Đôi khi lựa chọn an toàn nhất cho mẹ và bé là sinh mổ. Bé sẽ được đưa ra ngoài bằng vết cắt từ bụng nhằm tiếp cận tới vùng tử cung. Vết cắt sẽ nằm dưới đường bikini và vết sẹo sau sinh sẽ nằm trong vùng lông mu.
Nếu ca sinh mổ của bạn không phải là trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải gây mê toàn thân, thì người bạn đời có thể đi cùng bạn vào phòng mổ. Rất nhiều bệnh viện cho phép điều này. Chồng của bạn có thể sẽ rất hồi hộp, hoặc anh ấy có thể thấy buồn nôn hoặc hết sức sợ hãi bởi thật khó khăn khi phải chứng kiến ca phẫu thuật trên cơ thể người mình yêu thương. Vì thế có một một bất lợi tiềm ẩn có thể xảy ra: ông xã của bạn có thể bị ngất xỉu ngay tại phòng sinh và việc trở thành bệnh nhân thứ hai sẽ không nhận được nhiều sự quan tâm ngay tức thì bởi mọi người đều đang tập trung vào tình trạng của bạn.
Hầu hết các bệnh viện đều khuyến khích chụp ảnh em bé, và các bác sĩ phẫu thuật thậm chí có thể giúp bạn chụp ảnh. Tuy vậy, nhiều bệnh viện lại không cho phép trực tiếp quay phim ca mổ. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng vợ chồng bạn đã được sự đồng ý của bệnh viện trước khi bắt đầu chụp ảnh hoặc quay phim.
Sau đây là sáu điều mà các ông bố có thể cần làm khi vợ của họ sinh mổ:
1. Chờ đợi khi vợ sinh mổ
Các ông bố thường có thể ở trong phòng mổ, chờ đợi và gặp mặt con mình ngay khoảnh khắc bé chào đời.
2. Trang bị trước khi vào phòng mổ
Nếu chồng bạn quyết định sẽ có mặt trong ca sinh mổ của bạn, anh ấy sẽ phải mặc bộ đồ phẫu thuật được tẩy trùng, tóc và giày được che phủ và đeo một chiếc khẩu trang. Anh ấy có thể theo dõi quy trình phẫu thuật hoặc ngồi gần đầu và nắm tay của bạn.
3. Trở thành nguồn sức mạnh cho mẹ và bé
Khi có vấn đề xảy ra trong khi sinh và cần sự quyết định tỉnh táo, bố sẽ chính là người đứng ra giải quyết và lựa chọn phương pháp giải quyết sáng suốt nhất. Trước khi sinh, bạn và anh ấy hãy cùng nhau bàn bạc và thực hiện các thủ tục trước khi sinh như tiêm vitamin K, nhỏ mắt, kiểm tra nhau thai…
4. Ở bên cạnh và tiếp xúc với bé
Việc có chồng ở bên cạnh sẽ làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Sau khi bạn đã tỉnh táo trở lại sau sinh, bạn vẫn có thể bị hạn chế gặp bé bởi một số lý do an toàn y tế. Trong trường hợp ấy, người bố chính là người gần gũi với con ngay giây phút bé sinh ra. Một nghiên cứu cho thấy rằng khi trẻ sơ sinh lần đầu tiên tiếp xúc với bố sẽ nín khóc, trở nên bình tĩnh hơn so với những trẻ được đặt một mình trong lồng chăm sóc cho trẻ sơ sinh.
5. Giúp bạn cho bé bú sữa mẹ
Những người mẹ sinh mổ thường sẽ gặp phải một số khó khăn để cho con bú, tuy vậy bạn vẫn có thể hoàn thành việc này một cách tốt đẹp. Cho dù được gây tê cục bộ thì ngay khi đủ tỉnh táo, người mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường. Vậy nên vai trò của người bố chính là nhắc nhở các bác sĩ và y tá rằng vợ của mình muốn đích thân cho con bú. Người bố còn có thể đỡ mẹ ngồi dậy và tạo được tư thế chính xác để bé bú được dễ dàng. Bằng cách quan sát các chuyên gia giúp bé ngậm được vú mẹ và bú, người bố sẽ học hỏi được kinh nghiệm thực tế này và giúp đỡ cho hai mẹ con vào thời gian cho bú tại nhà sau này.
6. Hỗ trợ việc nhà trong giai đoạn hậu sản
Các ông bố cần biết rằng người mẹ cần ít nhất sáu tuần để có thể phục hồi sau khi sinh mổ. Trong giai đoạn này, người mẹ sẽ không được nâng vật nặng, tập thể dục quá sức… vậy nên các ông bố chính là người đỡ đần việc nhà cho cả mẹ và bé.