Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Trí tưởng tượng quá phong phú sẽ dễ dàng sản sinh ra hình ảnh và câu chuyện về những quái vật, rồng, ma và những sinh vật bí ẩn sống trong bóng tối khác, vậy nên nỗi sợ bóng tối ở trẻ nhỏ là rất bình thường.
Cách con học đếm sẽ bắt đầu từ khi bé biết đếm số bước chân của mình. Trước hết bé sẽ có thể xác định khi nào là một, rồi sau đó là những số lớn hơn một (ta sẽ không biết là bé học được số 2 hay 6 sau đó.) Khi lên hai tuổi, bé đã có thể đếm tới hai, và khi lên ba thì bé biết đến ba. Tuy nhiên nếu bé biết đếm một lèo từ 1 tới 10 thì hẳn là bé học thuộc lòng mà không thực sự hiểu rõ con số mà bé đang đếm.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Để giúp con bớt sợ hãi, mẹ nên:
- Xem chuyện con sợ hãi là một vấn đề nghiêm túc, đừng bao giờ coi thường hay chế nhạo trí tưởng tượng của con;
- Đừng quá lý trí. Mẹ cứ kiên trì giải thích cho con rằng không có quái vật nào sống trong tủ đâu và chúng cũng không xuất hiện vào buổi tối thì cũng chẳng thể làm bé bớt sợ hãi. Hãy nhìn căn phòng từ quan điểm của con, biết đâu mẹ sẽ phát hiện ra thủ phạm của cái bóng kì lạ lại là một cái mạng nhện;
- Hãy thử tăng cường ánh sáng trong nhà. Ánh sáng rõ lan tỏa ra từ bóng đèn hành lang có thể xua đi nhiều quái vật đáng sợ trong trí tưởng tượng của bé;
- Hãy chăm sóc yêu thương bé nhiều hơn. Nỗi sợ hãi thường bắt nguồn từ cảm giác bất an của bé và những cái ôm gần gũi có thể xoa dịu cảm giác này. Việc tạo khoảng thời gian hạnh phúc và an toàn cho bé trước khi đi ngủ cũng là một điều cần thiết.
Cách tốt nhất để chuẩn bị cho việc học toán của bé sau này chính là đừng dạy bé đếm một cách cứng nhắc mà hãy đưa những con số vào cuộc sống thường ngày của bé. Việc đọc nhiều sách sẽ giúp bé phát triển khả năng đọc lướt nắm bắt nội dung cũng như khả năng hiểu ý nghĩa những biểu tượng trong sách. Hãy đếm bước chân khi mẹ bước đi hoặc đếm số gạch đồ chơi khi mẹ chơi đùa cùng con. Hãy cho con chơi xếp hình với những mảng hình xếp có hình dạng khác nhau (tròn, vuông, tam giác). Bé xác định được các hình dạng đó cũng là một dạng khác của việc tập đọc.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Việc bé tè dầm vào giữa đêm có thể phá vỡ những chuẩn bị kĩ lưỡng của mẹ để con có thể ngủ ngon giấc. Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải được rõ ràng vì sao các bé lại hay tè dầm vào ban đêm, nhất là những bé trai và những bé đang được dạy đi vệ sinh. Đó có thể là do các bé ngủ quá sâu, bàng quang nhỏ, hệ thống thần kinh vẫn chưa phát triển đầy đủ hoặc thậm chí là do di truyền. Hãy nghe bác sĩ tư vấn để có thể nắm rõ được tình hình của con hơn.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Nếu mẹ cảm thấy bé phát triển khả năng nói quá chậm, quá trình của bé dừng lại đột ngột hoặc thậm chí bị thụt lùi thì hãy thông báo cho bác sĩ. Chuyên gia sẽ kiểm tra và đánh giá khả năng nghe của bé để xem bé có mắc chứng bệnh nào như khiếm khuyết thính giác hay không và lên kế hoạch để có thể chữa cho bé.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Thỉnh thoảng bé sẽ bị sốt nhẹ. Nếu điều đó xảy ra, mẹ hãy kiểm tra xem đó có phải do bé mọc răng hàm hay không bởi chúng thường hay mọc vào khoảng thời gian giữa tháng thứ 20 và 33 của bé. Một vài đứa trẻ thì phải đến năm thứ 3 mới chịu thay răng hàm. Việc mọc răng hàm có thể sẽ cực kì đau đớn bởi chúng có kích thước lớn và khiến cho bé phải thức giấc và khóc giữa đêm.