Xác định nguyên nhân suy tim sớm là yếu tố hàng đầu giúp bạn cải thiện kết quả điều trị, đồng thời ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng phát sinh, chẳng hạn như tử vong.
Bác sĩ cần xác định chính xác nguyên nhân suy tim nhằm đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả và phù hợp. Bên cạnh đó, đây cũng là điều người bệnh nên nắm rõ để có thể thay đổi lối sinh hoạt lành mạnh hơn, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị.
Thông thường, tình trạng suy tim xuất phát từ một hoặc nhiều vấn đề đã và đang diễn ra ở tim, gây tổn thương hoặc tạo thêm áp lực công việc cho cơ quan này. Vậy, bạn đã biết được bao nhiêu yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý trên?
10 nguyên nhân suy tim phổ biến
Theo thời gian, khả năng bơm máu của tim sẽ suy giảm dần. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy tim. Tình trạng này chủ yếu bắt nguồn từ những thương tổn ở tim cũng như các vấn đề tạo thêm gánh nặng lên cơ quan này.
Mặt khác, tất cả yếu tố liên quan đến lối sống gây tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ đều có khả năng cao góp phần dẫn đến suy tim, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Thừa cân
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol
- Lười vận động và rèn luyện thể chất
Như vậy, có thể nói rằng, nguyên nhân suy tim ở một người có nhiều khả năng xuất phát từ những tình trạng sức khỏe hay yếu tố nguy cơ dưới đây, chẳng hạn như:
1. Bệnh động mạch vành
Sự tích tụ của cholesterol và chất béo trong động mạch đến tim gây cản trở máu lưu thông. Hệ quả là xơ vữa động mạch khiến số lượng tế bào hồng cầu mà tim nhận được ít đi, từ đó kéo theo nhiều biến chứng khác như đau thắt ngực hay thậm chí là đau tim (trường hợp mao mạch tắc nghẽn hoàn toàn).
Thêm vào đó, bệnh động mạch vành còn là yếu tố trực tiếp góp phần gây tăng huyết áp, lâu ngày có nguy cơ khiến cho chức năng tim suy giảm theo thời gian.
2. Nhồi máu cơ tim
Một cơn nhồi máu cơ tim có xu hướng xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho cơ tim bị tắc nghẽn. Tình trạng thiếu hụt oxy và các chất dinh dưỡng sẽ gây tổn thương các mô tim nghiêm trọng. Từ đó, hoạt động co bóp của tim trở nên khó khăn hơn, lâu ngày làm suy yếu dần khả năng bơm máu của cơ quan này.
3. Tăng huyết áp
Cao huyết áp hay tăng huyết áp là một trong những bệnh lý phổ biến toàn cầu. Trên lý thuyết, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tăng huyết áp đang dần có xu hướng trẻ hóa.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát hay điều trị tăng huyết áp không hiệu quả là yếu tố nguy cơ chính gây ra suy tim. Áp lực bơm máu đi khắp cơ thể trong mao mạch quá cao đồng nghĩa với việc tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường để sinh ra lực đẩy có cường độ lớn như vậy. Điều này khiến cơ tim chịu tổn thương nặng nề.
Đối với những người có nguy cơ bị suy tim, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị nhằm đưa chỉ số huyết áp quay về mức dưới 130/80mmHg.
4. Van tim bất thường
Các vấn đề liên quan đến van tim thường phát sinh do những yếu tố như:
- Bệnh
- Nhiễm trùng
- Dị tật bẩm sinh
Khi các van không mở hoặc đóng hoàn toàn qua mỗi nhịp tim, cơ tim sẽ phải bơm mạnh hơn để giữ cho máu di chuyển bình thường. Theo thời gian, gánh nặng công việc này sẽ trở thành nguyên nhân suy tim.
5. Bệnh cơ tim
Những bệnh cơ tim thường thấy có thể bao gồm giãn cơ tim, cơ tim phì đại hoặc viêm cơ tim. Bất kỳ thương tổn nào phát sinh ở cơ tim, từ lạm dụng chất kích thích cho đến nhiễm virus, đều là yếu tố gây tăng rủi ro phát triển tình trạng suy tim.
6. Bệnh tim bẩm sinh
Nếu tim nói chung và buồng tim nói riêng không phát triển bình thường ngay từ trong bào thai, những bộ phận còn lại sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho khiếm khuyết bẩm sinh này.
Do đó, bệnh tim bẩm sinh cũng được đánh giá là nguyên nhân suy tim thường thấy.
7. Bệnh phổi nghiêm trọng
Đôi khi nguyên nhân suy tim có thể bắt nguồn từ tình trạng bệnh phổi nghiêm trọng. Nguyên nhân là do khi chức năng của phổi suy giảm rõ rệt, khối lượng công việc của tim sẽ tăng lên để có thể cung cấp đầy đủ oxy cho toàn bộ tế bào trong cơ thể.
8. Đái tháo đường
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển suy tim.
Nguyên nhân nằm ở việc những người bị đái tháo đường có xu hướng gặp phải các bệnh lý khác như tăng huyết áp hay xơ vữa động mạch. Cả hai vấn đề trên đều là tiền đề phát sinh suy tim.
9. Béo phì
So với những người có trọng lượng khỏe mạnh, tình trạng thừa cân sẽ khiến tim bạn làm việc vất vả hơn. Mặt khác, béo phì còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời góp phần kéo theo các bệnh cơ tim.
10. Chứng ngưng thở lúc ngủ
Tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể phát sinh ở bất kỳ đối tượng nào. Dạng rối loạn giấc ngủ này có nhiều khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu bạn không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hơi thở đứt quãng không chỉ gây mệt mỏi mà còn có thể khiến cơ thể suy nhược. Bên cạnh đó, chứng ngưng thở khi ngủ còn có thể làm tăng rủi ro phát sinh biến chứng và gây trở ngại trong những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo.
Mặt khác, đây cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến của hàng loạt tình trạng sức khỏe, ví dụ như:
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Đột quỵ
Những vấn đề trên đều là nguyên nhân trực tiếp gây suy tim. Do đó, không ít nhà nghiên cứu đã phân loại chứng ngưng thở khi ngủ vào danh sách các yếu tố nguy cơ phổ biến khiến tim suy giảm chức năng.
Một số yếu tố ít gặp góp phần dẫn đến suy tim
Thỉnh thoảng, nguyên nhân suy tim có thể đến từ trạng thái tim không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Theo nhiều chuyên gia, trường hợp này tương đối hiếm gặp.
Tuy nhiên, nếu rơi vào tình cảnh này, bạn có thể sẽ bắt gặp bất kỳ vấn đề nào dưới đây, bao gồm:
Số lượng tế bào hồng cầu thấp hơn đáng kể
Tình trạng này còn gọi là thiếu máu nghiêm trọng.
Khi số lượng hồng cầu không đủ để vận chuyển oxy cũng như chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, tim sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ đưa máu đến những bộ phận khác. Điều này có thể tạm thời đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cơ thể, nhưng lại tạo thêm gánh nặng cho tim.
Tuyến giáp hoạt động quá mức
Sự hoạt động quá mức của tuyến giáp được gọi là cường giáp. Tình trạng này có thể đẩy nhanh tốc độ hoạt động của cơ thể. Từ đó, tim sẽ phải làm việc cật lực hơn để cố gắng theo kịp tốc độ trên.
Nhịp tim bất thường
Thuật ngữ rối loạn nhịp tim thường đề cập đến tình trạng nhịp tim của một người không đều hoặc không ổn định. Nếu tim đập quá nhanh hay quá chậm, lượng máu dùng để nuôi các bộ phận trong cơ thể có lẽ không kịp cung cấp dinh dưỡng và oxy theo đúng nhu cầu.
Lúc này, nếu bạn không xác định và điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh, suy tim có thể diễn ra.
Tổng kết
Nguyên nhân suy tim chủ yếu bắt nguồn từ hai yếu tố là:
- Sự thương tổn ở cơ quan nội tạng quan trọng
- Khối lượng công việc của tim quá nhiều
Thực tế, đây là một trong những vấn đề có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Do đó, việc xác định chính xác nguyên nhân suy tim càng sớm càng tốt sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể nguy cơ phát sinh rủi ro trên.