Mỗi năm, hàng ngàn trẻ em trên khắp thế giới mất tích, phần lớn trong số đó được xác định là bị bắt cóc. Vì vậy, việc nhận ra các dấu hiệu kẻ bắt cóc là rất quan trọng để bạn có thể dạy con đề phòng mối nguy hiểm này hay can thiệp để kẻ xấu không có cơ hội ra tay.
Kẻ bắt cóc thường là những “nhà tâm lý giỏi”, có thể dễ dàng kết nối với trẻ bằng một số thao tác đơn giản. Chúng tôi đã tổng hợp 12 dấu hiệu phát hiện kẻ bắt cóc để giúp bố mẹ nâng cao cảnh giác với mối nguy hiểm này.
1. Kẻ bắt cóc yêu cầu sự giúp đỡ từ trẻ
Một trong những thủ thuật phổ biến nhất mà kẻ bắt cóc hay sử dụng là yêu cầu sự giúp đỡ từ trẻ. Đây là dấu hiệu cảnh báo vì không có người lớn nào lại muốn nhờ em bé xa lạ giúp đỡ nếu không có ý định tiếp cận chúng. Nếu người lớn gặp vấn đề gì đó, chẳng hạn như bị lạc mất chó, mèo hoặc không thể mở cửa xe vì tay đang xách nhiều đồ thì họ sẽ nhờ sự giúp đỡ của người lớn chứ không phải trẻ em.
2. Trẻ phản ứng dữ dội
Nếu một đứa trẻ khóc lóc, la hét, cố gắng rút tay ra khỏi người lớn, bạn có thể nghĩ rằng đứa trẻ đó đang cư xử không tốt. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ phản ứng quá dữ dội, bạn nên tiến đến hỏi thăm và đừng ngại hỏi người đang giữ bé là ai. Nếu đó là kẻ bắt cóc, hắn có thể sẽ bỏ chạy vì sợ bạn nhớ mặt mình.
3. Có hành động đáng ngờ
Bạn nên lưu ý những người hay đi lòng vòng khu vui chơi hoặc có những hành động quan sát một cách đáng ngờ. Nếu rơi vào tình huống này, bạn có thể cố tình chụp ảnh kẻ đáng ngờ để hắn sợ hãi và bỏ đi.
4. Cho trẻ quà hoặc đồ chơi
Trẻ nhỏ rất dễ tin tưởng người khác. Nếu một người cho trẻ kẹo và đồ chơi nhưng với điều kiện phải đi theo họ thì có khả năng đó là kẻ bắt cóc trẻ em. Người lớn bình thường không tự nhiên tặng quà cho những đứa trẻ xa lạ hoặc bắt trẻ đi theo mình.
5. Hiểu rõ thông tin về gia đình trẻ
Kẻ bắt cóc có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin về gia đình đứa trẻ, thậm chí ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như tên cha mẹ, món đồ chơi mà bé yêu thích hoặc miêu tả phòng của bé ở nhà… Sử dụng những thông tin này, họ có thể giới thiệu là bạn bè hoặc đồng nghiệp của cha mẹ tới đón. Hắn có thể nói rằng mẹ của trẻ đang ở trong bệnh viện và bắt trẻ phải đến thăm mẹ ngay bây giờ. Nếu bạn chứng kiến tình huống này, hãy lưu ý vì có đến 9/10 trường hợp thì đây là kẻ bắt cóc.
6. Lợi dụng một đứa trẻ khác
Đôi khi kẻ bắt cóc có thể sử dụng một đứa trẻ khác làm mồi nhử để dụ dỗ nạn nhân. Vì vậy, khi thấy trẻ chơi hoặc đi cùng một đứa trẻ xa lạ, bạn nên hỏi thông tin của đứa trẻ hoặc đi cùng con mình xem chúng dắt nhau đi đâu.
Hầu hết trẻ nhỏ thường nghĩ rằng kẻ bắt cóc phải là những người đàn ông giận dữ, đeo kính râm. Trên thực tế, phụ nữ hay trẻ em cũng có thể là đồng bọn của kẻ bắt cóc. Nếu nhận thấy một đứa trẻ đang đưa một đứa trẻ khác ra khỏi khu vui chơi, bạn nên tiến lại và hỏi xem trẻ đã quen biết nhau lâu chưa và chúng đang định đi đâu nhé.
7. Giả vờ hỏi đường
Nếu bạn nhìn thấy một chiếc xe chạy chậm dọc đường theo sát một đứa trẻ, đây có thể là dấu hiệu của kẻ bắt cóc. Và nếu người lái xe yêu cầu trẻ lên xe để chỉ đường thì có khả năng hắn là kẻ bắt cóc. Nếu không biết đường, người lái xe sẽ hỏi người lớn, nhân viên cảnh sát hoặc sử dụng các ứng dụng để tìm đường trên điện thoại chứ không ai đi hỏi một đứa trẻ.
8. Đề nghị đi xe máy, ô tô
Đã có trường hợp trẻ em bị bắt cóc sau khi được lời đề nghị đi xe máy, ô tô. Các cậu bé thường rất tò mò và không thể từ chối điều đó. Nếu bạn thấy tình huống như vậy, hãy sử dụng cảm giác của mình để phán đoán nhé.
9. Đóng giả làm nhà sản xuất phim hoặc nhiếp ảnh gia
Những kẻ bắt cóc thường nói với trẻ rằng họ là nhà sản xuất phim hoặc nhiếp ảnh gia. Chiêu trò này hay được áp dụng với trẻ từ 10 – 11 tuổi. Kẻ bắt cóc sẽ chiếm được lòng tin của trẻ bằng sự nịnh hót và hứa hẹn về danh tiếng, thành công. Nếu nghi ngờ những người này là kẻ xấu, bạn có thể tiến lại gần và hỏi thăm một số thông tin liên quan đến nghề nghiệp mà họ đang giới thiệu. Khi cảm thấy có người lớn đến can thiệp và phiền phức quá, chúng sẽ tìm cách để rút lui.
10. Đóng giả làm cảnh sát
Thật khó để cảnh giác khi những kẻ bắt cóc giả danh cảnh sát và yêu cầu trẻ đi theo khi trẻ cư xử không tốt. Tuy nhiên, nếu thật sự là cảnh sát, việc đầu tiên họ làm là tìm cha mẹ của trẻ chứ không mời trẻ về đồn vì trẻ chưa đến tuổi trưởng thành. Nếu vị cảnh sát đó tỏ ra sợ hãi hoặc lo lắng khi bạn can thiệp và yêu cầu xuất trình thẻ, bạn có thể cố chụp ảnh để dọa hắn bỏ đi.
11. Trẻ xưng hô xa lạ
Một dấu hiệu cảnh báo kẻ bắt cóc mà bạn cần chú ý đó là cách xưng hô và nói chuyện với người lạ mặt của đứa trẻ. Trẻ em sẽ gọi những người quen biết thân mật thay vì sử dụng từ ngữ xa lạ.
12. Vẻ ngoài khác biệt giữa trẻ và người lớn
Vẻ ngoài quá khác biệt giữa trẻ và người lớn cũng là điểm nên chú ý khi quan sát kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố phụ và cần phải đi kèm với những hành vi khả nghi khác.
Ảnh: Brightside.me