Dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng ở trẻ tuổi bú bình là gì?
Không giống như sâu răng ở người lớn thường chỉ sâu ở những răng bên trong, sâu răng ở trẻ tuổi bú bình hầu hết xảy ra ở những vị trí rất dễ thấy, cụ thể như ở răng cửa. Dù là vậy, bạn vẫn có thể sẽ không chú ý đến điều này vì trong suốt thời gian răng bé bị bào mòn và dần yếu đi, các vết tổn thương răng hầu như rất khó thấy. Một khi men răng đã bị tổn thương thì quá trình sâu răng sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra răng miệng của trẻ.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.
Bạn nên làm gì nếu bé bị sâu răng?
Thực hiện tốt vệ sinh răng miệng có thể giúp bạn ngừa sâu răng ở trẻ bú bình. Ngoài ra, còn có các bước đơn giản vô cùng hiệu quả sau mà bạn nên thử:
- Lau nướu của bé với một miếng gạc sạch hoặc khăn sau mỗi lần cho bé ăn hoặc uống sữa;
- Bắt đầu đánh răng cho bé, mà không cần sử dụng kem đánh răng, khi bé mọc chiếc răng sữa đầu tiên;
- Làm sạch và mát xa vùng nướu vẫn chưa mọc răng;
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng khi tất cả răng đã mọc;
- Đảm bảo con bạn được cung cấp đủ flo giúp giảm sâu răng. Nếu nguồn nước địa phương ở nơi bạn sống không chứa flo, hãy hỏi nha sĩ hoặc bác sĩ cách nào để bổ sung thêm flo cho bé;
- Đặt lịch khám răng định kì khi bé được một tuổi. Các nha sĩ sẽ cho bé sử dụng một lớp bảo vệ răng có thể giúp ngăn ngừa sâu răng trong giai đoạn này.
Nếu bé thường xuyên uống nước ngọt, bạn hãy giúp bé từ bỏ thói quen này bằng cách pha thêm nước trong 2 – 3 tuần, sau đó thay thế hoàn toàn bằng nước lọc. Nếu con ăn nhiều bánh kẹo ngọt, bạn cần thường xuyên nhắc nhở bé chải răng sau khi ăn để bảo vệ răng.
Hãy nhớ rằng răng sữa khỏe mạnh sẽ giúp con có răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ và đẹp hơn trong tương lai.
Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ?
Như đã đề cập, bạn có thể không nhận ra dấu hiệu bé đang bị sâu răng. Đó là lí do tại sao việc kiểm tra và làm sạch khi răng của con bắt đầu mọc và phát triển lại rất quan trọng. Nếu bạn cảm thấy có những bất thường ở răng của bé, hãy đưa bé đến nha sĩ càng sớm càng tốt.
Bạn có thể giúp con ngừa sâu răng như thế nào?
Sau đây là một số cách giúp bạn ngăn ngừa sâu răng cho bé:
- Không cho con uống nước có nhiều chất đường như gelatin hoặc nước giải khát;
- Chỉ cho con uống nước lọc khi đi ngủ – không dùng nước trái cây, sữa hoặc các thức uống khác;
- Nếu bé đang ở giai đoạn 6 – 12 tháng, chỉ cho bé uống sữa bột bằng bình;
- Không cho bé bú khi đã ngủ;
- Không để con dùng chai nước trái cây hoặc sữa để ngậm, mút thường xuyên. Không để bé sử dụng núm vú giả trong thời gian dài và không nhúng núm vú giả vào mật ong, đường hoặc siro cho bé ngậm;
- Dạy cho bé uống nước bằng cốc (ly) khi bé được khoảng 6 tháng tuổi. Tập cho bé từ bỏ thói quen bú bình khi bé trong độ tuổi từ 12 – 14 tháng;
- Hạn chế cho bé uống nước trái cây, chỉ cho trẻ uống dưới 170 ml mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những mẹo sau vào việc chăm sóc răng miệng của con:
- Sau mỗi lần cho ăn, nhẹ nhàng lau sạch răng và nướu răng của con với một chiếc khăn sạch hoặc gạc để loại bỏ mảng bám;
- Bắt đầu đánh răng ngay sau khi con đã mọc răng, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Nếu con bạn khoảng 1 – 3 tuổi, hãy đặt một lượng nhỏ kem đánh răng không có chất flo vào một chiếc khăn và chà xát nhẹ nhàng trên răng bé. Hãy đảm bảo trẻ nhổ toàn bộ kem đánh răng sau khi chải răng nếu bạn dùng kem có chất flo;
- Trẻ lớn hơn có thể sử dụng một bàn chải đánh răng mềm có lông bằng nylon. Tốt nhất nên kết hợp sử dụng một lượng rất nhỏ kem đánh răng (không nhiều hơn so với kích thước của một hạt đậu);
- Bắt đầu dùng chỉ nha khoa cho trẻ em khi tất cả các răng sữa của bé đã mọc (thường là khoảng 2 tuổi rưỡi);
- Nếu con bạn đang trong độ 6 tháng tuổi trở lên, việc sử dụng nước có flo hoặc chất bổ sung flo cho trẻ là cần thiết. Ngay cả việc lựa chọn nước đóng chai, cũng nên lựa loại có chứa flo ;
- Kiểm tra răng của con thường xuyên và khám răng lần lượt khi tất cả các răng sữa đã mọc hoặc vào lúc bé lên 2 – 3 tuổi.