chính của bệnh lupus mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong bởi bệnh lupus ban đỏ.
Những người bị lupus dễ mắc bệnh tim mạch vành hơn, vì họ thường có nhiều yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Phổi
Khoảng 50% những người bị lupus gặp phải vấn đề về phổi:
- Viêm màng phổi, hoặc sưng màng bao quanh phổi
- Viêm mô phổi
- Bệnh phổi kẽ lan tỏa mạn tính (bệnh hình thành mô sẹo ngăn oxy đi vào máu từ phổi)
- Thuyên tắc phổi do huyết khối chặn dòng máu chảy từ tim đến phổi
Thận
Lupus ảnh hưởng đến thận được gọi là viêm thận lupus. Có khoảng 1/3 người bệnh lupus bị biến chứng này.
Những người bị viêm thận lupus sẽ nhận thấy các dấu hiệu sau đây:
- Tăng cân
- Sưng bàn chân, mắt cá chân và tay
- Có máu trong nước tiểu
- Huyết áp cao
Viêm thận lupus cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gây tử vong như đau tim, đột quỵ và suy thận.
Hệ tiêu hóa
Nhiều người bệnh lupus ban đỏ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa (như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón) do ảnh hưởng của bệnh và do tác dụng phụ của thuốc trị lupus ban đỏ.
Xương và cơ bắp
Đau khớp là một trong những triệu chứng bệnh lupus ban đỏ đầu tiên mà người bệnh gặp phải. Các vấn đề khác về cơ và xương phát sinh từ bệnh lupus bao gồm viêm gân, viêm bao hoạt dịch, hội chứng ống cổ tay và loãng xương.
Người bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Không thể trả lời chính xác mắc bệnh lupus ban đỏ thì sống được bao lâu. Có người sống được vài tháng, có người vài năm, cũng có người sống rất thọ như người bình thường.
Bệnh lupus ban đỏ không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chỉ giúp khắc phục các triệu chứng và giảm nguy cơ bùng phát hay biến chứng xảy ra cho người bệnh.
Lupus ban đỏ từng là căn bệnh rất nguy hiểm. Vào năm 1955, chỉ có 50% người bệnh lupus sống được hơn 4 năm sau khi chẩn đoán. Nhờ những tiến bộ của y khoa trong hơn 2 thập kỷ qua, hơn 95% người mắc bệnh lupus đã sống được tới hơn 10 năm, đạt được tuổi thọ của một người khỏe mạnh bình thường.
Tỷ lệ sống của bệnh nhân lupus ban đỏ đã được cải thiện rất nhiều nhờ vào:
- Cải tiến trong việc phân loại bệnh nhân
- Chẩn đoán sớm hơn
- Điều trị được nâng cao hơn với nhiều loại thuốc mới có hiệu quả cao
- Những tiến bộ trong điều trị các biến chứng của bệnh như tăng huyết áp, nhiễm trùng và suy thận
Khi nào lupus ban đỏ gây tử vong?
Suy thận từng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất do bệnh lupus ban đỏ. Ngày nay, nó không còn là nguyên nhân hàng đầu nữa, thay vào đó là các biến chứng nhiễm trùng, bệnh tim và ung thư.
Những phương pháp điều trị có thể kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, nhưng tác dụng phụ của chúng cũng gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe.
Biến chứng lupus sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ người bệnh. Người có nhiều biến chứng và biến chứng nặng hơn sẽ có tuổi thọ ngắn hơn. Tuy nhiên, khi bác sĩ chẩn đoán bạn bị lupus nặng không có nghĩa bạn sẽ tử vong sớm. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 cho biết, tuổi thọ của phụ nữ bị biến chứng viêm thận lupus đã được cải thiện và gia tăng rất nhiều.
Quan trọng là bạn đừng đánh mất hy vọng. Nếu tuân thủ hướng điều trị của bác sĩ và có lối sống lành mạnh, tuổi thọ của bạn sẽ kéo dài hơn.
Những yếu tố giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân lupus
Để tận hưởng niềm vui sống khi mắc bệnh lupus, người bệnh cần tích cực phối hợp điều trị với bác sĩ và tuân thủ sử dụng thuốc đúng cách.
Thuốc rất quan trọng trong việc kéo dài sự sống của người bệnh. Song nếu bệnh nhân thực hiện thêm những cách sau đây sẽ giúp cho việc điều trị tích cực hơn, đồng thời giảm thiểu việc dùng thuốc nhằm hạn chế các tác dụng phụ.
- Tập thể dục thường xuyên: Giúp giảm cứng cơ, ngăn ngừa loãng xương, giảm căng thẳng và bảo vệ tim.
- Bỏ thuốc lá: Ngăn ngừa nhiễm trùng, đau tim, giảm nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản và bệnh động mạch vành.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp giảm mệt mỏi, giảm nguy cơ bùng phát bệnh và giảm độ nhạy cảm với cơn đau.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời: Bảo vệ da, chống lại sự nhạy cảm với tia UV.
- Bổ sung thêm vitamin D: Ngăn ngừa loãng xương.
- Thiền, yoga và các hoạt động giúp giải phóng căng thẳng: Hạn chế trầm cảm, stress cho người bệnh.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những cách đối phó với bệnh lupus ban đỏ hệ thống