Suy giảm trí nhớ là một căn bệnh đáng sợ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà hầu hết mọi độ tuổi cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Do đó, bạn cần biết đến 3 cách cải thiện trí nhớ trước khi lớn tuổi để phòng tránh căn bệnh này nhé!
Suy giảm trí nhớ trước nay vẫn được xem là một triệu chứng bình thường của tuổi già, nhưng thật ra nhiều người vẫn duy trì được tinh thần minh mẫn dù tuổi đã cao. Nói một cách khác, chính sự căng thẳng, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, không tập thể dục hoặc thiếu ngủ… mới gây giảm sút trí nhớ chứ không phải tuổi già.
Những bệnh như sa sút trí tuệ hay Alzheimer rất nguy hiểm vì bệnh chiếm 1/3 tỷ lệ tử vong ở người già, nhiều hơn cả ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Hơn nữa, số người bị các bệnh kể trên ngày càng tăng và độ tuổi của họ ngày càng trẻ. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách rèn luyện cơ thể và não bộ để phòng bệnh.
1. Chú trọng vào chế độ dinh dưỡng
Ăn uống lành mạnh nghe có vẻ khá đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trí não. Bạn hãy đảm bảo ít nhất 75% khẩu phần ăn hằng ngày của mình là các thực phẩm nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, cam, vàng, xanh lá… Các thực phẩm này chứa nhiều hợp chất tăng cường chức năng não và chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự tổn hại của các gốc tự do. Một số loại trái cây, rau củ quả mà bạn có thể chọn là việt quất, củ cải, cà chua, cải xoăn, rau chân vịt.
Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều chất béo vì chất béo chiếm khoảng 60% não bộ. Đây cũng là lý do vì sao chế độ ăn kiêng ít chất béo có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, không tập trung, tâm trạng thất thường và hàng loạt các triệu chứng khó chịu khác. Vì thế, bạn hãy bổ sung nhiều chất béo lành mạnh như cá tươi, thịt động vật ăn cỏ, bơ, dầu ô liu, bơ dừa, các loạt hạt và ngũ cốc.
Ngoài rau và chất béo, việc cung cấp protein cho cơ thể cũng là cách cải thiện trí nhớ quan trọng. Trung bình chúng ta cần khoảng 30g protein trong mỗi bữa ăn để tăng cường cơ bắp chắc khỏe. Thiếu protein sẽ làm bạn lão hóa nhanh hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến bộ não nên bạn hãy nhớ bổ sung đủ protein cho cơ thể.
Bạn cũng cần tránh các thực phẩm có hàm lượng fructose cao hay chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa, chất phụ gia, chất bảo quản. Tất cả những chất này đều gây hại cho bộ não và làm gián đoạn quá trình sinh hóa. Bệnh Alzheimer hiện còn được gọi với một cái tên khác là “bệnh tiểu đường tuýp 3”, vì loại thoái hóa thần kinh này có liên quan đến sự đề kháng insulin nên bạn cũng nên ăn những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
2. Vận động và luyện tập thể thao
Bạn không cần phải đến phòng tập gym mà có thể tập dưới bất cứ hình thức nào mình thấy thú vị và thư giãn như đi bộ, leo núi, tập yoga… Điều quan trọng là bạn cần để cho toàn bộ cơ thể được hoạt động. Vận động là điều cần thiết để duy trì một bộ não khỏe mạnh, cải thiện lưu lượng máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng mức insulin đồng thời cải thiện cấu trúc và chức năng của bộ não ngay cả ở người lớn tuổi.
Việc hòa đồng và kết nối với mọi người cũng là một cách hiệu quả để tăng cường chức năng nhận thức. Vì trạng thái cô lập, đơn độc có những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, bao gồm việc suy giảm trí nhớ nên bạn hãy đi tập cùng bạn bè của mình để đạt được hiệu quả cải thiện trí nhớ tối đa.
3. Dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân
Stress là một trong những vấn đề gây hại cho cơ thể theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả gây tổn thương cho bộ não của bạn. Hormone stress sẽ tác động đến trung tâm trí nhớ trong não bộ, từ đó gây mất trí nhớ và suy giảm nhận thức. Căng thẳng kéo dài cũng sẽ làm bệnh Alzheimer ngày càng nặng. Vậy nên bạn hãy tìm cách kiểm soát stress để bảo vệ trí nhớ của mình nhé.
Giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng không kém đối với sức khỏe của não bộ vì đây là thời gian bộ não của chúng ta được nghỉ ngơi và loại bỏ độc tố. Không những thế, tình trạng thiếu ngủ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự liên kết giữa các tế bào thần kinh trong trung tâm trí nhớ của não.
Bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi, giảm bớt công việc và tránh mang việc về nhà mà hãy đi dạo ngoài trời, ngồi thiền, uống trà hoặc đọc một cuốn sách hay. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tạo thói quen ngủ tốt bằng cách mở đèn dịu nhẹ, tránh xa màn hình các thiết bị điện tử và ngủ đủ 7 đến 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nếu bạn làm được những việc trên thì não bộ sẽ khỏe mạnh dù tuổi bạn có tăng.
Chứng mất trí nhớ là một dấu hiệu của sự lão hóa mà bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Do đó, hãy rèn luyện những thói quen tốt trên để cải thiện trí nhớ khi chưa quá muộn.
Minh Thư | HELLO BACSI