Trẻ nhỏ dường như luôn hiếu động và thường có những cách thể hiện cảm xúc quá đáng khiến bố mẹ bực bội, tức giận. Thế nhưng, bố mẹ không nên phạt con bằng cách đánh đòn mà nên dùng những biện pháp phạt con thông minh hơn để rèn luyện con từ bỏ những thói hư tật xấu.
Khi muốn kỷ luật trẻ nhỏ, bạn cần có sự khôn ngoan, nhất quán và kiên nhẫn. Nếu là bố mẹ, bạn sẽ khó tránh khỏi tình huống con ương bướng, nói hoài không nghe hoặc con ăn vạ, nhõng nhẽo để vòi vĩnh những thứ mình muốn. Vậy lúc này, bạn sẽ làm gì? La hét hay quất cho con vài roi? Đây có thể được xem là việc làm không đúng đắn nhưng lại được rất nhiều người áp dụng. Nếu muốn là người phạt con thông minh, bạn hãy đọc ngay 12 biện pháp phạt con không đòn roi của Chúng tôi nhé.
Trẻ ở tuổi tập đi
1. Giao nhiệm vụ cho con
Bé còn quá nhỏ nên không thể tự nhận thức được lỗi sai của mình. Do đó, bạn có thể áp dụng biện pháp phạt con bằng cách đưa bé đến một góc yên tĩnh và giao nhiệm vụ cho bé kèm theo thời gian phải hoàn thành chẳng hạn như xếp các mảnh ghép hình lại với nhau, xâu chuỗi vòng tay, tô màu cho bức tranh, xếp lại bảng chữ cái… Điều này sẽ làm phân tâm sự chú ý của con nên con sẽ bình tĩnh và không quấy khóc nữa.
Bố mẹ có thể thực hiện biện pháp phạt con này đối với những bé chống đối bằng cách la hét hoặc khóc thật to. Hãy đưa con vào phòng riêng cùng mệnh lệnh trẻ phải khóc, la hét liên tục trong vòng 10 phút nếu không sẽ không được ra ngoài. Đối với trẻ trong độ tuổi tập đi, 10 phút là khoảng thời gian dài và sẽ chẳng vui chút nào nếu bị bố mẹ bắt phải khóc như vậy.
Trẻ nhỏ
2. Biến cũ thành mới
Nếu con có tính cách bày bừa, bạn hãy chọn ra vài món đồ chơi bé yêu thích và đặt chúng vào 1 chiếc hộp riêng ở nơi con không thấy. Khi trẻ làm sai điều gì đó, bạn lại cất thêm đồ chơi vào đó. Biện pháp phạt con này có 2 lợi ích. Đầu tiên, trẻ sẽ cảm thấy không bị nhàm chán bởi có quá nhiều đồ chơi và nghĩ rằng chúng thật mới lạ. Thứ hai, con phải thật ngoan hoặc làm một vài việc nhà nào đó để “chuộc” lại những món mà bố mẹ đã lấy đi.
3. Đặt biệt danh cho con
Với những bé quá hiếu động, hãy đặt ra một biệt danh cho bé để nhắc nhở khi bạn muốn con dừng lại những hoạt động quậy phá, la hét. Bạn chú ý chọn cái tên thích hợp để không làm trẻ xấu hổ khi ở nơi công cộng.
Ví dụ, “Nè Batman/Spiderman…”. Trẻ sẽ biết rằng bạn đang gọi mình và nếu con không chịu kiềm chế thì con sẽ bị phạt nặng hơn.
4. Giữ lưỡi của bé
Bạn chắc hẳn đã từng nghe câu: “Giữ mồm giữ miệng”. Để phạt con, bạn có thể thực hiện câu nói này nhưng theo đúng nghĩa đen của nó. Bạn ra lệnh cho con phải lè lưỡi ra và dùng 2 ngón tay kẹp chặt lại. Điều này có vẻ hiệu quả khi đang ở nơi đông người.
5. Đưa con ra ngoài
Một trong những lý do khiến trẻ nhỏ có hành vi gây ồn là vì bé muốn thu hút sự chú ý của người lớn. Trong những trường hợp như vậy, bạn chỉ cần đưa con ra ngoài ban công hay hành lang và nói: “Nếu con thích la hét thì cứ tiếp tục đi, chừng nào xong thì mới được vào nhà và ăn tối nhé”. Khi không có ai để tương tác và dỗ dành, cơn giận của trẻ sẽ tự khắc tan biến.
6. Điều chỉnh thời gian ngủ
Bạn có thể thay đổi một chút giờ lên giường tùy theo thái độ của bé ngày hôm đó. Đối với những lần vi phạm, con sẽ phải đi ngủ sớm hơn 5 phút và nếu ngoan, trẻ sẽ được chơi thêm 5 phút. Tuy nhiên, phần thưởng này chỉ nên áp dụng vào những ngày cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ hè thôi nhé.
7. Cho con làm nhiều bài tập hơn
Nếu trẻ làm bài tập về nhà một cách qua loa, hãy bắt trẻ làm lại từ 2 – 3 lần và nói rằng: “Con nghĩ xem giữa việc hoàn thành bài toán trong 10 phút một cách cẩn thận, sau đó con sẽ có nhiều thời gian chơi với em và việc con phải làm đi làm lại bài toán do không cẩn thận và không còn thời gian chơi nữa, con sẽ chọn điều nào?”.
8. Đóng mở cửa
Con bạn có thói quen đóng cửa thật mạnh mỗi khi bị la mắng? Nếu có, bạn hãy thử biện pháp phạt con bằng cách yêu cầu bé đóng và mở cửa một cách nhẹ nhàng 100 lần mỗi khi con tỏ ra bực dọc và trút cảm giác đó vào cánh cửa.
9. Đi tìm đồ vật
Nếu bạn muốn rèn cho con tính gọn gàng ngay từ nhỏ, hãy nhắc nhở bé cất đồ chơi hoặc giày dép yêu thích của mình vào nơi quy định một cách ngay ngắn. Nếu con không nghe lời, bạn hãy giấu tất cả đồ chơi của con vào một nơi mà trẻ không thể biết được. Khi bé muốn chơi, bố mẹ chỉ đơn giản nói rằng con phải tự tìm. Dần dần, con sẽ nhận ra rằng cần phải sắp xếp mọi thứ ngăn nắp vì điều này sẽ dễ dàng hơn so với việc đi tìm đồ vật mà bố mẹ cất đi.
Trẻ độ tuổi dậy thì
Trẻ trong độ tuổi dậy thì sẽ có xu hướng nổi loạn và khó nghe lời hơn trẻ nhỏ. Do đó, bạn cần có những biện pháp phạt con tế nhị mà không làm bé bị tổn thương.
10. Rửa chén bát
Đến giờ ăn, bạn nhắc nhở mấy lần mà không thấy con vào bàn. Nếu thường xuyên gặp tình huống này, bạn hãy ra quy định rằng nếu là người cuối cùng ngồi vào bàn ăn, con sẽ phải xới cơm hoặc lấy thêm đồ ăn cho mọi người, sau đó rửa chén và dọn bàn sạch sẽ.
11. Làm việc nhà
Nhiều bà mẹ chia sẻ, những lúc con ương bướng, không nghe lời, họ sẽ bắt con làm việc nhà. Bạn có thể áp dụng cách làm này nhưng biến tấu một chút bằng cách tạo ra một chiếc hộp chứa những mảnh giấy trong đó có ghi công việc mà trẻ phải thực hiện chẳng hạn như dọn tủ lạnh, vệ sinh phòng tắm… Bạn cho con chọn một tờ và con phải thực hiện điều mình đã chọn.
12. Mặc chung áo
Khi các con cãi vã nhau vì không muốn cùng chia sẻ, bạn hãy lấy 1 chiếc áo thật rộng và yêu cầu 2 bé cùng mặc chung chiếc áo đó trong khoảng thời gian nhất định. Nếu muốn làm gì, trẻ bắt buộc phải thực hiện cùng nhau.