Bạn có lo lắng về trình trạng cao huyết áp của bản thân, một thành viên trong gia đình hay một người bạn của bạn không? Lo lắng của bạn là hoàn toàn có cơ sở.
Nếu không được quan tâm điều trị đúng mức, chứng cao huyết áp có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh tim và đột quỵ. Tìm hiểu về chứng cao huyết áp có thể giúp bạn phòng tránh được những tổn hại sức khỏe của mình hoặc người thân do tình trạng này gây ra. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu về những quan niệm đúng và những quan niệm sai lầm về tình trang này, và đây là 5 quan niệm sai lầm thông thường về cao huyết áp.
1. Cao huyết áp không phải là vấn đề nghiêm trọng
Lúc đầu, bạn có thể không chú ý đến các triệu chứng của cao huyết áp nên bạn có thể không quá lo lắng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chứng cao huyết áp có thể giết chết bạn. Bình thường, tim của bạn sẽ đập đều đặn, bơm máu vào các mạch máu ở khắc cơ thể bạn. Khi máu được đẩy đi bởi tim, nó cũng tác dụng một lực đẩy lên thành mạch máu. Mạch máu thường mềm dẻo, đàn hồi và có thể giãn ra và co lại khi cần thiết để máu có thể lưu thông hiệu quả. Vì nhiều lý do khác nhau, máu của bạn có thể gây áp lực quá mạnh lên mạch máu. Tình trạng này được gọi là bệnh cao huyết áp.
Chứng cao huyết áp có thể dẫn tới tổn thương của các mạch máu, tim, thận và các cơ quan khác của cơ thể. Cả bệnh tim và đột quỵ đều bị gây ra bởi chứng cao huyết áp.
Điều đáng sợ của cao huyết áp đó là bạn có thể mắc phải mà không hề hay biết. Đó là lý do vì sao bác sĩ thường gọi nó là “kẻ giết người thầm lặng”. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng đồng ý rằng cao huyết áp là một vấn đề nghiêm trọng.
2. Cao huyết áp không thể phòng tránh
Có thể bạn có người thân bị chứng cao huyết áp. Có thể bạn là một thành viên của một nhóm người có nguy cơ cao bị cao huyết áp. Vì nguyên nhân này hay những lý do khác, bạn có thể nghĩ rằng mình không thể làm gì được để ngăn chặn chứng tăng huyết áp.
Và đây là tin tốt dành cho bạn: Cho dù nếu bạn có rất nhiều nguy cơ bị cao huyết áp, vẫn có những cách giúp bạn phòng tránh căn bệnh này:
- Giữ cân nặng của bạn ở mức an toàn, khỏe mạnh. Bạn có thể làm được điều này bằng cách kết hợp việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục thể thao đều đặn.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Việc này bao gồm chỉ ăn đủ các loại thức ăn cơ thể bạn cần và lựa chọn các loại thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng, ít chất béo, đường và muối.
- Giới hạn lượng muối mà bạn ăn. Đa số lượng natri mà bạn ăn là dưới dạng muối. Nó có thể được dùng khi bạn cho vào khi ăn hoặc có sẵn trong thức ăn.
- Giới hạn lượng đồ uống có cồn mà bạn uống.
- Không hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc tái hút.
- Tập thể dục đều đặn. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày, và ít nhất 5 ngày mỗi tuần cho hoạt động này. Tập thể dục sẽ giúp bạn giảm stress và kiểm soát được cân nặng của mình.
- Đừng để bị stress. Khi bạn bị stress, cơ thể sẽ sản sinh ra những chất hóa học làm cho tim bạn đập mạnh, nhanh hơn và các mạch máu co lại. Tất cả điều này sẽ khiến cho áp lực của máu tăng lên.
Hãy xin bác sĩ lời khuyên về chứng cao huyết áp và làm thế nào để phòng tránh nó.
3. Mình vẫn khỏe nếu con số huyết áp đầu tiên vẫn ở mức bình thường
Bạn có thể để ý thấy khi bác sĩ đo huyết áp cho bạn thì sẽ có hai con số ghi theo hai hàng. Những con số đó có thể làm bạn cảm thấy khó hiểu. Thật ra con số ở phía trên gọi là huyết áp tâm thu. Con số này cho biết lực đẩy của máu qua các mao mạch trong nhịp tim của bạn.
- Bằng hoặc dưới 119 là huyết áp tâm thu bình thường
- 120 – 139 là tiền cao huyết áp
- 140 hoặc cao hơn là huyết áp cao
- 150 hoặc cao hơn là chứng huyết áp cao của những người trên 60 tuổi.
Con số phía dưới gọi là huyết áp tâm trương. Con số này cho biết lực đẩy của máu qua các mao mạch giữa những nhịp tim của bạn, khi mà tim bạn đang nghỉ ngơi.
- 79 hoặc thấp hơn là huyết áp tâm trương bình thường
- 80 – 89 là tiền cao huyết áp
- 90 hoặc cao hơn là huyết áp cao.
Nhiều người chú ý đến huyết áp tâm thu hơn là tâm trương, nhưng các chuyên gia nói rằng trái tim có thể chịu đựng huyết áp cao ở tâm thu tốt hơn là tâm trương.
Huyết áp sẽ liên tục thay đổi trong ngày tùy thuộc vào các hoạt động của bạn. Huyết áp cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Huyết áp tâm thu có xu hướng tăng lên khi bạn lớn tuổi trong khi huyết tâm trương lại có xu hướng giảm xuống.
Nếu một trong hai con số huyết áp đo được của bạn luôn cao hơn mức bình thường thì bạn cần phải hành động ngay lập tức. Bạn và bác sĩ có thể cùng xây dựng một kế hoạch điều trị chứng cao huyết áp hoặc thậm chí là tiền cao huyết áp trước khi xảy ra những tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể bạn.
4. Vấn đề điều trị
Từ bỏ món ăn ưa thích, hay dùng những loại thuốc có tác dụng phụ khó chịu, đó là những điều mà bạn có thể sợ khi nghĩ đến việc điều trị chứng cao huyết áp. Thật sự là sẽ tốn một ít thời gian để xây dựng nên kế hoạch điều trị phù hợp với bạn vì chứng cao huyết áp thường có nhiều nguyên nhân không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, ta không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng của chứng bệnh này.
Bác sĩ sẽ hợp tác chặt chẽ với bạn để xác định những phương pháp điều trị nào sẽ kiểm soát chứng cao huyết áp hiệu quả nhất. Kế hoạch điều trị của bạn có thể sẽ bao gồm những phần sau:
Chế độ ăn uống DASH
DASH là chế độ ăn ngăn ngừa nguy cơ bệnh cao huyết áp, nó bao gồm ăn ít chất béo và chất béo bão hòa cũng như ăn rau, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt nhiều hơn. Giảm lượng muối và đồ uống có cồn cũng có thể giúp giảm huyết áp của bạn. Bạn có thể nhờ một chuyên gia về dinh dưỡng để giúp bạn hoàn thành chế độ ăn uống này mà không phải từ bỏ những món ăn ưa thích của mình.
Kiểm soát cân nặng
Bị thừa cân sẽ tăng nguy cơ chứng cao huyết áp trầm trọng hơn. Chế độ ăn uống DASH cùng với tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn giảm cân. Hãy hỏi bác sĩ để giúp bạn xác định muc tiêu. Bác sĩ cũng sẽ giới thiệu những chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhằm xây dựng một kế hoạch giảm cân cho bạn.
Hạn chế dùng đồ uống có cồn. Đồ uống có cồn có thể làm tăng huyết áp của bạn, đặc biệt khi bạn uống quá nhiều cho nên giảm bớt và kiêng cữ nó là điều rất cần thiết.
Không hút thuốc
Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp. Nó còn trực tiếp gây tổn hại đến tim và các mạch máu của bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm cách từ bỏ việc hút thuốc.
Dược phẩm
Bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc để kiểm soát chứng cao huyết áp của bạn. Thường thì sẽ cần nhiều hơn một loại thuốc để điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị bạn chuyển đổi các loại thuốc hoặc liều lượng cho tới khi tìm được toa thuốc mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất và ít tác dụng phụ nhất. Các loại thuốc dùng để điều trị chứng cao huyết áp bao gồm:
- Các loại thuốc lợi tiểu nhằm giảm bớt lượng chất lỏng trong máu của bạn bằng cách giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa.
- Chất ức chế ACE, nhóm thuốc ức chế alpha, nhóm thuốc ức chế kênh canxi để giúp mạch máu của bạn không bị co lại.
- Nhóm thuốc ức chế beta để ngăn cơ thể bạn sản xuất hormone adrenaline. Adrenaline là một loại hormone xuất hiện khi stress làm cho nhịp tim của bạn mạnh và nhanh hơn. Nó cũng làm mạch máu của bạn co lại từ đó làm tăng huyết áp.
5. Cao huyết áp là bệnh nan y, không thể chữa trị
Trong thực tế, nếu bạn làm việc với bác sĩ và lên một chương trình toàn diện nhằm kiểm soát bệnh cao huyết áp, kế hoạch đó có thể thành công. Để tăng tối đa hiệu quả kế hoạch của mình, hãy tuân theo các bước sau:
- Định kỳ kiểm tra huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiên trì theo đuổi kế hoạch điều trị. Cho bác sĩ biết ngay lập tức những vấn đề xảy ra ở các giai đoạn của kế hoạch điều trị. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác.
- Gặp bác sĩ đầy đủ theo như yêu cầu. Đem theo kết quả đo huyết áp để cho bác sĩ biết kế hoạch điều trị có tiến triển tốt không.
- Hỏi bác sĩ và dược sĩ thông tin về tác dụng phụ của các loại thuốc bạn sử dụng để biết được khi nào phải gọi bác sĩ nếu có vấn đề xảy ra.
Bước đầu tiên trong việc kiểm soát bệnh cao huyết áp là tìm hiểu và nhận biết được cao huyết áp có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn như thế nào. Từ đó, bạn có thể duy trì một lối sống lành mạnh cho riêng mình.